Người truyền cảm hứng

.

William A. Warrd  từng nói: “Người thầy trung bình chỉ biết nói. Người thầy giỏi biết giải thích. Người thầy xuất chúng biết minh họa. Người thầy vĩ đại biết cách truyền cảm hứng”. Trong quá trình tác nghiệp, chúng tôi gặp không ít thầy giáo, cô giáo, họ có thể là người trực tiếp và không trực tiếp đứng lớp nhưng đã truyền cảm hứng sống tốt đẹp, khơi dậy lòng trắc ẩn, tính nhân văn trong mỗi học sinh, giúp các em sống tốt, sống đẹp hơn.

Những buổi nói chuyện, những tình cảm thầy cô dành cho học trò đã khơi dậy lòng trắc ẩn, tính nhân văn trong mỗi học sinh, giúp các em sống tốt, sống đẹp hơn. Trong ảnh:  Một buổi nói chuyện với học sinh của thầy Ngô Ngọc Hoàng Vương. Ảnh: N.H
Những buổi nói chuyện, những tình cảm thầy cô dành cho học trò đã khơi dậy lòng trắc ẩn, tính nhân văn trong mỗi học sinh, giúp các em sống tốt, sống đẹp hơn. Trong ảnh: Một buổi nói chuyện với học sinh của thầy Ngô Ngọc Hoàng Vương. Ảnh: N.H

Chạm đến trái tim học trò

Một buổi chào cờ đầu tháng 11 tại Trường THPT Ngũ Hành Sơn (quận Ngũ Hành Sơn) hôm ấy khá đặc biệt. Đó là buổi nói chuyện của hiệu trưởng với toàn thể học sinh về nghề giáo, về tình thầy trò, trách nhiệm của học sinh và trách nhiệm của thầy cô trong môi trường sư phạm. Những câu chuyện đời thường, dung dị nhưng đã giúp thầy - trò gần gũi và cảm thông cho nhau hơn.

Thầy Trần Đạt, Hiệu trưởng Trường THPT Ngũ Hành Sơn chia sẻ, hơn 35 năm trong nghề, làm người đưa đò cho biết bao thế hệ, thầy càng hiểu, càng thấm việc giáo dục học sinh bằng tình thương. Vì thế, bên cạnh việc truyền tải kiến thức, nhà trường chú trọng đến giáo dục kỹ năng cho các em. Nhưng để làm được điều đó, chính Ban giám hiệu phải là người truyền cảm hứng đến đội ngũ thầy cô giáo và bằng nhiều cách khác nhau, mỗi thầy cô sẽ lan tỏa yếu tố tích cực đó đến mỗi học sinh.

Ở Trường THPT Ngũ Hành Sơn, ngoài những chủ đề ngoại khóa chung, sẽ có những chủ đề riêng tùy thuộc vào thực tế học sinh của trường. Khi sự yêu thương được lan tỏa sẽ trở thành năng lượng tích cực, thay đổi cách nhìn, cách nghĩ của học trò. Như trường hợp một học sinh lớp 12/2, năm học 2016-2017, đến lớp em cứ ngủ gà ngủ gật. Khi giáo viên chủ nhiệm tìm hiểu nguyên nhân thì biết em hay đi làm thêm vào buổi tối và chỉ thích hoạt động mang tính xã hội.

Từ đó, giáo viên chủ nhiệm (GVCN) cùng một số học sinh trong lớp lên kế hoạch trồng cây trong bồn hoa và giao cho học sinh này thiết kế bồn hoa, tham gia đi mua hoa. Được khích lệ, em phát huy sở trường, dần dần lấy lại tinh thần và chủ động xin GVCN thiết kế chương trình sinh hoạt lớp, kéo theo đó là thái độ học tập tốt hơn.

Năm đó, em này đậu tốt nghiệp và theo học một trường cao đẳng nghề phù hợp sở thích, ra trường có công việc khá tốt tại một nhà hàng trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn. Dịp Tết, em lại cùng các bạn ghé thăm trường, tưới bồn hoa - nơi các em từng vun trồng.

“Còn rất nhiều trường hợp khác đã thay đổi, trưởng thành từ mái trường này. Tôi nghĩ rằng, khi thầy cô gieo mầm yêu thương sẽ nhận lại những yêu thương. Mỗi ngày lên lớp với gương mặt lạnh lùng, không coi học sinh như con, như cháu, như những người bạn nhỏ thì thật khó để các em yêu thích môn học mình dạy, huống chi là dạy dỗ các em làm người. Phải làm sao chạm đến trái tim học trò là vậy”, thầy Trần Đạt trải lòng.

Là một nhà quản lý giáo dục, tuy nhiên, từ năm 2013 đến nay, thầy Ngô Ngọc Hoàng Vương, Trưởng phòng Chính trị tư tưởng (Sở GD&ĐT Đà Nẵng) có không dưới 100 buổi chuyện trò với học sinh THCS, THPT ở các trường học trên địa bàn thành phố, và một số trường ngoài Đà Nẵng. Những câu chuyện xoay quanh tình cảm gia đình, tình thầy trò, tình bạn như:

“Gọi yêu thương trở về”, “Xây dựng tình bạn đẹp, nói không với bạo lực học đường”, “Con cảm ơn, con xin lỗi cha mẹ”, “Sống có trách nhiệm”, “Giáo dục đạo đức lối sống cho học sinh”, “Bữa cơm gia đình”… đã lấy nước mắt của những người tham dự.

Thầy Ngô Ngọc Hoàng Vương chia sẻ, để chuẩn bị cho một chuyên đề, phải đọc rất nhiều tư liệu, học hỏi từ nhiều người, nhiều nguồn và căn cứ tình hình thực tế, tùy thuộc từng lứa tuổi học sinh để lựa chọn nội dung, phương pháp truyền đạt cũng như phương tiện hỗ trợ phù hợp.

Theo thầy Vương, niềm vui sau những buổi truyền lửa cho các em là nhiều bài viết, bình luận, tin nhắn, có cả những bài thơ viết vội cảm ơn và mong muốn thầy trở lại. Có những tin nhắn của đồng nghiệp chia sẻ rằng nhiều phụ huynh cảm thấy bất ngờ, vui, hạnh phúc ngập tràn khi con thay đổi, yêu thương ba mẹ, sống có trách nhiệm với gia đình hơn.

“Tôi nhớ có đồng nghiệp nói với tôi rằng, một học sinh “chưa ngoan”, phải chuyển nhiều trường học nhưng vẫn chưa tiến bộ, sau buổi nói cuyện của tôi, bạn ấy đã viết cho bố 4 trang thư tay để xin lỗi, cảm ơn và hứa sẽ cố gắng vươn lên. Từ đó, bạn ấy chăm chỉ học tập, bây giờ đang là một du học sinh”, thầy Vương kể.

Xin hãy “đồng hành” cùng các em

Theo nhiều ý kiến, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng học sinh gây ra bạo lực học đường, sống vô cảm… đó là vì sự hạn chế trong việc nắm bắt tâm lý, diễn biến tình cảm và tư tưởng học sinh của những người làm công tác giáo dục, cũng như vai trò quản lý, giáo dục của các bậc phụ huynh.
Thầy Ngô Ngọc Hoàng Vương phân tích, tâm lý, tình cảm và tư tưởng học sinh mỗi thời kỳ đều có sự chuyển biến khác nhau, cả hai mặt tích cực lẫn tiêu cực, đặc biệt là giai đoạn “nổi loạn” trong quá trình phát triển, hình thành nhân cách của các em.

Thế hệ học sinh hôm nay có sở thích, xu hướng tâm lý khác với thế hệ học sinh cách đây vài chục năm, do kinh tế-xã hội, giao lưu văn hóa và công nghệ thông tin phát triển nhanh. Sai lầm của một số không ít người lớn (cha mẹ, thầy cô, các nhà quản lý) là vẫn nghĩ về các em như thời chúng ta còn thơ trẻ. Cả tin và nghi ngại đều là hai hướng không phù hợp với các em hôm nay. Đã không hiểu đúng, không “đồng hành” cùng các em thì làm sao giáo dục.

Đồng quan điểm, thầy Bùi Minh Quảng, Hiệu trưởng Trường THPT Sơn Trà (quận Sơn Trà) cho rằng, ngành giáo dục đang tập trung mọi nguồn lực để thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo. Một trong những yêu cầu quan trọng của công cuộc đổi mới, đó là góp phần quan trọng hình thành nhân cách con người của thanh niên Việt Nam, con người có lòng yêu nước, có tinh thần tự hào với truyền thống văn hóa và truyền thống cách mạng của dân tộc.

Vì thế, công tác giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh cần được nâng cao hơn nữa. “Mỗi trường đều có hoạt động ngoại khóa, lồng ghép kỹ năng sống cho học sinh nhưng như thế chưa đủ. Cần tăng cường hoạt động ngoại khóa, có nhiều chuyên đề gắn liền với độ tuổi các cấp, mời chuyên gia tâm lý, nhà diễn thuyết về nói chuyện để truyền tải sâu sắc hơn”, thầy Bùi Minh Quảng đề xuất.

Trong khi đó, với thầy Trần Đạt, cho dù xã hội phát triển đến đâu, cuộc sống có thay đổi như thế nào, người thầy luôn là hình ảnh đẹp nhất, đáng kính trọng nhất trong lòng mọi người, mọi thế hệ. Vì thế, những người làm công tác giáo dục phải luôn xác định rõ mục đích đầu tiên và có lẽ cuối cùng là vì đàn em thân yêu; nhận thức đúng đắn sứ mệnh “trồng người” của mình; phải là người luôn thương yêu, lo lắng, biết cách dạy dỗ, hướng dẫn cho học trò phát triển, tiến bộ; là người thực hiện sứ mệnh thay đổi từng học trò của mình thành những công dân hữu ích, những tài năng trẻ cho quê hương, đất nước.

NGỌC HÀ

;
;
.
.
.
.
.