David Douglas Duncan, người qua đời năm 2018 ở tuổi 102 đã nghĩ rằng, khi còn sống mình là nhiếp ảnh gia may mắn nhất. Vào tháng 2-1956, ông đi từ nhà ở Hoa Kỳ đến Cannes với hy vọng chụp ảnh nghệ sĩ nổi tiếng nhất thế giới, Pablo Picasso.
David Douglas Duncan và Pablo Picasso (phải) tại La Californie, 1960. |
Duncan từng là một phóng viên ảnh về chiến tranh nổi tiếng trong chiến tranh Triều Tiên. Nhiếp ảnh gia đồng nghiệp của ông, Robert Capa, đã khuyến khích và thuyết phục Duncan nên tìm và chụp ảnh Picasso khi ông ta đang làm việc. Duncan đã đến nhà riêng của nhà danh họa thế giới vào một thời điểm tốt. Vợ của Picasso, Jacqueline mở cửa khi Duncan đang tần ngần chờ đợi ở ngưỡng cửa và sau 10 phút giải thích về nhiệm vụ của mình, được sự đồng ý của Picasso, Duncan bấm ảnh. Bức ảnh đầu tiên là bức chân dung của Picasso khi ông đang dầm mình trong bồn tắm.
Trong nhiều năm sau đó, Duncan được phép đến bất kỳ khi nào ông muốn. Qua rất nhiều ngôi nhà khác nhau của Picasso. Vào những lần đó, Picasso không bao giờ yêu cầu ông chụp cho mình bất kỳ một bức ảnh nào cụ thể, cũng không bao giờ tạo dáng “làm mẫu”, và không bao giờ cho rằng công việc chụp ảnh của Duncan tại nhà riêng của ông là vượt quá giới hạn. Quy tắc duy nhất của Picasso đối với Duncan: “Bạn chụp ảnh, tôi vẽ.”
Xưởng vẽ của Picasso. (Ảnh chụp năm 1957) |
Hàng ngàn bức ảnh ra đời là kết quả từ sự hợp tác đó; trong số đó có những bức ảnh Picasso đang nhảy đầm, đeo mặt nạ, đội mũ cao bồi chơi đùa với con trai. Có một vài bức ảnh chụp trong nhà của Picasso ở Cannes năm 1957, ghi lại một cách chân phương các tác phẩm hoàn chỉnh hoặc đang dang dở mang đầy biến động, bứt phá của nghệ sĩ. Có ảnh, Picasso ngồi trong xưởng vẽ giữa ngổn ngang các vật liệu như sơn màu, cọ vẽ hay những mảnh vụn của tác phẩm gốm sứ. Cách đó không xa, Jacqueline, vợ của Picasso đang ngồi đọc báo.
Cảnh tượng ở xưởng vẽ hay phòng khách nhà ở của Picasso được ống kính Duncan ghi lại hết sức tự nhiên, hoàn toàn không có sự chuẩn bị hay sắp đặt. Lắm khi máy ảnh còn ghi lại được dáng điệu của Picasso đang trăn trở, mày mò nặn tượng, làm gốm với đôi mắt mở lớn, tập trung. Những động tác quá hiếm khi chúng gắn liền với thiên tài sáng tạo.
Claude Picasso, con trai “so găng” với cha, danh họa Picasso. |
Phòng triển lãm mang tên “Picasso qua ống kính của David Douglas Duncan” khai trương tại Vieux Chalet - Gstaad, Thụy Sĩ vào ngày 2-2-2020 cho giới thưởng ngoạn nghệ thuật một cái nhìn sâu sắc, ấn tượng về công việc và cuộc sống của Picasso. Đồ gốm và tranh của Picasso được trưng bày chung, xen lẫn với những bức ảnh của nhiếp ảnh gia huyền thoại David Douglas Duncan trong một thời gian gặp gỡ chưa từng có giữa nhà nhiếp ảnh và Picasso tại xưởng vẽ của danh họa.
Các tác phẩm của Picasso được tạo ra đồng thời với các bức ảnh chưa bao giờ được trưng bày trước đây đã mang lại đầy đủ sinh hoạt thân mật gia đình và sức làm việc nhẫn nại của nghệ sĩ tại nơi làm việc và ở nhà. Phòng triển lãm này được tổ chức với sự hợp tác chặt chẽ với Claude Picasso, con trai nghệ sĩ Picasso, và James Koch, Giám đốc điều hành tại phòng trưng bày Hauser & Wirth.
Pablo Picasso và chân dung vợ, Jacqueline. |
David Douglas Duncan là một nhiếp ảnh gia chiến tranh, phóng viên ảnh nổi tiếng và là một người đầy phong thái du mục. Ông là một trong những nhiếp ảnh gia có ảnh hưởng nhất của thế kỷ trước, từng chụp ảnh thế chiến II, chiến tranh Việt Nam và là tác giả các bài tiểu luận về nhiếp ảnh cho tạp chí Life… Công việc đó đã đưa đẩy ông đi lang thang khắp thế giới. Từ điểm khởi đầu ông chụp Picasso, ở Cannes năm 1956, nhiếp ảnh gia đã phát triển một tình bạn lâu dài với Picasso trong suốt 17 năm. Trong thời gian đó, ông đã chụp được một kho lưu trữ hình ảnh đáng kinh ngạc về cuộc đời của Picasso tại La Caluchiaie. Duncan đã chụp khoảng 25.000 bức ảnh về Picasso, ghi lại không chỉ bản thân Picasso, mà cả gia đình và bạn bè của ông. Số ảnh này được Duncan xuất bản trên 20 đầu sách.
Các tác phẩm gốm sứ là những tác phẩm quyến rũ nhất được trưng bày trong cuộc triển lãm lần này. Tuy chúng là các vật dụng hằng ngày như bình bát, chén đĩa nhưng được biến thành các sinh vật sống động thông qua các đường vẽ tài hoa của nghệ sĩ. Tất cả được đặt để bên cạnh những bức ảnh của Duncan. Năng lượng sáng tạo của Picasso càng trở nên rõ ràng hơn và trong không gian này, tình bạn giữa hai nghệ sĩ như được tô đậm thêm.
HOÀNG ĐẶNG (Theo The Guardian)