Đà Nẵng cuối tuần
Công tác pháp chế với chương trình "Thành phố 4 an"
Theo đề án thực hiện chương trình “Thành phố 4 an” (An ninh trật tự, An toàn giao thông, An toàn thực phẩm và An sinh xã hội) trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đến năm 2020, mục tiêu chung được đặt ra là cân đối các nguồn lực nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, xây dựng thành phố Đà Nẵng giàu đẹp, an bình, văn minh, hiện đại; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về công tác phòng ngừa và đấu tranh đẩy lùi tội phạm, giữ gìn an ninh trật tự, bảo đảm an toàn giao thông, vệ sinh an toàn thực phẩm, tiếp tục nâng cao chất lượng an sinh xã hội.
Cần tăng cường tuyên truyền xử lý vi phạm để bảo đảm an toàn giao thông.Ảnh: XUÂN SƠN |
Để triển khai nội dung đề án trên, UBND thành phố đã ban hành các kế hoạch tổ chức thực hiện với các mục tiêu, nhóm giải pháp và phân công nhiệm vụ cụ thể cho các ngành, cơ quan, đơn vị trên từng lĩnh vực, trong đó vai trò, trách nhiệm của các cơ quan làm công tác pháp chế, bảo vệ pháp luật là rất quan trọng.
Trên lĩnh vực an ninh trật tự, trọng tâm là ổn định an ninh chính trị; kịp thời giải quyết tốt vụ việc phức tạp về an ninh trật tự ngay tại cơ sở khi mới phát sinh; tăng cường công tác phòng chống tội phạm, ma túy, tệ nạn xã hội.
Đây vừa là giải pháp, vừa là nhiệm vụ trước mắt và lâu dài của các cơ quan, đơn vị, mà lực lượng nòng cốt là các cơ quan bảo vệ pháp luật như công an, viện kiểm sát, tòa án… phải thường xuyên mở các đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm nhất là tội phạm ma túy; tập trung triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, đấu tranh ngăn chặn có hiệu quả đối với các đường dây cung cấp ma túy vào thành phố; ngăn chặn tội phạm lừa đảo, tội phạm công nghệ cao; công tác bắt giam, giữ, điều tra, xử lý tội phạm, tiếp nhận xử lý tin báo tố giác tội phạm phải được quan tâm chỉ đạo kịp thời, thực hiện đúng quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, phải làm tốt công tác quản lý cư trú, đối tượng, các cơ sở kinh doanh có điều kiện, phối hợp chặt chẽ với các ngành, địa phương rà soát, thống kê người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy, kiểm tra, phát hiện để xử lý, quản lý có hiệu quả; tăng cường công tác quản lý trật tự đô thị, kiểm tra, xử lý nghiêm tình trạng buôn bán lấn chiếm lòng đường, vỉa hè, xây dựng trái phép, không phép…
Trên lĩnh vực an toàn giao thông (ATGT), bên cạnh công tác quản lý, quy hoạch về giao thông, các cơ quan tư pháp, tổ chức, cán bộ pháp chế sở, ngành cần tập trung nghiên cứu, đổi mới các hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự ATGT, hướng mạnh về cơ sở, khu dân cư, kết hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và đoàn thể xã hội; tăng cường công tác thanh tra, tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, coi thường pháp luật về trật tự ATGT như phóng nhanh, vượt ẩu, vượt đèn đỏ, chạy ngược chiều, lấn làn đường, phần đường, điều khiển xe trong tình trạng nồng độ cồn vượt quá hạn cho phép; điều tra, xử lý nghiêm các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng để phấn đấu mục tiêu kéo giảm tai nạn giao thông trên địa bàn thành phố hằng năm giảm từ 5-10% trên cả ba tiêu chí.
Trên lĩnh vực an toàn thực phẩm (ATTP) và an sinh xã hội, vai trò, nhiệm vụ công tác pháp chế được xác định là tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật về ATTP; phối hợp xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về ATTP theo đúng thẩm quyền và đúng các quy định của pháp luật, đồng thời áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung, biện pháp khắc phục hậu quả như: đình chỉ hoạt động các cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm quy định về ATTP; tịch thu tang vật, tạm dừng lưu thông, thu hồi, tiêu hủy sản phẩm vi phạm về ATTP; công bố công khai cơ sở vi phạm trên báo, đài. Ngoài ra, còn tham gia phối hợp với các cơ quan hữu quan nhằm thực hiện tốt công tác bảo vệ cuộc sống người dân đảm bảo an toàn về tính mạng, sức khỏe,… giám sát chặt chẽ công tác thi hành pháp luật về bảo hiểm, y tế, giáo dục, văn hóa, thể thao; công tác bảo vệ môi trường, xử lý các hành vi gây ô nhiễm, hủy hoại môi trường...
Để thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp trong chương trình “Thành phố 4 an” trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đến năm 2020, các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận và các ban, ngành, đoàn thể thành phố tổ chức học tập, quán triệt, triển khai thực hiện Đề án đến cán bộ, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên; xây dựng kế hoạch thực hiện hiệu quả, phù hợp với tình hình nhiệm vụ từng cơ quan, địa phương, đơn vị; tổ chức kiểm tra, thanh tra, đánh giá, sơ kết, tổng kết. Tổ chức, cán bộ làm công tác pháp chế cần phát huy tối đa vai trò, trách nhiệm, bản lĩnh và cả sự chủ động, sáng tạo của mình trong khâu tổ chức thực hiện các giải pháp cụ thể.
Trong đó, vai trò của công tác pháp chế cần được phát huy ngay từ hoạt động xây dựng, thẩm định, thẩm tra, ban hành, rà soát, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật đảm bảo hiệu lực, hiệu quả, tránh chồng chéo, mâu thuẫn; thể hiện xuyên suốt trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật để nâng cao trách nhiệm, ý thức tuân thủ pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức và người dân.
Vai trò công tác pháp chế phải “thường trực” trong việc thực hiện các kết luận, quyết định của cơ quan và người có thẩm quyền, điều này đòi hỏi tất cả các cơ quan, tổ chức, cá nhân phải “thượng tôn pháp luật” trong quá trình thực thi công vụ, giải quyết công việc phải dựa trên cơ sở, căn cứ quy định của pháp luật; phát huy vai trò, trách nhiệm người đứng đầu, phát huy dân chủ ở cơ sở, chú trọng giải quyết tốt đơn thư khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị của công dân, tránh để xảy ra điểm nóng, gây mất an ninh trật tự.
Ngoài ra, các cơ quan bảo vệ pháp luật cần xây dựng và thực hiện có hiệu quả quy chế phối hợp trong thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử tội phạm và vi phạm pháp luật một cách kịp thời, công khai, đặc biệt tránh phối hợp một cách hình thức, xuôi chiều; kiên quyết không để hình thành các băng nhóm tội phạm theo kiểu “xã hội đen”, không để tội phạm lộng hành, gây bất an cho người dân.
Bên cạnh đó, đối với các cơ quan dân cử, Ban Pháp chế HĐND các cấp cần thực hiện tốt chức năng, vai trò giám sát trong triển khai thực hiện chương trình “Thành phố 4 an” từ cấp thành phố cho đến cơ sở.
Để góp phần tiếp tục thực hiện có kết quả chương trình “Thành phố 4 an” trong năm tiếp theo, có thể khẳng định rằng, vị trí, vai trò của pháp luật nói chung, công tác pháp chế nói riêng cần được đặt lên hàng đầu, hay nói cách khác là ở đó mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân đều phải “thượng tôn pháp luật”, thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương hành chính, mọi hành vi vi phạm pháp luật phải được xử lý theo đúng quy định của pháp luật, chính điều này là cơ sở để chúng ta xây dựng một thành phố Đà Nẵng giàu đẹp, yên bình, văn minh, hiện đại.
Phan Thanh Long
(*) Ủy viên Thường trực, Trưởng ban Pháp chế HĐND thành phố.