Sau những đợt bão lũ dồn dập, tin tức buồn tràn ngập các báo. Chạm vào dòng tin nào tim cũng xốn xang. Chạm vào hình ảnh nào mắt cũng rưng rưng. Nỗi đau lớn chồng nỗi đau nhỏ. Cả nước đang hướng về miền Trung ruột thịt với tình yêu thương, chia sẻ.
Tại thôn 1, xã Trà Leng (huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam), những người may mắn sống sót nhanh chóng lấy lại bình tĩnh, cùng tham gia tìm kiếm người bị nạn. Đôi bàn tay trở thành cuốc xẻng. Chăn mền trở thành chiếc cáng cứu thương. Vừa thoát lưỡi hái tử thần, họ vẫn sẵn sàng đối mặt hiểm nguy, băng rừng, lội suối, vượt 17-18km khiêng nạn nhân đến đường lớn để thuận lợi cho công tác cứu chữa. Những người Kinh, Ca Dong, Mơ Nông... ở đồi núi gần đó cũng xúm vào dùng tay xới tung mọi thứ để tìm đồng bào của mình. Hàng trăm cán bộ, chiến sĩ thuộc lực lượng vũ trang cẩn trọng dùng tay đào bới đất đá, quên ăn quên ngủ, dốc hết sức lực quyết tâm tìm kiếm những nạn nhân mất tích. Nghĩa tình chan chứa đã mang đến những phép màu kỳ diệu khi hàng chục người được cứu sống từ dưới lớp đất đá, làm vơi đi nước mắt bên dòng sông Leng.
Cũng với tinh thần tương thân tương ái ấy, 300 người dân và dân quân trèo núi, băng hơn chục cây số đường rừng, lách qua những điểm sạt lở nặng, cõng gạo, nhu yếu phẩm tiếp tế cho vùng bị cô lập ở hai xã Phước Thành và Phước Lộc (huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam). Rồi ở những vùng dân cư vẫn ngập chìm giữa mênh mông biển nước tại nhiều địa phương khác, chính quyền và các tổ chức thiện nguyện cũng kịp thời dùng thuyền, ca-nô cứu trợ thực phẩm. Những chuyến đi không chỉ gửi trao lương thực mà còn cả tình yêu thương, tiếp sức để người dân vững vàng tiếp tục chống chọi với nguy nan.
Trong gian nan, tùy theo sức mình, mỗi người đều nỗ lực góp một niềm hy vọng. Như anh Trần Đăng Vinh (Đà Nẵng) luôn tất tả ngược xuôi vì cộng đồng, từ vận chuyển lương thực, thuốc men trong tâm đại dịch Covid-19 (Đội xe 0 đồng), đến giải cứu người dân gặp nạn vì lũ lụt tại các tỉnh miền Trung (Biệt đội ca-nô 0 đồng). Như cô Trần Thị Mậu, giáo viên Trường mầm non xã Thanh Hà (huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An) dù bị gãy một tay nhưng vẫn lội nước, dọn dẹp trường đón học sinh. Như thầy Nguyễn Quốc Hiệp (huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh) đang bệnh nặng nhưng… trốn viện, băng lũ hỗ trợ hàng nghìn người dân. Như nhiều xóm làng thức đêm nấu bánh tét, bánh chưng với mong muốn bà con vùng lũ được đổi vị… Cứ thế, người yếu tựa nương người khỏe, người khó khăn chia sẻ với người khó khăn hơn. Tình người, tinh thần đoàn kết đã tiếp thêm sức mạnh để người dân vực dậy sau mất mát, thương đau.
Trong nguy khốn, bên cạnh nghĩa cử “một con ngựa đau, cả tàu bỏ cỏ” đầy trân quý, còn có cả những tâm hồn cao đẹp. Đó là anh A Tia và anh Hồ Mới, hai đồng bào thiểu số trú tại xã Ba Tầng - nơi xa nhất ở phía nam huyện miền núi Hướng Hóa (tỉnh Quảng Trị) - khi phát hiện 10 triệu đồng cùng đôi khuyên tai vàng trong áo quần cũ được hỗ trợ đã cất giữ cẩn thận và nhờ Biên phòng sớm tìm được chủ nhân để trả lại. Đó còn là tâm thư của thầy Hiệu trưởng Trường THPT Quảng Ninh (huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình) chào mừng các em học sinh trở lại trường sau những ngày lũ lụt với lời dặn dò rất “teen” nhưng ăm ắp bài học quý giá: “Ngày mai đi học, khoan hãy học bài cũ, các em có thể dành thời gian hỏi han bạn bè, thầy cô sau đợt lụt vừa rồi, và nhớ đừng chê cười nếu như crush (người mà bạn thích) của mình mặc đồ không được đẹp, đi dép không được “mốt” hay thấy một bao nilon lăn lóc trong góc bàn cuối lớp, em nhé!”.
Biết bao cảm xúc rưng rưng về những ngày mưa dập bão dồn ấy. Lũ sẽ qua, bão sẽ tan, chỉ còn tình người ấm áp và tâm hồn cao đẹp ở lại, cùng vẽ nên màu yêu thương…
DUY AN