Với chủ đề “Chuyển đổi số”, các thí sinh tham gia cuộc thi “Vietnam Online Hackathon 2020” sẽ chung tay xây dựng các ứng dụng hoặc trang web phục vụ nhu cầu chuyển đổi số cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong giai đoạn ứng phó, phục hồi sau Covid-19.
Các thí sinh tham gia cuộc thi “Vietnam Online Hackathon 2019”. Ảnh: N.Đ |
Trải nghiệm mới mẻ
Cuộc thi lập trình trực tuyến “Vietnam Online Hackathon 2020” lần đầu tiên được tổ chức trên quy mô toàn quốc, chính thức diễn ra từ ngày 15 đến 21-5. Những lập trình viên cả nước tham gia trong tuần lễ này sẽ xây dựng các ứng dụng hỗ trợ kịp thời cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa nhằm khắc phục ảnh hưởng của Covid-19 và ổn định việc kinh doanh, sản xuất.
Chị Nguyễn Thị Phương Nhi, đại diện Google Developer Group MienTrung (viết tắt GDG MienTrung), đơn vị tổ chức cuộc thi cho biết, “Hackathon 2020 lần này là một hành trình trải nghiệm với rất nhiều điều mới mẻ chứ không còn đơn thuần là một cuộc thi. Hình thức đã được thay đổi từ “offline” sang “online”, quy mô mở rộng từ miền Trung ra toàn quốc, thu hút gần 300 lập trình viên và sinh viên công nghệ thông tin tham gia. Từ năm 2017 đến 2019, GDG MienTrung phối hợp cùng Vườn ươm doanh nghiệp Đà Nẵng (DNES) liên tục tổ chức thành công các cuộc thi Hackathon dưới tên gọi DevFest với quy mô hơn 1.000 người tham dự mỗi năm.
“Năm nay, cuộc thi đứng trước thách thức phải chuyển đổi hoặc tạm dừng để phù hợp với tình hình khó khăn chung của toàn thế giới. Ở thời điểm mang tính quyết định, mình đã “liều” nhận tổ chức Hakathon với hình thức trực tuyến và xem đó như cơ hội để tất cả cùng cố gắng. Ban tổ chức sau đó đã phải “động não” phân tích và xây dựng một hành trình trải nghiệm cho các thí sinh trong cuộc đua 7 ngày sao cho vừa giữ trọn vẹn được những giá trị của “thương hiệu Hakathon”, vừa phù hợp với tình hình thực tế. Hy vọng hình thức “Hackathon online” năm nay sẽ tạo môi trường kết nối dành cho cộng đồng công nghệ tại khu vực miền Trung và toàn quốc”, chị Phương Nhi chia sẻ thêm.
Anh Khương Trường Giang đến từ Công ty VNG, một diễn giả tham gia “Vietnam Online Hackathon 2020”, cho biết trong giai đoạn ứng phó và phục hồi sau Covid-19, doanh nghiệp Việt Nam phải đương đầu với nhiều vấn đề sống còn.
Trong đó nổi lên 4 thách thức nổi bật như: tồn tại và duy trì sản xuất kinh doanh; trao quyền cho người lao động nhiều hơn khi làm việc từ xa; nhanh chóng chuyển đổi sản phẩm dịch vụ tạo nguồn doanh thu mới; tối ưu hóa về vận hành để tiết kiệm chi phí. Bên cạnh đó, trước xu hướng chuyển đổi kỹ thuật số và bước ngoặt thay đổi thói quen sống, làm việc, sử dụng dịch vụ của cộng đồng cũng đang đặt ra thử thách đổi mới sáng tạo. “Chưa bao giờ vai trò của chuyển đổi số lại rõ ràng và quan trọng như hiện nay nhằm giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn sau Covid-19. Cuộc thi “Vietnam Online Hackathon 2020” nhằm thúc đẩy cộng đồng lập trình viên chung tay vào việc xây dựng giải pháp, hỗ trợ doanh nghiệp thông qua các ý tưởng và sáng tạo của mình”, anh Giang nhấn mạnh.
Bạn Võ Trường Sơn, lập trình viên tại Công ty Wakumo Vietnam, một thí sinh tham gia cuộc thi chia sẻ, ngoài chủ đề nóng, hình thức mới mẻ là lý do Sơn tiếp tục tham gia cuộc thi Hackathon năm nay. “Sau đại dịch, chúng ta không thể kỳ vọng mọi thứ quay lại như cũ, lối sống, cách làm việc ít nhiều bị ảnh hưởng và chắc chắn sẽ phát triển trong một diện mạo mới. Quá nhiều vấn đề thuộc về xã hội và các doanh nghiệp cần có những giải pháp mạnh mẽ nhằm giảm thiểu những thiệt hại do Covid-19 gây ra”, Sơn nói.
Đội ngũ “hướng dẫn” tâm huyết
Anh Võ Thành Đạt, đang tu nghiệp tại Mỹ, lần đầu tham gia cuộc thi Hackathon vào năm 2017. Trong cuộc thi này, chàng trai trẻ nhận ra nhiều bài học dành cho một lập trình viên về sự kiên trì cũng như khả năng xoay xở, điều chỉnh các quyết định để mục tiêu phù hợp hoàn cảnh. “Hackathon là một sân chơi cho những ý tưởng cọ xát. Nói cách khác, đó là vườn ươm. Một khi bạn đã gieo trồng được một ý tưởng trong vườn ươm đó, bạn sẽ không ngừng muốn nó vươn cao và xa hơn, được nhiều người biết đến và quan trọng là sẽ biến ý tưởng đó thành công việc kinh doanh”, anh Đạt chia sẻ. Trong năm 2017, anh Đạt cùng những đồng đội đã giành giải nhất với sản phẩm thẻ điện tử e-FlashCard, hỗ trợ học ngôn ngữ. Cho đến nay, sau 3 năm, e-FlashCard là một trong những sản phẩm phổ biến trên thị trường.
Sang năm 2018 và 2019, anh Đạt tiếp tục tham gia Hackathon nhưng với tư cách người đồng hành, hỗ trợ các thí sinh để nâng cao hiệu quả thực tế của sản phẩm. “Tôi đã biết cách kìm hãm những mơ mộng của lập trình viên sao cho sản phẩm có tính ứng dụng cao nhất. Bằng cách đặt sản phẩm vào những tình huống thực dụng nhất và hướng dẫn các lập trình viên có tư duy của một người làm kinh doanh”, anh Đạt nói.
Tuy đang ở Hoa Kỳ tu nghiệp, nhưng anh Đạt vẫn có cơ hội tham gia Hackathon 2020 vì cuộc thi diễn ra trực tuyến. Cùng với anh Đạt, một đội ngũ gần 50 “mentor” (người hướng dẫn) giàu kinh nghiệm, trưởng thành, tâm huyết đã sẵn sàng để hỗ trợ các thí sinh khi tham gia “Vietnam Online Hackathon” với phương châm “Các bạn chỉ việc code, cả thế giới để chúng tôi lo”. Đối với hành trình năm nay, sẽ có 2 nhóm “mentor”, trong đó 1 nhóm hỗ trợ chung cho bất kỳ đội thi nào và một nhóm có thành viên phụ trách trực tiếp từng đội thi. Không còn là việc làm quen, kết nối, tư vấn chung chung, mà “mentor” sẽ cùng đồng hành với thí sinh trên suốt chặng đường lập trình nghiêm túc để tìm kiếm những giải pháp mới mẻ, hữu dụng nhất. Các kỹ năng làm việc nhóm, tư duy giải quyết vấn đề, thuyết trình, các cách thức quản lý công việc, giao tiếp là tất cả những trải nghiệm quan trọng chương trình đặc biệt chú trọng xây dựng cho các lập trình viên, hơn là một giải thưởng.
NGÔ ĐỒNG