Đà Nẵng cuối tuần
Ngõ chè tàu
Cháu gái lấy chồng trời xa hớn hở gọi điện báo tin mừng vừa mua được căn nhà nhỏ có cả một khu vườn rộng. Qua điện thoại thông minh, cả gia đình tôi tận mắt chứng kiến hình ảnh toàn bộ ngôi nhà với nỗi “mừng lây” cùng vợ chồng cháu.
Miền Nam nước Úc với bầu khí hậu khắc nghiệt nhưng khu vườn của cháu lại ngập tràn màu sắc bởi các loài hoa và cây. Cháu nói bên đây cây gì cũng có, hoa gì cũng đẹp nhưng sao con nhớ hàng chè tàu trước ngõ nhà mình quá nội ơi... Trời ơi, cái cây chè tàu đích thị là quê kiểng thứ thiệt, cháu tôi xuất giá tòng phu tận chốn xa xăm không nhớ gì lại rưng rưng nước mắt chỉ bởi hàng chè tàu trước ngõ.
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG |
Ở miền quê Tiên Phước, trước đây hầu như nhà nào cũng có hàng chè tàu trồng theo lối ngõ. Xóm nhà cổ Lộc Yên thôn nơi ba mẹ tôi ở lại thêm cái duyên dáng kỳ công cho vẻ đẹp của chè tàu bằng lối sắp đặt đơn giản mà công phu của ngõ đá.
Sự kết hợp từ ý tưởng giản dị của những người nông dân thân thiện với con trâu, đám cỏ ngoài đồng, cứ mỗi bữa đi làm về gánh theo hai ba cục đá trên hố Chò, hố Hay đã trở thành một “không gian ngõ” độc đáo lạ kỳ.
Ngõ đá nhà ông Tưu, ông Huyền nhờ thế đắc địa của “nhà địa chủ” lưng tựa núi, mặt nhìn ra nước mà đẹp nức tiếng cả vùng. Sau này có thêm ngõ đá nhà ông Điệp, cả Hào, ông Minh, ông Mão, Bảy Phục, cả Trọng, ba Hiên… đã tạo nên một không gian đặc trưng thơ mộng của làng cổ Lộc Yên. Và không thiếu hai bên bờ ngõ đá là hàng chè tàu được cắt tỉa công phu như một sự gặp gỡ hài hòa mát rượi lòng người nông phu sau một ngày làm việc vất vả.
Chè tàu là một loại cây xuất xứ hoang dại, dễ trồng và không chỉ riêng có ở Lộc Yên thôn. Cây không cho hoa, không có quả, mùi lá hăng nhẹ và tự thuở nào được sinh ra chỉ để làm bờ che ngõ đá hoặc bờ rào quanh vườn. Tuy mang tên gọi là chè nhưng lại không phải là thức uống được. Cây ấy, chỗ dụng công tối ưu nhất ngoài ngăn cản không cho gia súc vào vườn là tôn tạo cho ngõ đá quê tôi một vẻ đẹp riêng.
Giờ đây, đã qua xa rồi cái thời chè tàu làm bờ rào quanh vườn cho anh em chúng tôi thỉnh thoảng chui qua chui lại chơi trò trốn kiếm (trốn tìm). Đã qua xa rồi thời kỳ yên ả của xóm thôn nghèo như một thung lũng nhỏ mà âm thanh của tình thân từ nhà này có thể vọng với sang nhà kia.
Qua xa rồi những đứa trẻ da đen rẹm vì nắng thi thoảng rủ nhau vô vườn nhà cô Nhung, bà Cường hái trộm bồ quân, dâu đất, ăn trái thơm chín bị chuột dòm vài lỗ… Đã qua xa bởi trong làng gần như đã trở nên đẹp đẽ hơn bởi những sự thay da đổi thịt. Và miếng ăn, giờ đây không còn là nỗi thèm khát vì những cơn đói khoai sắn dày vò. Nhưng những sự đẹp ấy cũng đã lấy đi bao nỗi bình yên khác.
Những hàng rào chè tàu nhà nào còn sót lại giờ đây, nhất định đã thêm một lớp lưới B40 được che chắn kỹ càng. Rất nhiều người trẻ trong làng đã bỏ xứ tha hương, và rất nhiều đứa trẻ khác đã nặng mùi của bóng đen ma túy sau ước vọng đổi đời bất thành từ những bãi vàng sa khoáng Trà My, Phước Sơn. Họ, không phải là tất cả nhưng họ là nỗi đau đớn khôn nguôi của một xóm nhỏ từng rất bình yên.
Hàng chè tàu nhà tôi vẫn được cha hằng ngày chăm sóc và gìn giữ. Có lẽ, trong tâm thức của một người trẻ xa quê như cháu tôi, hàng chè tàu ấy đã cất giữ cùng nó biết bao nhiêu kỷ niệm thời thơ ấu. Cháu gái từ năm lên ba tuổi đã về sống với ông bà nội. Những cô chú và ông bà giữa cảnh nghèo ăn sắn độn khoai chắc chắn không thể bù được cho nó nỗi thiếu vắng tình thương của ba mẹ.
Có phải hàng chè tàu ấy là nơi nó đã khóc thầm khi bị bà cô gần vai phải lứa ức hiếp giành món đồ chơi? Có phải hàng chè tàu ấy là nơi nó đã cất giấu riêng tư những nỗi niềm ngây thơ con trẻ? Có phải hàng chè tàu ấy là nơi bà nội đã lén cho nó múi mít vừa chín tới? là nơi nó tự tay được cầm dao ăn cây mía tím ngọt lịm trước sân?
Những tưởng tượng lan man của tôi khi nghe đứa cháu thốt lên “con nhớ ngõ chè tàu” khiến trong lòng thêm phần lay động. Úc là một quốc gia khắt khe với mọi giống cây trồng nhập cảnh, nên nhất định cái ý tưởng mang cái quê nhà sang không thể nảy nở trong đầu. Nhưng bù lại, nhìn trong camera, chúng tôi thấy khu vườn đầy hoa của đứa cháu nhỏ được che chắn bởi những thanh gỗ mảnh, rất thấp.
Hình ảnh thân thiện ấy, ắt hẳn, nhất định, sẽ là niềm an ủi vô biên.
Nguyễn Thị Diệu Hiền