Quà quê

.

Quà quê nhiều khi đơn giản chỉ là giỏ rau sạch do người nông dân tự trồng, là chục trứng gà ta, hay vài ổ bánh tổ, bánh lăn, bánh tráng gạo, vài ký nếp…, vậy mà thắm đượm nghĩa tình. 

Những quả trứng gà ta - quà quê thắm đượm nghĩa tình.Ảnh: dongtayy.com
Những quả trứng gà ta - quà quê thắm đượm nghĩa tình.Ảnh: dongtayy.com

Đối với tôi, dù đã gắn bó với chốn thị thành quá nửa cuộc đời rồi nhưng mỗi khi nói đến đến từ “quê” thì vẫn cảm nhận sự gần gũi, mộc mạc và chân chất. Nhắc đến từ “quê” là nghĩ ngay đến một cái gì đó rất riêng, không thể hòa tan trong cái xô bồ, hiện đại của đời sống đô thị. Những gì xuất phát từ “quê” đều có cái gì đó mộc mạc, chẳng hạn như quà quê.

Nhớ lại mấy câu chuyện mà tôi từng chứng kiến và cảm nhận để thấy cái “quê” rất đỗi dễ thương. Chuyện là, cách đây khá lâu, bạn của con tôi từ Gia Lai xuống để vào học đại học năm thứ 3. Trước ngày nhập học mấy ngày, cháu đến nhà và ở lại chơi với con trai tôi. Cơm nước xong, cháu lễ mễ bưng ra một thùng giấy được bao gói kỹ rồi bẽn lẽn thưa với vợ chồng tôi: “Cháu mới ở quê xuống, có chút quà gửi biếu cô chú”. Quà được mở ra, bên trong là những củ khoai lang vỏ đỏ mập tròn, đều tăm tắp. Đây là loại khoai lang, sau khi chín, ruột có màu vàng nghệ, rất ngon. Đó có thể gọi là món quà quê đúng nghĩa.

Tôi lại nhớ đến những món quà quê khác mà mình đã được nhận - những sản phẩm “cây nhà lá vườn” của những con người chất phác, chân thành, thường là nông dân, lao động, cũng có khi là những người bạn, đồng nghiệp đến với nhau chỉ đơn thuần bởi một chữ tình. Nhớ nhất là câu chuyện cách đây gần 20 năm, trong một lần đi xuống cơ sở, tôi tình cờ gặp một gia đình nông dân nghèo có hai con bị di chứng chất độc da cam, mỗi cháu một căn bệnh khá đặc biệt không giống nhau. Sẵn có máy ảnh, tôi chụp ảnh viết tin gửi đăng báo. Nhiều người hảo tâm đã ủng hộ tiền, giúp một cháu có điều kiện chữa trị khỏi bệnh và một cháu được ra nước ngoài để điều trị…

Từ đó, Tết Nguyên đán năm nào gia đình đó cũng đến nhà tôi biếu chút quà quê, khi thì vài chục bánh tráng gạo, khi thì chai mật ong rừng, lúc thì cặp bánh tét nhà làm; thi thoảng có con gà, con vịt nhà nuôi...

Đối với những người có hoàn cảnh kinh tế khó khăn như vậy, nhận quà của họ thì thật là áy náy, nhưng sự chân thành của họ làm tôi không thể từ chối. Nhìn chung quà quê đơn giản chỉ là giỏ rau sạch do người nông dân tự trồng, là chục trứng gà ta, hay vài ổ bánh tổ, bánh lăn, vài ký nếp… Những món quà tuy giản đơn nhưng đậm đà tình nghĩa với biết bao sự nâng niu của người tặng.

Quà tặng thì có muôn hình, muôn vẻ, nhưng quà quê lại làm nao lòng và nhớ hoài, nhất là khi nó được tặng trong sự rụt rè, bối rối, vụng về. Quà quê thường đem lại niềm vui cho cả người nhận lẫn người tặng dù hình thức của nó không bóng bẩy, không sang trọng, thậm chí được bọc trong giấy báo, đựng trong chiếc túi cói, hay trong chiếc túi ni-lông thông thường…, vậy mà nó lại khiến người nhận lâng lâng, trân trọng. Cuộc sống có nhiều điều không thể đoán định. Đôi khi con người ta trở nên cách xa và nghi ngại vì những tín hiệu nhiễu sóng. Nhưng quà quê chỉ phát đi một tín hiệu duy nhất, đó là sự chân tình!

Với những “người nhà quê”, quà quê là “của ít lòng nhiều”, “của nhà trồng được”… Không kiểu cách, màu mè, đôi khi thật vụng về. Nhưng trước những món quà giản dị, ấm áp tình nghĩa, người nhận cảm thấy tự tin, gần gũi. Với quà quê, chỉ đơn giản là nhận, cảm động và… nhớ mãi.

DÂN HÙNG

;
;
.
.
.
.
.