Ngày em thôi áo khoác, khăn voan xuống phố

.

Những ngày miền Trung hứng chịu bão lũ, nơi này - thành phố phương Nam chỉ sụt sùi lắc rắc mưa. Nếu không có thông tin bão lũ được cập nhật rất nhanh ở thời công nghệ bốn chấm, đã có không ít những cô gái xúng xính áo khoác, khăn voan xuống phố đón mùa sang bởi thời tiết se lạnh đẹp dịu dàng, rất hiếm hoi mới có ở vùng đất này.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Bạn tôi quê ở miền Trung bảo năm nào nhà cũng bị bão lũ, tùy mức độ thôi. Rồi bạn kể những năm… lâu lắm rồi, một vùng biển quê nội của bạn bị ảnh hưởng nghiêm trọng vì lũ. Chỉ vì thời đó chưa có điện thoại để chụp ảnh, quay clip, livestream như bây giờ nên ngay cả những thế hệ sinh ra sau đó, có người cũng không hình dung hết mức độ thiệt hại lúc đó như thế nào.

Thời công nghệ, chỉ cần ngồi một chỗ, thực hiện vài thao tác trên màn hình điện thoại là biết mọi thông tin. Thời này người ta tương tác với nhau trên mạng nhiều hơn ngoài đời. Lứa chúng tôi, không già không trẻ, đã sớm thích nghi và hào hứng với sự phát triển của công nghệ, trong đó có mạng xã hội. Đã không ít cá nhân bị mắng sau lưng, nào là suốt ngày úp hình sống ảo trên mạng, ngồi đếm like, vui buồn với con số like vô nghĩa… để làm gì? Ừ thì cũng không sai, nhiều người đầu tắt mặt tối lắm, hình thức “te tua” lắm, nhưng vẫn cố chọn những tấm hình sang chảnh, nếu chưa đủ ưng ý có hàng loạt app chỉnh sửa ảnh hỗ trợ, lung linh ngay. Mà đâu phải chỉ đăng hình, rồi còn tương tác, trả lời, thả tim các kiểu. Tốn không ít thời gian.

“Ảo” vậy thôi, nhưng chỉ cần biết tin chị bán bún riêu ở đầu hẻm có con đang mắc bệnh hiểm nghèo, chị ngày ngày gánh bún đi bán kiếm tiền chạy chữa cho con, vậy là bạn tranh thủ chụp ảnh, gõ phím đăng lên. Gánh bún riêu của chị nhẹ bẫng hết sớm trong buổi sáng. Chị còn cảm động khoe số tiền mọi người giúp đỡ qua “kênh” thông tin từ mạng xã hội của bạn.

Hôm lũ về trong đêm ở Quảng Trị, người dân kêu cứu trên mạng xã hội, cộng đồng mạng ở khắp nơi cũng thấp thỏm ngóng trông theo. Những xót thương đã biến thành hành động cụ thể.

Và đám bạn “sống ảo” của tôi, người nào “có tiếng nói” thì kêu gọi đóng góp trực tiếp. Người khác kêu gọi gián tiếp bằng cách đăng status thông tin của tài khoản bạn bè, giới thiệu những hội, nhóm thiện nguyện, bằng tất cả uy tín và danh dự của mình, chỉ mong sao có thể mang đến cho mọi người bữa ăn, ly nước để vượt qua cơn nguy nan của thiên tai.

Không chỉ người lớn, những đứa trẻ cũng được cha mẹ giáo dục cách sẻ chia. Chị hàng xóm của tôi có con ở độ tuổi cấp 1. Đúng ra những ngày trong tháng 10 này, cháu được cha mẹ tổ chức tiệc sinh nhật tưng bừng bánh trái cùng bạn bè, được hồi hộp mở từng món quà gói trong lớp giấy đủ màu sặc sỡ, được ồ à thích thú khi nhận được đúng món quà mà mình yêu thích. Nhưng năm nay mẹ cháu không tổ chức sinh nhật. Cháu đi học về, nghe “hung tin” đó, giãy nảy khóc ngon lành. Mẹ cháu nhẹ nhàng dỗ dành, mở mạng xã hội cho cháu xem hình bão lũ ở miền Trung. Ở đó, những bạn bằng tuổi cháu không có cơm ăn, co ro trên mái nhà trong cơn đói, lạnh. Mẹ nhẹ nhàng hỏi cháu, con có muốn dành buổi sinh nhật để giúp bạn bữa ăn, áo ấm không? Cháu hiểu ra, thôi khóc, hôm sau còn chủ động đập heo đất đưa hết tiền cho mẹ.

Trước đây, người ngoài cuộc rất khó hình dung nỗi nguy nan của những người dân vùng lũ. Bây giờ, các phương tiện truyền thông, cả mạng xã hội là những kênh thông tin chuyển tải rất nhanh. Để như tôi, một người chưa từng sống trong vùng lũ cũng phập phồng đón xem từng livestream kêu gọi quyên góp tiền tỷ. Có như vậy mới hiểu được tận cùng những giọt nước mắt của bao người dân miền Trung trong cơn lũ dữ.

Mạng xã hội, có những lúc cũng phiền nhiễu lắm, thị phi lắm. Nhưng hãy nhìn vào mặt tích cực của “phương tiện” này, nhất là trong những ngày một số tỉnh miền Trung chìm trong bão lũ, mạng xã hội lại trở thành kênh thông tin để có biết bao tấm lòng gửi gắm sẻ chia bằng những con số cụ thể, quý biết bao nhiêu!

LA THỊ ÁNH HƯỜNG

;
;
.
.
.
.
.
đồng phục công sở đặt may áo thun đồng phục Đắk Lắk Xem thêm mẫu đồng phục mầm non đẹpThời trang vest công sở đẹp, nhiều mẫu mã.