Đà Nẵng cuối tuần
Vài con chữ khuấy bể dâu khóc cười
Nhà thơ Trương Nam Chi bước vào con đường sáng tác thi ca khá muộn. Chị quê gốc ở Điện Bàn - Quảng Nam nhưng được sinh ra tại Thanh Hóa vì cha mẹ tập kết ra Bắc năm 1954. Chị gia nhập quân đội, rồi cầm tấm bằng kỹ sư hóa thực phẩm Trường ĐH Bách khoa TP. Hồ Chí Minh để theo nghề xây dựng. Tập thơ đầu tiên Quà tặng tình yêu của Trương Nam Chi xuất bản năm 2011. Giá có thể… là tác phẩm mới nhất của Trương Nam Chi, với những vần điệu thao thức đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc đời chị:
Tôi, đàn bà
Lấy không làm có
Chưa lần khóc mướn thương vay
Xếp bẽ bàng đắp mộ đắm say
Gom va vấp xây đền đài nhẹ dạ.
Thi ca chưa bao giờ là sân chơi dành cho những kẻ nông nổi và sốt ruột. Chữ nghĩa ngỡ phù du đấy, nhưng khi nhà thơ chấp nhận ngồi với cái bóng mình trước bản thảo, thì chữ nghĩa luôn cồn cào những được mất riêng tư. Trương Nam Chi nhận ra góc khuất âm thầm của cha:
“Nhiều năm trôi qua từ khi cha trở về/ Kỷ niệm hiện lên mỗi lần cha đọc lại những dòng thư cũ/ Chiến tranh vọng về từ rừng thiêng quá khứ” và cũng nhận ra trống vắng lặng lẽ của mẹ: “Nụ cười giá lạnh đêm mưa/ Cô đơn nhỏ giọt mặn chua gió đồng/ Tựa lưng vào những cơn giông/ Mẹ ngồi gom rét cấy trong tim mình!”. Còn bản thân chị, đôi lúc xao xác theo những bước chậm vu vơ trên cõi đời bận bịu: “Chút tình buông thả ven sông/ Vàng mơ hoa cải nở trong sương mù/ Lây phây mưa bụi phập phù/ Đường khuya đâu nỡ cầm tù dấu chân”.
Nhà thơ Trương Nam Chi ưa chuộng thể loại lục bát. Sự chập chờn giữa câu sáu và câu tám có sức quyến rũ kỳ lạ với những ai thích trang trải từng kỷ niệm đã đến run rủi và đã đi hững hờ. Thế nhưng, nhà thơ Trương Nam Chi lại có thói quen dùng lục bát để lý giải bộn bề xung quanh.
Vì vậy, lục bát của Trương Nam Chi vừa sẻ chia vừa day dứt: “Câu hò giắt vội mái tranh/ Nụ cười sắc lạnh độc hành phố xa/ Nhón chân chạm thói ba hoa/ Gió lùa nông nổi vòng qua phận người”.
Chọn thi ca làm hành trang, không khác gì đánh cược trái tim cho bao nhiêu trắc ẩn khôn lường. Nhà thơ Trương Nam Chi chấp nhận điều ấy một cách tự nguyện, dẫu dăm lần thảng thốt, dẫu mấy phen bẽ bàng: “Thi đàn rối cuộc hèn sang/ Bạt ngàn ký tự giăng hàng nối nhau/ Vui buồn trích dẫn đôi câu/ Vài con chữ khuấy bể dâu khóc cười”.
Thơ Trương Nam Chi thường mạnh về tình hơn về ý. Chị chọn lối nói nhỏ nhẹ để hóa giải những băn khoăn và những dằn vặt theo đầy vơi ngày tháng muộn phiền: “Lở bồi - việc của dòng sông/ Chuyến phà qua trận gió giông nghịch mùa/ Ngàn năm trắng bóng mây đùa/ Hợp tan mượn cớ thêu thùa trời cao/ Người phàm góp chuyện trăng sao/ Bỗng dưng lòng dạ nôn nao vô cùng/ Đường ngang ngõ tắt vẫy vùng/ Mật hoa giữ lại xin đừng néo dây”. Đó không phải thái độ lạnh lùng buông xuôi mọi sự, mà là thái độ nhẹ nhàng đối mặt thị phi!
Thơ Trương Nam Chi có ưu điểm mượt mà, nên không ít bài bị rộn ràng chuồi đi theo cảm xúc mông lung. Khi chị biết tiết chế những ngôn từ đèm đẹp, thì ý và tình tương trợ nhau tạo nên khoảnh khắc thú vị cho người đọc, có thể là một nỗi xao xuyến bâng quơ “Cứ gì người mãi phân thân/ Nâng lên hạ xuống chỉnh cân mệt nhoài/ Cháy lên cho hết ngày dài/ Dẫu mai tro bụi bay ngoài thinh không” hoặc có thể là một niềm lãng đãng ngậm ngùi “Mà thôi trộn khóc vào cười/ Trộn mây vào gió trao người dửng dưng/ Đắng cay trổ giữa lưng chừng/ Xanh màu ký ức dẫu từng nhói đau”.
Điều nổi bật khiến Giá có thể… vượt trội những tập thơ trước của Trương Nam Chi là chị đã mạnh dạn nhoài khỏi biên độ an toàn mà chị vốn sở trường thể loại lục bát nhịp nhàng. Sự chếnh choáng số phận đàn bà qua mùa yêu lận đận, được níu lại bằng những dòng thơ bảy chữ uyển chuyển “Anh ra đi khi nào ta chẳng rõ/ Ầu ơ ta tự giăng võng ru mình/ Tâm tư xếp đôi đầu hụt hẫng/ Giữ thăng bằng dây ký ức chênh vênh” và bằng cả những dòng thơ phóng túng nôn nao “Ta cầm tay nhau/ Nói câu ngần ngại/ Phút giây tĩnh tại/ Làm sao giữ mặt trời trôi qua tim anh?”.
45 bài thơ trong tập Giá có thể… do NXB Hội Nhà văn ấn hành, ít nhiều đủ để độc giả hình dung về một nhà thơ Trương Nam Chi tuổi tri thiên mệnh vẫn xuôi ngược giữa dịu dàng và ngổn ngang. Chị dùng thơ an ủi nước mắt, cho những đắng đót lẫn những xót xa đều giống như những cơn mưa bay ngang ô cửa bịn rịn nhớ nhung: “Có khi thân lấm đọa đày/ Buồn buồn cam chịu đợi ngày nắng lên”.
Lê Thiếu Nhơn