Sáng tạo để thích nghi với hoàn cảnh

.

1. Đại dịch Covid-19 tái bùng phát, Đà Nẵng vừa mới háo hức đón chào du khách đã vội vã giã biệt. Ráo riết khống chế dịch, UBND thành phố ra công văn yêu cầu dừng việc kinh doanh tại các cửa hàng ăn uống, giải khát, kể cả bán hàng qua mạng, bán hàng mang về. Những quán xá chưa kịp ổn định sau đợt dịch trước thì nay một lần nữa tắt đèn. Mặc dù cửa đóng then cài nhưng chủ các cơ sở kinh doanh đều chấp hành vui vẻ và nghiêm túc.

Trong tâm thế chủ động ứng phó với dịch, nhiều cửa hàng đã linh động sử dụng nguyên vật liệu tồn kho chế biến thành các món sốt hoặc pate để kéo dài thời hạn sử dụng, tránh vứt bỏ vì hư hỏng, từ đó giảm thiểu thiệt hại. Không ít người tận dụng quãng thời gian để dọn dẹp, vệ sinh cửa hàng hay tranh thủ nghỉ ngơi sau những ngày làm việc miệt mài. Nhiều trường hợp khác tổ chức hàng ngàn suất ăn tặng nhân viên y tế đang phải cách ly và các chiến sĩ tại chốt kiểm dịch với mong muốn góp một phần nhỏ giúp đẩy lùi dịch bệnh (trước thời điểm UBND thành phố có Công văn số 5212/UBND-VHXH ngày 6-8-2020 quy định các tổ chức, cá nhân không hỗ trợ trực tiếp lương thực, thực phẩm đến các cơ sở y tế và các khu vực phong tỏa, các cơ sở cách ly tập trung). Dù bằng cách này hay cách khác, họ luôn giữ vững tâm lý tích cực và đồng lòng cùng chính quyền thành phố.

2. Thế nhưng, cuộc chiến chống Covid-19 còn dài. Thiết nghĩ, các đơn vị kinh doanh ẩm thực ở Đà Nẵng cần nhanh chóng suy nghĩ về bài toán tái cấu trúc sau Covid-19. Trong thời điểm giãn cách xã hội trên toàn thành phố, việc dạy nấu ăn qua mạng hay chia sẻ bí quyết dọn dẹp bếp/nhà cửa… cũng là một giải pháp khả thi để tiếp cận khách hàng. Việc lên chiến lược quảng bá, thay đổi mô hình kinh doanh, điều chỉnh thực đơn hay phối hợp với dịch vụ giao đồ ăn là điều cần cân nhắc, nhằm đáp ứng tâm lý e ngại đám đông cũng như giúp tiết kiệm chi phí nhập hàng, nhân lực… khi lượng khách chưa nhiều sau mùa dịch.

Để sớm vượt qua khủng hoảng và trở lại đường đua kinh doanh, ngành Food and Beverage Service (dịch vụ nhà hàng và quầy uống) không chỉ chủ động mà còn phải liên tục sáng tạo. Năm 2016, trận động đất khiến thị trấn Amatrice (Ý) bị tàn phá nặng nề. Thời điểm này, Amatrice chuẩn bị tổ chức Lễ hội Thực phẩm địa phương lần thứ 50. Bên cạnh việc cứu hộ, công tác “giải cứu” nguyên vật liệu giúp người dân nơi đây trong bối cảnh thiên tai là vô cùng cần thiết, nhất là phô mai sữa cừu. Amatrice vốn nổi tiếng với món mì ống và nước sốt mì nổi tiếng. Vì thế, nghệ sĩ tạo hình người Ý Paolo Campana nảy sinh sáng kiến đưa món nước sốt mì amatriciana vào thực đơn của các nhà hàng.

Trước đó, việc nước sốt được ăn kèm cùng spaghetti vấp phải nhiều phản đối về công thức kết hợp món ăn. Người nghệ sĩ này, bằng tình yêu với ẩm thực và vùng đất Amatrice, đã sáng tạo nên món ăn mới từ góc nhìn và đôi mắt nghệ thuật hiện đại. Sau khi ông Paolo Campana chia sẻ và kêu gọi trên mạng xã hội Facebook, làn sóng hưởng ứng mạnh mẽ lan truyền, hơn 700 nhà hàng tại Ý ủng hộ. Nhờ sự sáng tạo này, nước sốt mì amatriciana không chỉ giúp hỗ trợ người dân Amatrice vượt qua khủng hoảng do thiên tai mà còn vang danh thế giới.

3. Điều này cho thấy sự sáng tạo để thích ứng hoàn cảnh là vô cùng quan trọng. Tại Việt Nam, nhiều sáng kiến đã ra đời để “giải cứu” hàng trăm tấn nông sản mắc kẹt do Covid-19. Những loại trái cây quen thuộc như dưa hấu, thanh long, sầu riêng, khoai môn… liên tục được các doanh nghiệp tung ra thị trường với “chiếc áo mới” như: bánh mì, mì tươi… Các sản phẩm này đã nhận được sự ủng hộ tích cực từ khách hàng, qua đó hỗ trợ rất nhiều cho bà con nông dân có nông sản ảnh hưởng dịch bệnh. Không những vậy, bánh mì thanh long còn xuất hiện trên Business Insider - tờ báo tài chính và kinh doanh hàng đầu nước Mỹ.

Hay pizza của Ý khi kết hợp với các món ăn truyền thống của Việt Nam được nhiều thực khách ưa chuộng nhờ sự hài hòa trong mùi vị. Pizza phở giữ hương vị nguyên bản của món phở truyền thống Việt Nam với nguyên liệu đặc trưng: thịt bò thái lát, bò viên, ngò gai, rau quế và củ hành, nước. Pizza chả cá Lã Vọng có phần nhân gồm: chả cá, thì là, phô mai và các loại gia vị quen thuộc của Việt Nam.

Vậy văn hóa ẩm thực Đà Nẵng với nhiều món ngon mang hương vị đặc trưng hẳn sẽ trở thành chất liệu sáng tạo phong phú - một trong những giải pháp hữu ích giúp ngành dịch vụ nhà hàng và quầy uống vực dậy mạnh mẽ sau Covid-19.

TRÂM ANH
 

;
;
.
.
.
.
.