Chung sống an toàn với dịch

Làm việc ở nhà thời Covid-19

.

Thay vì quần áo chỉnh tề đến văn phòng như trước đây, nhiều người chọn cách làm việc tại nhà toàn thời gian hoặc luân phiên để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và cộng đồng trong thời điểm bùng phát Covid-19.

Họa sĩ của Umbalena được hỗ trợ máy móc và các ứng dụng để vẽ tranh tại nhà. Ảnh: Q.T
Họa sĩ của Umbalena được hỗ trợ máy móc và các ứng dụng để vẽ tranh tại nhà. Ảnh: Q.T

1. ST United (trụ sở tại 14 An Thượng 18, quận Ngũ Hành Sơn) là công ty công nghệ chuyên phát triển các ứng dụng phần mềm, trong đó nổi bật nhất là dự án HEPPI. Ứng dụng này cho phép người sử dụng dùng điện thoại di động quét mã QR tại công ty để được cộng thêm xu (mỗi xu tương ứng 1.000 đồng) nếu thực hiện tốt các nội quy như: đi làm đúng giờ, tham gia hoạt động chung, giúp đỡ đồng nghiệp, hoàn thành công việc vượt chỉ tiêu, tham gia tổ chức hội thảo nội bộ… Số xu tích cóp được sẽ đổi thành cà phê, đồ ăn vặt… tại quầy nước của công ty. Kể từ lúc HEPPI được triển khai vào cuối tháng 6, mọi người trong công ty đều rất tích cực… tích xu, đổi quà.

Mỗi hoạt động tích cực được thưởng một số đồng xu tương ứng, các xu lại tiếp tục được quy đổi thành những phúc lợi như: nhận đồ uống miễn phí, cơm trưa miễn phí, nhận ưu đãi từ các đối tác của doanh nghiệp như thẻ tập thể dục, phiếu mua cà phê… “Nhưng từ khi thực hiện giãn cách xã hội từ cuối tháng 7 đến nay, chúng tôi không tích được xu nào vì mọi công việc đều được diễn ra tại nhà”, anh Phạm Vũ Huy Hoàng (đồng sáng lập ST United) nói.

Theo anh Hoàng, ST United có lợi thế là công ty công nghệ nên có nhiều công cụ hỗ trợ làm việc tại nhà. Nhân viên của công ty cũng quen với phương pháp làm việc từ xa do đa phần khách hàng ở nước ngoài. Dù vậy, qua hơn 4 tuần thực hiện giãn cách xã hội, anh nhận thấy hiệu quả công việc không tốt bằng việc gặp mặt trực tiếp. Một số nhân viên làm việc ở nhà thời gian dài nên xuống tinh thần, thiếu sự linh hoạt, sáng tạo trong công việc.

Đặc biệt, vấn đề bảo mật cũng khiến Ban giám đốc công ty đau đầu. Thông thường, có 2 cấp độ bảo mật là cấp công ty và cấp khách hàng. Cấp công ty khá đơn giản; theo đó, thiết bị phải bảo đảm, cài anti virus (chống virus), không cài ứng dụng linh tinh vào máy... Cấp bảo mật của khách hàng phức tạp hơn. Khách hàng yêu cầu trong quá trình triển khai dự án phải có camera, có giám sát, quét vân tay... Những đòi hỏi này rất khó đáp ứng khi toàn bộ nhân viên công ty làm việc tại nhà. “Giãn cách xã hội là tình trạng bắt buộc hiện nay của Đà Nẵng nên chúng tôi phải thông báo với khách hàng để họ hiểu. Nếu họ đồng ý thì chúng tôi giảm bớt bảo mật, còn nếu không đồng ý thì công ty phải tạm ngưng dự án”, anh Hoàng nói.

2. Từ khi đưa sản phẩm ra thị trường đến nay, mỗi ngày Umbalena (một startup về lĩnh vực công nghệ và giáo dục) luôn nhận được lời nhắn từ khách hàng là các “bé yêu” hỏi thăm việc cập nhật sách mới. Các bé khi đọc các bộ truyện dài tập về phiêu lưu, gia đình hay khoa học đều rất trông đợi tập mới ra mỗi ngày. Umbalena với đội ngũ hơn 50 nhân viên bao gồm cả đội kỹ thuật phát triển phần mềm và nhóm xây dựng nội dung phải liên tục làm việc thì mới đáp ứng được nhu cầu của các bé. Để có các cuốn sách thực sự được các bé yêu thích, các nhóm công việc từ đội ngũ phát triển phần mềm đến các tác giả viết thơ, truyện và cả các họa sĩ vẽ, thu âm đều phải phối hợp rất chặt chẽ. Công việc luôn cần bàn bạc điều chỉnh rất nhiều nên các thành viên phải họp hành cùng nhau.

Trước những diễn biến phức tạp của Covid-19, toàn bộ nhân viên thuộc dự án đều phải làm việc tại nhà, gây những bất tiện trong quá trình trao đổi tiến độ sản xuất. Bên cạnh đó, đội ngũ họa sĩ của Umbalena khi làm việc tại nhà không có điều kiện cơ sở vật chất, máy móc tốt nhất để phục vụ quá trình minh họa sản phẩm. Bên cạnh đó, quản lý các phòng cũng khó nắm bắt được tiến độ làm việc của các thành viên trong nhóm. “Làm việc tại nhà là bắt buộc trong thời điểm này. Chúng tôi cố gắng triển khai các cuộc họp online định kỳ để nắm bắt được tiến độ của dự án. Đội ngũ họa sĩ của Umbalena được hỗ trợ lắp đặt các thiết bị, máy móc phục vụ cho việc minh họa tại nhà để không làm chậm trễ thời gian vẽ nội dung sản phẩm. Các thành viên trong công ty đều cố gắng để hoàn thành những đầu việc được giao”, bà Lê Thị Cẩm Trinh, đồng sáng lập dự án Umbalena cho biết.

3. Anh Phạm Vũ Huy Hoàng cho hay, vấn đề lớn nhất của làm việc tại nhà là giao tiếp và đồng bộ thông tin (cấp trên biết được hiệu suất làm việc của cấp dưới, các thành viên cùng dự án trao đổi thông suốt với nhau - PV). Để duy trì hiệu quả công việc, ST United sử dụng các công cụ để giám sát và báo cáo công việc để mọi người cùng nắm. Trong ngày, anh thường xuyên gọi qua video (video call) để trao đổi thông tin. Cụ thể, cứ 8 giờ 45 phút, anh gọi video 1 lần toàn công ty. Ngoài ra, từng dự án sẽ có khung cuộc gọi riêng. Tất cả các hoạt động tập thể đều chuyển sang hình thức trực tuyến, như chơi game online, tập thể dục online, ăn uống cũng gọi video cho nhau...

“Kế hoạch ban đầu của công ty là sẵn sàng phải cách ly đến hết tháng 8. Nếu sắp tới buộc phải cách ly dài hơn thì sẽ có thêm chính sách hỗ trợ nhân viên. Hiện tại, chúng tôi hỗ trợ nhân viên về máy móc, công cụ, lương thực. Còn về tình hình kinh doanh thì cũng bị ảnh hưởng, như mất khách hàng, mất dự án, sản phẩm làm ra không thể đưa vào triển khai do không có người dùng... nên buộc phải thay đổi định hướng kinh doanh, cố gắng vượt qua giai đoạn này. Nhìn chung trên thị trường thì công ty công nghệ vẫn thuộc vào nhóm ít bị ảnh hưởng nhất”, anh Hoàng chia sẻ.

Với chị Hà Nguyên (đồng sáng lập Công ty TNHH Lady Buddha Kombucha, trụ sở tại phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn), làm việc tại nhà giai đoạn này là an toàn cho toàn thể nhân viên và góp phần kiểm soát dịch bệnh. Công ty Lady Buddha Kombucha thiên về sản xuất nên khối văn phòng thường sử dụng các ứng dụng đơn giản như Trello, Google Drive.... để tiện theo dõi và làm việc nhóm. “Tuy nhiên, khi giải quyết công việc từ xa thì mất thời gian hơn và đòi hỏi kỷ luật bản thân phải khắt khe hơn để bảo đảm đúng tiến độ công việc. Thực sự, tôi rất mong sớm kiểm soát được dịch bệnh để mọi người quay lại với cuộc sống và công việc bình thường”, chị Nguyên nói.

Đâu đó trên đường phố vắng vẻ người và xe bởi công dân thành phố đã thực hiện nghiêm lời kêu gọi “ở nhà là yêu nước”. Thế nhưng, đằng sau cánh cửa đóng kín của các ngôi nhà vẫn có hàng trăm, thậm chí hàng nghìn con người đang cố tìm cách duy trì hoạt động của doanh nghiệp bằng cách làm việc trực tuyến. Chỉ mong, giải pháp tạm thời này sẽ vẫn tạo ra lợi nhuận cho doanh nghiệp và mang lại thu nhập cho người lao động.

QUỲNH TRANG

;
;
.
.
.
.
.