Họa sĩ Vũ Dương: Vẽ ai đó, chính là vẽ mình

.

Nhắc đến họa sĩ Vũ Dương, người ta thường liên tưởng ngay đến những bức tranh sơn dầu có kích cỡ lớn, với nét bút phóng khoáng, sắc màu trong veo lấp lánh, đầy gợi cảm hiện diện trên tường của những gallery sang trọng.

Họa sĩ Vũ DươngẢnh: Đ.H.L
Họa sĩ Vũ DươngẢnh: Đ.H.L

Thành công từ đam mê

Đã bước qua tuổi 72, song họa sĩ Vũ Dương vẫn nhanh nhẹn, hoạt bát, người mới gặp khó đoán tuổi thực của ông. Tranh của ông chứa đựng đề tài phong phú, đa dạng, đem đến người thưởng ngoạn sự liên kết gần gũi, thân thiết, bởi đó là những gì ông chắt lọc được từ nhựa sống chung quanh.
Đến với hội họa sau năm 1975 và bắt đầu có tranh tham gia triển lãm chung vào năm 1977, có thể chia cuộc đời sáng tác của ông thành 3 giai đoạn, đánh dấu 3 cột mốc thành công trong sự nghiệp cầm cọ.

Ở giai đoạn đầu là những năm tháng khó khăn khi đất nước vừa thoát khỏi chiến tranh. Ông cũng như nhiều họa sĩ cùng lứa, bên cạnh việc sáng tác thì công việc chính vẫn là vẽ tranh cổ động và tham gia các hoạt động mỹ thuật liên quan đến lĩnh vực văn hóa-thông tin để mưu sinh.

Những sáng tác của ông cũng gắn liền với những ký ức nghèo khó của đời sống người dân lúc bấy giờ. Điển hình như các tác phẩm: Chọn áo mùa đông, Biển động, Ký ức mùa đông...

Đến năm 1985, ông bắt đầu tham gia sinh hoạt Hội Mỹ thuật  tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng. Với tư cách hội viên, ông được chọn là một trong hai người đi dự triển lãm tranh ở Hà Nội, giao lưu với giới họa sĩ và công chúng thủ đô. Hà Nội đã cho ông nhiều cảm hứng để sáng tác 20 bức tranh về thành phố ngàn năm văn hiến này và sáng tác thêm nhiều đề tài khác. Kết quả thành công của chuyến đi ấy là cuộc triển lãm riêng đầu tiên vào năm 1987 mang chủ đề về đời sống con người.

Tuy nhiên, đây vẫn là khoảng thời gian ông sáng tác không nhiều, bởi từ năm 1977 đến 1987, ông vẫn dành thời gian cho công việc ở một ngân hàng, chuyên tập trung về tuyên truyền cổ động để trang trải cuộc sống. Dù vậy, ông vẫn nuôi dưỡng niềm đam mê của mình khi có điều kiện thuận lợi.

Sau khi nghỉ việc ngân hàng, ông bắt đầu dành nhiều thời gian hơn cho hội họa. Những chuyến đi thực tế qua các hoạt động trại sáng tác do Hội Mỹ thuật tổ chức, đề tài của ông cũng mở rộng hơn. “Kỷ niệm đáng nhớ nhất là chuyến đi ngược dòng sông Thu Bồn giúp tôi sáng tác nhiều tác phẩm đẹp để tham gia tranh giao lưu giữa Hội Mỹ thuật Hà Nội và Hội Mỹ thuật tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng”, họa sĩ Vũ Dương chia sẻ.

Ông còn nhớ như in cuộc triển lãm đầu tiên tại trụ sở Liên hiệp các Hội Văn học-Nghệ thuật ở K54 Ông Ích Khiêm. Lúc đó, mọi thứ còn rất đơn giản nhưng cũng được nhiều nhà báo chú ý viết bài và tạo dư luận tốt.

Đến năm 1989, ông lại mở thêm một cuộc triển lãm nữa có quy mô hơn tại Trung tâm Văn hóa-Thông tin ở đường Hùng Vương. Lúc này, ông đã bắt đầu định hình phong cách sáng tác riêng. Ông cho biết: “Tranh tôi theo khuynh hướng hiện thực, trừu tượng biểu hiện.

Tập trung ý tưởng của nhân vật và mình cách điệu cao hơn. Trong đó có trừu tượng biểu hiện (một nửa trừu tượng, một nửa lộ hình)”.

Chủ đề trong tranh ông chủ yếu tập trung về thân phận con người. Dù cuộc sống khó khăn nhưng ông vẫn tin vào những điều tốt đẹp. Chính điều này mà tranh ông dù vẽ về đời sống kham khổ của người dân nhưng vẫn toát lên những ước mơ, hoài bão về một tương lai tươi sáng qua việc thể hiện những gam màu sáng.

“Trong tác phẩm Ký ức tuổi thơ, tôi vẽ một người đàn bà, sau lưng nền là con trâu và một đứa trẻ nhìn về phương trời xa. Ý nói cả bầu trời là ước mơ của trẻ, không chỉ sống bên con trâu và cái cày. Hay trong tác phẩm Bên bếp lửa, một gia đình đoàn tụ, quây quần bên bếp lửa.

Dù hình ảnh con người khắc khổ nhưng lại thấy sự đầm ấm. Hoặc trong tác phẩm Chọn áo mùa đông với bối cảnh là chợ trời nhưng nhân vật chính vẫn toát lên vẻ mặt hạnh phúc khi đang thử áo”, ông Dương giải thích.

Giai đoạn thứ ba trong cuộc đời sáng tác của họa sĩ Vũ Dương đánh dấu bằng cuộc triển lãm riêng thành công tại thành phố Hồ Chí Minh vào năm 1991, sau khi ông tham gia triển lãm nhóm 3 người Vũ Dương-Hoàng Đặng-Duy Ninh tại Đà Nẵng. “Một mình mang chuông đi đánh xứ người, tôi cũng gặp rất nhiều khó khăn trong việc tổ chức vì chưa có kinh nghiệm nhưng may mắn là được nhiều bạn bè họa sĩ ở đây giúp đỡ và báo chí quan tâm đã tạo dư luận tốt đẹp”, ông Dương kể.

Nhiều bài viết trên Báo Lao Động, Thanh Niên, Phụ Nữ... đánh giá cao về các tác phẩm của ông. Trong đó, Báo Tuổi trẻ ra số đầu năm chọn 5 sự kiện văn hóa tiêu biểu thì có sự kiện triển lãm tranh của ông. Đặc biệt, tranh của ông còn được Công ty Sơn mài Lâm Sơn mua số lượng lớn với giá khá cao. Đây cũng là thời điểm có rất nhiều cuộc triển lãm tranh mỹ thuật diễn ra hằng tuần nên cuộc triển lãm của ông tạo được dấu ấn riêng là một thành công lớn đối với ông.

“Muốn định hình phong cách cần cố gắng lâu dài”

Nói về mỹ thuật ở Đà Nẵng, ông Dương cho rằng: “Nơi đây tập trung nhiều họa sĩ ba miền cùng sinh hoạt nên rất đa dạng, phong phú nhưng họ vẫn giữ phong cách riêng. Khi có phong cách rõ ràng thì dễ dàng đứng được riêng mình”.

Vào những năm 90 của thế kỷ XX đến năm 2000, khi cơ chế thị trường mở cửa, phong cách sáng tác cũng có sự thay đổi: một số chạy theo thị trường, một số bỏ nghề đi làm công việc khác, một số ra nước ngoài. Sinh hoạt mỹ thuật của các hội viên ngày càng tốt hơn nhưng con người có biểu hiện chạy theo thị hiếu.

Dẫu vậy, vẫn có một số người theo đuổi đam mê của mình và tạo tên tuổi như: Vũ Dũng, Hoàng Đặng, Duy Ninh... Nhiều họa sĩ được mời tham gia triển lãm tranh ở nước ngoài. Riêng họa sĩ Vũ Dương được mời tham dự triển lãm tranh tổ chức tại 3 địa phương của Pháp vào năm 2002. Tranh ông đã gây ấn tượng mạnh với công chúng Pháp và được đánh giá cao. “Ở Pháp tổ chức rất chu đáo. Trước khi diễn ra triển lãm, các báo địa phương đều đưa tin.

Trong quá trình triển lãm, nhiều hoạt động giao lưu văn hóa đan xen như: ca nhạc, ẩm thực và diễn thuyết. Đa số người xem thích những tác phẩm của mình vì họ từng qua Việt Nam sống hồi còn trẻ và họ mua tác phẩm để làm kỷ niệm”, ông Dương nhớ lại.

Tranh sơn dầu Một thoáng ký ức - họa sĩ Vũ Dương.
Tranh sơn dầu Một thoáng ký ức - họa sĩ Vũ Dương.

Điều ông Dương học hỏi được lớn nhất từ những chuyến dự triển lãm tranh ở nước ngoài là học cách làm việc. “Họ làm với sự cố gắng hết mình, vì đam mê và làm tới nơi tới chốn chứ không phải theo kiểu ngẫu hứng. Một tác phẩm khi đưa ra công chúng là có sự đầu tư rất nghiêm túc”, ông Dương giải thích thêm.

Theo ông Dương, hiện nay thành phố Đà Nẵng có nhiều tài năng trẻ. Các họa sĩ trẻ có điều kiện để làm việc hơn trước như tìm nguyên liệu không khó, màu sắc phong phú, giá thành rẻ hơn; và đặc biệt là có nơi để trưng bày tranh như bảo tàng, gallery...; tuy nhiên, không phải làm việc lúc nào cũng thành công. Để vẽ một bức tranh “đứng được” không phải đơn giản. Có thể một bức tranh vẽ cả tháng trời nhưng quyết định bỏ là bỏ. Do đó, muốn định hình được phong cách riêng cần có sự cố gắng lâu dài.

Chia sẻ kinh nghiệm của mình, họa sĩ Vũ Dương cho rằng, muốn vẽ đẹp phải vẽ từ nội tâm ra. Ví dụ, vẽ cái ly thì không nhất thiết vẽ cái ly mà cái ly chỉ là cái để thể hiện tâm hồn mình. Trong hoàn cảnh khó khăn nào cũng tìm thấy cái tốt đẹp và hướng tới tương lai tươi sáng.

“Khi mình khổ, mình cũng có ước mơ thì tại sao mình lại không vẽ nó ra để nói lên nỗi lòng của mình. Mình thiếu cái gì trong người thì đưa ra tranh với mong muốn tốt đẹp chứ không phải than vãn; từ đó nhận ra cái đẹp của cuộc sống, của con người. Chính vì vậy, sau này tôi hay vẽ tranh về vẻ đẹp của phụ nữ. Đa số các bức tranh tôi đặt tình cảm của con người lên trên hết. Vẽ ai đó nhưng chính là mình vẽ mình”, ông Dương chia sẻ.

Họa sĩ Vũ Dương quê quán tại Huế, trưởng thành và hoạt động nghệ thuật tại thành phố Đà Nẵng. Từ sau 1975 đến nay, ông đã góp mặt trong hơn 20 triển lãm cá nhân, triển lãm nhóm... trong và ngoài nước. Ông có tranh sưu tập tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Huy chương Vì sự nghiệp Mỹ thuật Việt Nam, Huy chương Vì sự nghiệp Văn hóa-Nghệ thuật Việt Nam cùng nhiều giải thưởng mỹ thuật Trung ương và địa phương... Những tác phẩm điển hình của họa sĩ Vũ Dương về tình yêu thiên nhiên, biển đảo được nhiều người nhớ đến như: Cá, Người và biển, Cá về, Ngư thuyền và biển, Chợ về, Mùa đông, Chọn áo mùa đông, Thuyền và phố...

Ghi chép của Đoàn Hạo Lương

;
;
.
.
Liên kết hữu ích
.
.
.