Bệnh viện Phổi Đà Nẵng: Quyết liệt cứu chữa bệnh nhân Covid-19

.

Bệnh viện Phổi Đà Nẵng hiện là nơi theo dõi và điều trị các bệnh nhân Covid-19, trong số đó có nhiều bệnh nhân lớn tuổi, mắc bệnh nền mãn tính. Với nỗ lực cứu chữa, khẩn trương từng phút của đội ngũ y, bác sĩ, nhiều ca bệnh nặng đang có dấu hiệu tốt, dần hồi phục sức khỏe và âm tính với SARS-CoV-2.

Các bác sĩ tại Bệnh viện Phổi triển khai họp giao ban chuyên môn, theo dõi sát sao tình trạng các bệnh nhân Covid-19 đang được điều trị. Ảnh: XUÂN DŨNG
Các bác sĩ tại Bệnh viện Phổi triển khai họp giao ban chuyên môn, theo dõi sát sao tình trạng các bệnh nhân Covid-19 đang được điều trị. Ảnh: XUÂN DŨNG

Bệnh viện Phổi Đà Nẵng là một trong những nơi điều trị các ca Covid-19 của thành phố, đây cũng là nơi điều trị bệnh nhân nặng từ khoa Hồi sức tích cực - Chống độc của Bệnh viện Đà Nẵng chuyển về. Sự bất ngờ, diễn biến nhanh của Covid-19 khiến đội ngũ cán bộ y tế bệnh viện phải “căng mình” làm việc ngày đêm.

Theo bác sĩ Lê Thành Phúc, Giám đốc Bệnh viện Phổi Đà Nẵng, hiện bệnh viện đang điều trị cho 70 bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2, ngoài việc điều trị cho các bệnh nhân thể nhẹ và trung bình, hiện đang có 14 bệnh nhân nặng được điều trị tại phân khu Hồi sức tích cực (ICU), trong đó 2 bệnh nhân được chỉ định tim phổi nhân tạo (ECMO), 4 bệnh nhân lọc máu liên tục, 7 bệnh nhân đang phải thở máy, 1 bệnh nhân đã rút được máy thở.

Hiện phân khu ICU đang có 2 bệnh nhân có kết quả xét nghiệm âm tính lần 2 với SARS-CoV-2. “Nhờ sự nỗ lực của đội ngũ cán bộ y tế bệnh viện cùng sự hỗ trợ của các chuyên gia, y, bác sĩ ở Bệnh viện Đà Nẵng, Bạch Mai, Chợ Rẫy, tính đến ngày 12-8, bệnh viện đã có 5 bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2 được điều trị khỏi và cho xuất viện”, bác sĩ Lê Thành Phúc nói.

Trong những ngày làm việc tại phân khu ICU của Bệnh viện Phổi Đà Nẵng, bác sĩ Trần Hữu Chinh, khoa Nội tim mạch (Bệnh viện Chợ Rẫy) cho biết, mỗi sáng, nhóm cán bộ y tế Bệnh viện Chợ Rẫy sẽ có mặt tại bệnh viện lúc 7 giờ 30, sau giao ban nhanh về chuyên môn với bác sĩ trực, ê-kíp bắt tay ngay vào chăm sóc, điều trị cho các bệnh nhân. Bữa trưa thường được mọi người “tranh thủ” lúc 13 giờ, mỗi người mỗi góc, ăn thật nhanh rồi lại cùng các đồng nghiệp theo dõi, chăm sóc bệnh nhân. Nhóm thường tạm dừng công việc sau 20 giờ mỗi ngày. Để hỗ trợ chuyên môn cho đồng nghiệp và bảo đảm an toàn cho bệnh nhân, mỗi đêm đều có bác sĩ, điều dưỡng và kỹ thuật viên xét nghiệm của Bệnh viện Chợ Rẫy ở lại trực.

Đối với những ca bệnh nặng, nhiều bệnh nền, tỷ lệ tử vong cao, ê-kíp trực phải theo dõi sát sao từng diễn biến của bệnh nhân. Ngoài sự hỗ trợ từ máy móc, các bác sĩ, điều dưỡng phải làm nhiều công việc và tiếp xúc rất gần với các bệnh nhân, từ tiến hành vỗ lưng, xoay trở, chống loét, hút đàm liên tục đến kết hợp vật lý trị liệu để tập thở cho bệnh nhân. Đặc biệt, để làm được một ca ECMO, cần phải có 5 bác sĩ, 3 điều dưỡng cùng phối hợp trong nhiều giờ liên tục.

Những bệnh nhân nặng này vẫn cần quá trình điều trị lâu dài nhưng đến nay, một số bệnh nhân đang dần hồi phục, đã rút được máy thở. “Covid-19 là bệnh truyền nhiễm, y, bác sĩ phải làm việc liên tục nhiều giờ trong môi trường không điều hòa. Thời tiết miền Trung mùa này khắc nghiệt, nhốt mình trong bộ đồ bảo hộ bịt bùng thực sự là trải nghiệm không hề dễ chịu. Sau ca trực, tất cả ê-kíp đều mệt nhoài, quần áo sũng mồ hôi. Vất vả nhưng chúng tôi tự hào vì được đóng góp sức mình vào công cuộc chống Covid-19”, bác sĩ Chinh nói.

Hầu hết những bệnh nhân nặng đang điều trị tại phân khu ICU đều lớn tuổi, có nhiều bệnh nền mãn tính như suy thận, suy tim, đái tháo đường, tăng huyết áp... Trong đó, 6 bệnh nhân rất nguy kịch phải lọc máu liên tục hoặc chạy ECMO. Điều dưỡng Hà Văn Phước (Bệnh viện Phổi Đà Nẵng), cho biết, bệnh viện chia lực lượng y, bác sĩ trực tiếp vào chăm sóc, điều trị cho các bệnh nhân Covid-19 thành 6 ca/ngày, mỗi ca 4 tiếng, bảo đảm túc trực 24/24 giờ bên bệnh nhân. Mỗi ca có 5 bác sĩ, điều dưỡng được trang bị đầy đủ đồ bảo hộ cùng vào làm việc. Khu điều trị là khu vực độc lập, tách biệt hoàn toàn, chỉ có thể liên hệ với bên ngoài thông qua 1 bộ đàm. Tuy nhiên, khi khoác lên mình bộ đồ bảo hộ kít mít, việc nghe và nói cũng trở nên rất khó khăn.

Để dễ phân biệt và phối hợp làm việc, khi vào khu điều trị, lực lượng y, bác sĩ đã ghi tên mình rõ ràng ở trước ngực và sau lưng bộ đồ bảo hộ. “Kết thúc ca trực nhưng chúng tôi luôn trong tâm thế sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ khi bệnh viện điều động. Hạnh phúc mỗi ngày của chúng tôi là được thấy bệnh nhân có chuyển biến tích cực, hoặc xét nghiệm cho kết quả âm tính với SARS-CoV-2. Các bệnh nhân được xuất viện những ngày qua là nguồn động lực giúp chúng tôi tiếp tục cố gắng, quyết tâm đẩy lùi Covid-19”, điều dưỡng Hà Văn Phước chia sẻ.

Trưởng đoàn y, bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy đang làm việc tại Đà Nẵng, bác sĩ Trần Thành Linh cho biết, việc lên đường trong đêm cấp cứu cho bệnh nhân Covid-19 nặng từ các bệnh viện khác chuyển về là hoạt động thường xuyên của 11 thành viên đội phản ứng nhanh Bệnh viện Chợ Rẫy tại Bệnh viện Phổi Đà Nẵng.

Ở đầu chiến tuyến nguy hiểm, các y, bác sĩ động viên nhau, cố gắng làm đúng quy trình để vừa chữa trị được cho bệnh nhân, vừa bảo vệ được bản thân khi thực hiện nhiệm vụ. “Đối với những nhân viên y tế, người làm nhiệm vụ cấp cứu thì trực tiếp lao vào “trận chiến” là mệnh lệnh của trái tim, là tinh thần trách nhiệm và lương tâm của người thầy thuốc.

Chúng tôi hạ quyết tâm sẽ cố gắng, nỗ lực cùng với đội ngũ bác sĩ của Đà Nẵng cứu chữa bệnh nhân. Dù ở trong tâm dịch, nhiều khó khăn nhưng với sự đoàn kết, đồng lòng của các cấp chính quyền, của cả cộng đồng, chắc chắn chúng ta sẽ sớm chiến thắng Covid-19”, bác sĩ Trần Thanh Linh nói.

XUÂN DŨNG

;
;
.
.
.
.
.