Tượng “Cô gái không tên” - tác phẩm điêu khắc của nghệ sĩ Hayat Nazer ở Lebanon - mang đến thông điệp về lòng trắc ẩn, hòa bình và hòa giải giữa những cuộc nổi loạn diễn ra ở Beirut.
Hayat Nazer và tác phẩm điêu khắc được làm từ mảnh vỡ của vụ nổ cảng Beirut. Ảnh: CNN |
Lebanon đang trên đà hồi phục sau cuộc nội chiến tàn khốc (1975-1990), thì xảy ra vụ nổ ở Beirut vào ngày 4-8-2020. Vụ nổ đã làm hơn 190 người chết và 6.500 người khác bị thương, hơn 300.000 người phải rời bỏ nhà cửa. Thảm họa này cùng đại dịch Covid-19 khiến Lebanon gần như bị tê liệt đến nay.
Cũng vào ngày 4-8, nữ nghệ sĩ Hayat Nazer, vốn được sinh ra và lớn lên ở Tripoli, thành phố lớn nhất miền bắc Lebanon, đang trên đường tới thủ đô Beirut. Cùng với nhiều người dân Lebanon, Nazer tham gia khắc phục hậu quả thảm họa. Trong lúc thu dọn, cô có ý tưởng làm một bức tượng từ những gì còn lại ngay tại hiện trường để truyền cảm hứng đến mọi người.
Nazer lang thang trên các con phố tại Beirut trong nhiều tuần, thu thập các mảnh kim loại, thủy tinh vỡ và đồ dùng không còn sử dụng được để làm nguyên vật liệu cho tác phẩm.
Sau khi tập hợp đầy đủ các vật dụng trong đống đổ nát, Nazer chọn lựa, mài dũa để có được vật liệu tạo nên tượng một phụ nữ giơ cao lá cờ của Lebanon, mái tóc và chiếc váy của cô ấy bay trong gió. Bức tượng chưa được đặt tên. Ở chân đế tượng còn có một chiếc đồng hồ bị hư hỏng, kim giờ vĩnh viễn dừng lại lúc 6 giờ 08 phút - thời điểm xảy ra vụ nổ.
Lý giải về việc không đặt tên cho bức tượng, Nazer cho hay, tôi muốn mọi người đặt tên cho nó bằng cảm xúc của họ. Khi tôi mang tác phẩm điêu khắc ra phố, tôi thấy mọi người khóc, họ đến gần tôi và nói rằng bức tượng mô tả chính xác cảm giác bên trong của họ: Vụ nổ mang tính hủy diệt nhưng con người vẫn cần phải vươn lên. Tôi cảm thấy thông qua nghệ thuật, thông qua tác phẩm điêu khắc, mọi người có thể cảm nhận được điều gì đó và sự thay đổi bắt đầu xuất hiện trong chúng ta”.
Trước đó, Nazer đã sử dụng nghệ thuật để phản ánh các vấn đề xã hội và chính trị ở Lebanon. Năm 2019, tác phẩm mang tên “Phượng hoàng” của cô được hình thành từ những chiếc lều bị phá hỏng trong một cuộc nổi dậy chính trị tại Lebanon. Cô cũng tạo ra một trái tim khổng lồ sử dụng đá và vỏ bình xịt hơi cay còn lại từ các cuộc biểu tình bạo loạn. “Sau khi tôi thấy những chiếc lều vải của người dân bị những người nổi loạn phá vỡ, tôi nghĩ đến việc tạo ra một con Phượng hoàng. Tác phẩm này mô tả loài chim thần thoại bay lên từ đống tro tàn từ những chiếc lều vải bị hỏng và mọi người từ khắp Lebanon đã giúp tôi xây dựng nó”, Nazer nói.
HOÀNG ĐẶNG (theo CNN)