Nối câu chuyện từ 15 năm trước

.

Ngày 16-11-2004, chuyên mục “30 năm, ngày ấy...” ra kỳ đầu tiên trên báo Đà Nẵng cuối tuần và khép lại với số báo ra ngày 24-4-2005. Gần 50 nhân vật trải dài qua 21 kỳ báo đã tái hiện cuộc hành trình tiến đến thời điểm 29-3-1975 và sau đó là 30-4-1975, tạc dấu ấn khó phai vào lịch sử dân tộc. Gặp lại sau 15 năm, họ kể tiếp câu chuyện còn dang dở...

Hai Chủ tịch xã Nguyễn Bá Sanh (giữa) và Nguyễn Thị Vân trong lần trò chuyện với ông Dương Tấn Đạt, nguyên Phó Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Hòa Vang.  Ảnh: V.T.L
Hai Chủ tịch xã Nguyễn Bá Sanh (giữa) và Nguyễn Thị Vân trong lần trò chuyện với ông Dương Tấn Đạt, nguyên Phó Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Hòa Vang. Ảnh: V.T.L

Một nhà hai chủ tịch xã

Ông Ba Sanh (Nguyễn Bá Sanh) đang loay hoay cắt tỉa cây mai vàng trước sân nhà thì chúng tôi đến. Ông là nhân vật chính, Đội trưởng Đội công tác xã Hòa Hưng (nay là Hòa Phong, huyện Hòa Vang) trong câu chuyện “Khi chiếm được lòng dân” của chuyên mục 15 năm trước.

Chuyện là, một tối cuối tháng 7-1974, khi ông phối hợp với Trung đội trưởng Trung đội 3 Hòa Vang Trần Chiến Chinh tổ chức tiến công lên khu dồn thôn 17 (nay là thôn Cẩm Toại Trung) và thôn D1 (nay là Dương Lâm 1) thì gặp lính chế độ Sài Gòn xuống lùa dân đi phát quang. Hai ông ngồi dưới hầm bí mật, nhờ có sự đùm bọc, chở che, giúp đỡ của nhân dân, trong đó có cả những người bị bắt buộc cầm súng trong hàng ngũ địch mà thoát chết trong gang tấc.

Ngày 27-3-1975, ông Sanh tiếp quản Hòa Hưng, sau đó trở thành Chủ tịch UBND đầu tiên của xã Hòa Phong. Cơ quan xã lúc đầu là căn nhà mái tôn, tường tôn, nóng như cái lò bánh mì. Nhà ông ở thôn Bồ Bản, nơi có con đường rộng 3m dài hơn cây số dẫn xuống Đồng Sau, mùa mưa lầy lội, cha mẹ phải cõng con tới trường. Ông phát động bà con đổ bê-tông rộng 80cm ngay giữa đường để con em đi học...
Ông nói, đời sống người dân chừ gấp trăm lần khi xưa. Đường nông thôn giờ tất tần tật đã được đổ bê-tông, có khác chi phố thị. Vùng đất Hòa Phong giờ trở thành “thủ phủ” của huyện Hòa Vang.

Con gái ông, Nguyễn Thị Vân, hiện là Chủ tịch UBND xã Hòa Phong. Ông khi đương chức chủ tịch xã còn làm cả mẫu ruộng, chứ con gái ông chừ được làm việc trong điều kiện mà khi xưa trong mơ ông cũng không thấy. Con gái ông nói, xưa làm chủ tịch xã như người khai hoang vỡ hóa, chủ tịch chừ phải nhanh nhạy, ứng xử kịp thời theo phương châm “Lấy dân làm gốc” trong thời đại công nghệ mới.

Đổi thay rõ nét vùng đất Năm Ngọn Núi

15 năm trước, khi tôi gặp ông Trần Văn Sáu để viết “Chuyện hai người tù” thì ông là Phó Chủ tịch HĐND phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn. Giờ ông là Chủ tịch Hội Tù yêu nước quận. Năm 1970, ông gặp một bạn tù tên Mai Văn Tròn Em ở nhà tù thiếu nhi Đà Lạt. Được trả tự do, ông Sáu về lại quê nhà tiếp tục tham gia cách mạng với chức danh Xã đội trưởng.

Còn ông Tròn Em về bị bắt đi lính địa phương quân, đóng ở đồn Dốc Ông Kinh, song ông luôn tìm cách dò la tin tức, báo trước cho cơ sở của mình những lần địch đi ráp vô núi Ngũ Hành Sơn, nhờ đó tránh được thiệt hại về người và của cho cách mạng.

Một thời cả vùng đất Ngũ Hành Sơn bờ biển đầy cỏ lông chông, vô phía trong thì đầy gai lưỡi long trên cát trắng. Người dân nói đùa rằng gà phải mang dép cao su, bởi nắng nóng nung chín cả người. Cả một vùng quê nghèo nàn, hoang vu. Trường học như cái trại chăn nuôi lợp tôn, chỉ khác là có để mấy dãy bàn.

Xưa nhà ông Sáu ở gần dốc Ông Kinh, dốc không dài nhưng dựng đứng, có cái lô-cốt do người Pháp xây từ lúc làm đường qua dốc. Những năm 60 thế kỷ 20, cả xóm chỉ mỗi nhà ông Phó Diên có máy hát, đêm đêm mọi người rủ nhau tới nghe hát cải lương. Con dốc giờ đã được san bằng để làm đường Nguyễn Duy Trinh, hai bên đường nhà cửa san sát, dáng dấp nông thôn xưa chỉ còn trong hoài niệm những người cao tuổi.

Nhìn lại quê nhà mấy chục năm qua, ông nói cái đổi thay rõ nét nhất của Ngũ Hành Sơn là phát triển đô thị không thua kém gì vùng phụ cận thành phố. Đường ngang lối dọc, phố xá đông vui. Nhà ông giờ bên đường Lê Văn Hiến, con đường xương sống của đất Năm Ngọn Núi. Cả 4 cha con ông đều là đảng viên, người con đầu sinh năm 1979, ông đặt tên Trần Trung Kiên để ghi nhớ chiến tranh biên giới với Trung Quốc năm đó...

Đà Nẵng ngày mới

11 giờ 30 trưa 29-3-1975, cờ Giải phóng phất phới bay trên nóc Tòa thị chính Đà Nẵng. Trước đó 2 giờ, có 2 người trai trẻ kéo lá cờ này lên cột cờ trụ sở xã Hòa Khánh, nay là phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu. Đó là Dương Thành Thị, du kích mật của xã và Phạm Đình Khôi, Đội trưởng Đội Công tác xã. Ngay sau đó, ông Thị cùng với ông Phan Văn Tải tiến về tiếp quản quận Nhì (nay là quận Thanh Khê). Ông Tải khi đó là Quận ủy viên, Quận đội phó quận Nhì, Đội trưởng Đội Công tác phụ trách phong trào phía trước.

Họ là các nhân vật trong chuyện “Những người treo cờ Giải phóng” 15 năm trước. Ông Tải nay đã ngoài 80, ngẫm lại thấy Liên Chiểu đổi thay nhanh như có phép lạ. Nơi đây nguyên là 3 xã thuần nông cánh bắc Hòa Vang, hóc ruộng khô cằn, một sào thu không tới 50kg lúa. Phần lớn là cát trắng, người ta nói về Hòa Khánh chỉ có rang bắp là khỏi... mua cát! Con đường đi qua nhà ông xưa chỉ rộng 3m, hai bên cỏ mọc um tùm, chừ biến thành đường Âu Cơ (ĐT 602), xe cộ qua lại nườm nượp, muốn qua đường cũng khó.

Ông Thị 13 năm làm Chủ tịch xã Hòa Khánh, hơn 20 năm Phó Chủ tịch rồi Chủ tịch quận Liên Chiểu, như “thổ công” của nơi này. Hòa Khánh xưa chỉ lèo tèo 4 nhà máy Cơ khí, Dưỡng khí, Thủy tinh, Hóa chất với công nghệ lạc hậu. Chợ Hòa Khánh cùng với một số tiểu thương buôn bán dọc quốc lộ 1A - trục đường độc đạo từ ngã ba Huế đến đèo Hải Vân. 3 xã thuần nông nhưng không có thủy lợi, chỉ dựa vào nước trời...

Các ông Phan Văn Tải (trái) và Dương Thành Thị ôn lại chuyện treo cờ Giải phóng ở xã Hòa Khánh ngày 29-3-1975. Ảnh: V.T.L
Các ông Phan Văn Tải (trái) và Dương Thành Thị ôn lại chuyện treo cờ Giải phóng ở xã Hòa Khánh ngày 29-3-1975. Ảnh: V.T.L

Chừ nhìn lại, đổi thay cả một trời một vực. Vì một Liên Chiểu nói riêng, Đà Nẵng nói chung, hàng chục nghìn hộ dân trên địa bàn quận đã hy sinh những cái riêng, hưởng ứng quy hoạch giải tỏa, di dời, dành đất để xây dựng các công trình đô thị mới. Hàng trăm nhà máy, xí nghiệp tập trung trong các khu công nghiệp lớn. Đường sá mở ra ngang dọc ở các khu dân cư như ô bàn cờ. Các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tạo nên làn sóng phát triển dân số cơ học với hàm lượng tri thức cao, góp phần nâng cao sự đổi thay của quận...

15 năm trôi qua, các nhân vật ngày ấy tuy bao người mất, bao người còn nhưng đã hòa mình vì một Đà Nẵng ngày mới với những thành quả ngoài mong đợi mà khi xưa, lúc cầm súng chiến đấu, họ từng khát khao, kỳ vọng.

Đại tá Quân đội Nhân dân Việt Nam Nguyễn Ngọc Phỉ tiến về Đà Nẵng sáng 29-3-1975 (lúc đó ông là Thiếu tá), chỉ đạo lực lượng biệt động tự vệ bên trong, chủ yếu là quận Nhứt để tiến công giải phóng Đà Nẵng. Sau loạt bài “30 năm, ngày ấy...” trên báo Đà Nẵng cuối tuần (trong đó ông là một nhân vật), ông lập một bộ sưu tập hình ông tiến về Đà Nẵng năm 1975 và lấy tên là “30 năm, ngày ấy...”.

Là người Quảng Bình, ông chọn Đà Nẵng làm quê hương thứ hai. Giờ là “45 năm, ngày ấy…”, ông đã không còn để nhìn thấy quê hương thứ hai của mình rạng rỡ ra sao trong ngày mới...

VĂN THÀNH LÊ

 

;
;
.
.
.
.
.