Đà Nẵng cuối tuần

Từ Đào Mai Trang đến hồn quê, hồn lụa…

14:50, 02/12/2018 (GMT+7)

Con đường chạy dọc con sông Tân Giang (sông Cụt) phía nam thành phố Hà Tĩnh mang tên danh họa vẽ lụa Nguyễn Phan Chánh. Và trên con đường này có một địa chỉ văn hóa từ lâu đã quen thuộc với giới văn nghệ sĩ, đặc biệt là giới mỹ thuật trong cả nước, đó là nhà lưu niệm Nguyễn Phan Chánh. Ngôi nhà và khu vườn lúc gia đình ông đang ở đây được gọi là “Đào Mai Trang”. Trong nhà trưng bày những hiện vật của Nguyễn Phan Chánh như một bảo tàng thu nhỏ.

Bức tranh Chơi ô ăn quan của họa sĩ Nguyễn Phan Chánh.
Bức tranh Chơi ô ăn quan của họa sĩ Nguyễn Phan Chánh.

Trong ký ức của nhà văn Nguyệt Tú (con gái đầu của họa sĩ), để dựng ngôi nhà này, Nguyễn Phan Chánh đã tiêu hết số tiền bán tranh ở Pháp, trị giá mấy nghìn đồng Đông Dương vào việc lập “Đào Mai Trang”. Trong vườn ông trồng rất nhiều hoa đào và mai. Tết đến, hoa đào đỏ, hoa mai trắng nở rộ khắp vườn. Chính ở khu vườn nhà này đã tạo cảm hứng và chất liệu cho ông để vẽ những bức tranh: “Cô gái bên cành đào”, “Cô gái dưới giàn hoa thiên lý” được trưng bày trong cuộc triển lãm cá nhân năm 1938. 

Tôi có dịp gặp nhà văn Nguyệt Tú cách đây hơn 20 năm khi cùng dự một trại viết văn ở nhà sáng tác Đại Lãi. Hồi đó bà đã 70 tuổi nhưng vẫn còn nhanh nhẹn, hoạt bát và giàu nội lực khi viết những cuốn sách hồi ký. Đặc biệt là những trang hồi ức của bà về họa sĩ Nguyễn  Phan Chánh. Bà kể, món tiền để làm “Đào Mai Trang” là tiền bán 4 bức tranh, trong đó nổi tiếng là bức “Chơi ô ăn quan”. Trên bức tranh này, ông có ghi bốn câu thơ chữ Hán vì ông vốn xuất thân từ nho học. Và các tranh của ông thường có những câu thơ chữ Hán đề ở góc bức tranh vì thế khó có ai có thể sao chép được. Chính những câu thơ xuất thần này để nói về tâm trạng của ông mà tranh chưa tải hết được. Đó cũng là nét độc đáo của thi-họa thật thi vị của Nguyễn Phan Chánh.   

Hồn quê không chỉ thấm đẫm trong tranh lụa mà “chất quê” còn ngấm vào trong phong cách sống đời thường giản dị của Nguyễn Phan Chánh. Nhà văn Nguyệt Tú kể lại: Khi trúng tuyển vào Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, ông đã ngoài 30 tuổi, “cứng tuổi” hơn bạn bè cùng lớp và cũng đã vợ con đuề huề. Từ Hà Tĩnh lặn lội ra Hà Nội học, ông mang theo trọn vẹn chất quê mùa cùng những thói quen đặc biệt của mình khiến cho bạn bè, hầu hết là “con nhà quan” vừa buồn cười vừa tức mắt. Đặc biệt, đi đâu Nguyễn  Phan Chánh cũng kè kè cái ô nhỏ.

Đến thầy hiệu trưởng Tadieu còn khó chịu về anh chàng sinh viên ngồi trong lớp mà vẫn giữ khư khư cái ô bên cạnh. Không biết bao nhiêu lần thầy rời bục giảng xuống “tịch thu” cái ô của ông đem treo ở chân giá bày mẫu vật. Trò Chánh lập tức lon ton chạy lên lấy lại ô mang về để cạnh mình như cũ. Và thầy trò cứ tái diễn hành động ấy cho đến khi thầy hiệu trưởng tức điên giơ hai tay đầu hàng: “Thôi, tôi thua anh rồi!”.

Nhưng trong cuộc đời, Nguyễn Phan Chánh biết ơn vị thầy giáo đó đã phát  hiện và bồi dưỡng ông thành danh họa vẽ tranh lụa nổi tiếng. Vốn là một nhà Hán học rất giỏi chữ Nho và thư pháp, đôi tay chỉ quen cầm bút lông, Nguyễn Phan Chánh gặp nhiều khó khăn khi tiếp thu tinh hoa mỹ thuật của châu Âu. Ông vẽ sơn dầu rất xấu, không ra mảng khối. Nhưng thầy hiệu trưởng người Pháp vẫn kiên trì nhìn ra tài năng hội họa ẩn giấu đâu đó bên trong dáng vẻ quê mùa cùng đôi bàn tay không thể cầm bút vẽ sơn dầu.

Trong một dịp sang đất Vân Nam (Trung Quốc), Tadieu bắt gặp những bức tranh thời Đường, Tống phác họa phong cảnh. Ông bất chợt lóe lên ý nghĩ biết đâu Phan Chánh hợp chất liệu lụa! Ông liền mua một bức tranh gốc cùng một xấp lụa Vân Nam mang về đưa cho học trò và bảo: “Chánh, con có thể vẽ lụa xem”. Kết quả thật đáng kinh ngạc. Gặp được lụa, Phan Chánh y như “cá gặp nước”, ông say sưa vẽ bằng mực nho và nước. Với lụa ông được thỏa sức bay bổng sáng tạo. Và một trong sáng tạo “đắt” nhất của ông là phương pháp “rửa” lụa, giúp mặt tranh trở nên thanh  sạch, mịn màng.    

Trong trí nhớ của nhà văn Nguyệt Tú, cha mình là người gàn theo kiểu đồ Nghệ, cương trực và khảng khái không ai bắt ép được và cũng không bao giờ chịu luồn cúi ai. Bà còn nhớ một buổi trưa đang ngồi chơi ngoài sân thì thấy ông về. Hôm đó ông đi dạy về trễ hơn thường lệ, nhìn sắc mặt ông có vẻ bực bội tiếng ông nói to: “bể niêu rồi (vỡ nồi rồi-tiếng Hà Tĩnh) mẹ con đưa nhau về Hà Tĩnh thôi”. Thì ra bức tranh lụa “Hai chị em” của ông bày ở triển lãm đã có người mua. Ông Tổng giám thị người Pháp rất thích bức tranh đó. Ông đòi Nguyễn  Phan Chánh vẽ lại bán cho ông ta. Nguyễn Phan Chánh trả lời là: Tôi họa sĩ chứ không phải là thợ chụp ảnh. Ngài có thể chọn bất cứ bức tranh nào trong số tranh tôi bán. Tôi không vẽ lại tranh ấy…   

Tháng 8-2018, nhân Hội Mỹ thuật Hà Tĩnh đăng cai triển lãm Mỹ thuật Bắc miền Trung đã tổ chức cho các đoàn tham quan thăm ngôi nhà lưu niệm Nguyễn Phan Chánh. Dịp đó tôi có gặp họa sĩ Trần Khánh Chương, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam cùng quê Hà Tĩnh. Ông Chương cũng có vẽ lụa và rất tâm đắc với mảng vẽ lụa của Nguyễn Phan Chánh. Ông bảo, giai đoạn 1925-1945 là thời kỳ cụ Chánh sáng tác bằng tranh lụa, thể hiện cuộc sống bình dị của người nông dân ở nông thôn Việt Nam, đặc biệt là những phụ nữ nông dân và trẻ em, những con người chân chất, lam lũ nhưng luôn yêu cuộc sống. Các tranh lụa với lối thể hiện nhẹ nhàng, những mảng lớn và màu sắc hết sức đơn giản, trầm ấm như đen, nâu… và rất truyền cảm.   

Những sáng tác cuối đời của họa sĩ là những bức tranh lụa lấy từ đề tài văn học dân gian như: “Tiên Dung tắm”, “Tiên Dung và Chử Đồng Tử”, “Kiều tắm”. Và bức tranh ông vẽ ở tuổi gần 90 là “Thạch Sanh cứu công chúa”.

Tôi lại nhớ đến câu chuyện khá tế nhị của nhà văn Nguyệt Tú: Sinh thời, Nguyễn Phan Chánh vẫn hé lộ mọi bức tranh của ông, những người thiếu nữ lưu lại trong tranh đều vương vấn một mối tình của người họa sĩ, thi sĩ đa tài và đa tình. Nhưng trên tất cả những mối tình lãng mạn và thơ mộng ấy, ông có mối tình lớn với người vợ đã sinh cho ông 6 người con và dâng hiến cuộc đời mình cho gia đình.

Vợ ông là cô hàng xén Tống Thị Trừng, thua ông 13 tuổi, nhan sắc xinh đẹp với những đường nét chuẩn mực như đôi mắt lá răm, lông mày lá liễu, gương mặt trái xoan, nước da trắng, vóc dáng mảnh mai. Sau này trong các tranh vẽ về phụ nữ ở các góc độ khác nhau, các hình mẫu khác nhau thì bao giờ cũng có vài nét về đường nét của người vợ thân thương. Có thể nói, màu quê, hồn quê và hồn lụa đậm dáng hình quê hương bắt  đầu từ khu vườn nhà “Đào Mai Trang” thuở ấy.  

Nguyễn Ngọc Phú         
 

.