Khởi nghiệp từ đam mê tiền giấy cổ

.

Sở thích tìm tòi, sưu tập tiền cổ của anh Trần Văn Nam (28 tuổi, trú quận Thanh Khê) bắt đầu từ những năm học cấp 3. Đến nay, anh đã có trong tay bộ sưu tập với nhiều loại tiền quý hiếm cũng như mang về nguồn thu nhập hàng chục triệu đồng mỗi tháng từ việc kinh doanh loại tiền cổ này.  

Anh Trần Văn Nam bên bộ tiền giấy của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam năm 1964. Ảnh: XUÂN ĐÔNG
Anh Trần Văn Nam bên bộ tiền giấy của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam năm 1964. Ảnh: XUÂN ĐÔNG

Đến nhà Trần Văn Nam vào buổi chiều đầu tháng 10, cũng là lúc anh đang tỉ mẩn phân loại, sắp xếp lại bức tranh bằng tiền giấy cổ do chính mình làm ra. Nam nói bản thân đã tốt nghiệp thạc sĩ tại Nhật Bản và làm trợ giảng tại Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên nhưng quyết định bỏ tất cả để theo đuổi đam mê sưu tập tiền giấy cổ. Trong quá trình đi du học, tiếp xúc với nhiều nền văn hóa, Nam có điều kiện học hỏi và sưu tầm thêm một số loại tiền giấy cổ độc đáo, từ đó mở ra hướng đi mới thông qua việc kinh doanh, mua bán tiền giấy cổ.

Năm 2017, anh Nam bắt đầu kinh doanh tiền cổ tại chợ đêm ở cố đô Huế. Ban đầu, khách hàng của anh chủ yếu là khách du lịch mua tiền cổ làm kỷ niệm hoặc tặng cho người thân, bạn bè. Sau này khi có thêm các mối quan hệ, quen biết những người cùng đam mê sưu tập đồ cổ, anh có điều kiện trao đổi, mua bán, mang lại nguồn thu nhập ổn định. Anh Nam cho biết, bản thân chuyên sưu tầm tiền giấy các quốc gia trên thế giới và tiền giấy Việt Nam từ thời Pháp thuộc đến nay. Để có được tiền cổ, ngoài việc bỏ công sức nhiều năm sưu tầm, anh Nam còn tìm mua trên chợ tiền cổ trên mạng tại Singapore, Hong Kong (Trung Quốc). Với tiền cổ quý hiếm có số seri đẹp, anh mua lại từ dân buôn trong cả nước với giá trị đắt hơn nhiều lần.

Trong bộ sưu tập của anh Nam, có thể kể đến tờ 5 Piastres (giấy Năm Đồng Vàng) do Nhật phát hành vào năm 1944. Đây cũng chính là tờ tiền anh trân quý và gìn giữ cẩn thận lâu nay. “Theo tìm hiểu của tôi, tờ tiền này được Nhật phát hành vào năm 1944. Thời điểm này, Nhật cho in thêm 2 loại tiền 1 đồng và 5 đồng. Sau khi in, Nhật cho tàu chiến chở qua Đông Dương lưu hành nhưng không may bị máy bay của quân đồng minh đánh chìm. Loại giấy bạc 1 đồng do tàu khác chở không bị chìm nên còn nguyên vẹn, riêng tàu chở giấy bạc 5 đồng bị chìm, một phần tiền được vớt lên nhưng do bị nước biển xâm nhập nên bị mục ở phần mép. Loại 5 đồng này có số lượng ít nên rất quý và việc tôi sở hữu được đồng giấy bạc độc đáo này chính là một cái duyên đặc biệt”, anh Nam nói.

Không dừng lại ở đó, sau nhiều năm tìm hiểu, Nam còn viết cuốn sách “Tiền kỷ niệm của các quốc gia trên thế giới - Những điều chưa biết?” do NXB Văn hóa - Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh phát hành năm 2018. Chia sẻ về những dự định trong tương lai, Nam cho biết, đầu năm 2021 sẽ mở quán cà phê tiền giấy cổ đầu tiên ở Việt Nam tại Đà Nẵng. Đây có thể xem như một “bảo tàng tiền giấy” thu nhỏ, nơi anh chia sẻ những thành quả sưu tầm bấy lâu, lan tỏa niềm cảm hứng tới nhiều người và đây cũng là nơi anh em sưu tầm tiền cổ trong cả nước gặp mặt, giao lưu, chia sẻ những hiểu biết về giá trị của những loại tiền cổ.

XUÂN ĐÔNG

;
;
.
.
.
.
.