Góc nhớ

Món chè bí ngô của ngoại

.

Bí ngô (hay bí đỏ, bí rợ) là loài cây quen thuộc ở vùng nông thôn, có thể trồng quanh năm. Ngoài quả thì nụ, hoa và lá non đều được dùng làm các món ăn. Quả bí ngô không chỉ dùng để nấu canh, xào, luộc…, mà còn là nguyên liệu chính chế biến những món chè vô cùng đặc biệt. Tuổi thơ tôi gắn liền với hương vị ngọt ngào của món chè bí ngô nấu với lạc (đậu phộng), gạo nếp qua đôi bàn tay của ngoại.

Bát chè vàng ruộm bùi bùi, thơm dẻo, ngọt thanh hấp dẫn.  Ảnh: giadinh.tv
Bát chè vàng ruộm bùi bùi, thơm dẻo, ngọt thanh hấp dẫn. Ảnh: giadinh.tv

Thuở nhỏ, tôi quấn quýt bên ngoại. Tôi được ngoại kể vô số câu chuyện cổ tích; rồi cùng ngoại ra đồng cắt cỏ, chăn bò; cùng ngoại ra vườn chăm rau, bắt sâu và thu hoạch mỗi mùa quả chín. Mảnh vườn của ngoại không rộng nhưng có đủ loại cây, nào là cây ăn quả, rau xanh, rau thơm và thể nào cũng có vài bụi bí ngô. Ngoại bảo, ngày xưa nghèo, ngoài sắn, khoai thì bí ngô cũng là loại lương thực giúp đồng bào ta đi qua những ngày thiếu ăn.

Mỗi lần cùng ngoại ra vườn, tôi rất hào hứng. Ngoại chỉ cho tôi cách gieo hạt bí xuống đất như thế nào để cây mọc lên khỏe mạnh. Tôi biết thêm về những ngọn bí mập mạp, những tua rua như những cánh tay chắc khỏe giúp cây bò lan ra khắp mặt đất. Rồi ngoại nói về những nụ hoa thon dài ngộ nghĩnh, về những bông bí kỳ lạ mọc ra từ nách lá, về những quả non ban đầu nho nhỏ, ngậm sương đêm, hút sinh khí của trời cùng sự chăm bẵm của ngoại mà dần lớn lên.

Những ngày đầu đông hanh hao màu nắng, tôi thích nhất là được cùng ngoại ra vườn thu hoạch bí ngô. Lúc đó, trong vườn lăn lóc những quả bí ngô căng tròn. Quả nào quả nấy cuống xanh thẫm, vỏ ngoài sáng bóng, màu vàng sậm, cầm trên tay chắc nịch. Ngoại bảo, những quả như thế mới già, ruột mới vàng thẫm và nấu ăn mới ngon. Tôi hí hửng phụ ngoại thu hoạch bí ngô đem vào nhà và háo hức chờ đợi món chè bí ngô ngoại nấu.

Ngoại chọn quả bí vừa đủ nấu cho cả nhà cùng ăn. Ngoại gọt bỏ vỏ và phần hạt rồi đem rửa sạch, để ráo nước, sau đó cắt thành miếng vừa như bao diêm. Gạo nếp, lạc với lượng vừa đủ ăn cũng được ngoại ngâm trong nước trước đó khoảng 30 phút. Phần vì để loại trừ hạt lép, hạt sâu, sạch bụi bẩn; phần vì ngâm trước sẽ giúp lạc, gạo nhanh bở, nhanh nhừ khi nấu.

Ngoại cho gạo nếp cùng lạc vào nồi, đổ ngập nước, đun cho đến khi lạc và gạo chín nhừ. Trong quá trình đun, ngoại luôn giữ vừa lửa để tránh nồi chè sôi mạnh trào ra ngoài. Sau đó, ngoại cho bí ngô vào và đun tới khi bí bở rồi cho thêm đường, khuấy đều. Ngoại thường dùng đường mật, cho một lượng vừa đủ để chè không quá ngọt và có độ thanh mát. Để thêm hương cho chè bí ngô, ngoại bỏ vào một ít lá dứa đã rửa sạch khi nồi chè được nấu khoảng 15 phút. Đến khi bí, lạc và gạo nếp chín mềm, ngoại vớt lá dứa ra. Ngoại dùng môi (muỗng lớn) dằm nhuyễn bí ngô để các nguyên liệu quyện vào nhau. Chỉ chờ ngoại bắc nồi chè ra khỏi bếp, tôi nhanh nhảu dọn mâm, dọn bát thìa... để cùng cả nhà thưởng thức.

Sự kết hợp giữa bí ngô, lạc, gạo nếp và đường mật, lá dứa làm nên bát chè vàng ruộm bùi bùi, thơm dẻo, ngọt thanh hấp dẫn. Món ăn giản dị mà ngọt lành bởi tình yêu thương ngoại dành cho gia đình, cho cháu con. Món ăn ấy không chỉ những đứa trẻ như tôi mà mọi thành viên trong gia đình đều thích.
Những ngày đầu đông, khi những cơn gió se se gọi về, tôi lại nhớ món chè bí ngô ngoại nấu.

Gọi điện về thăm nhà, ngoại nhắc: “Bí ngô trong vườn già rồi. Mấy hôm nữa ngoại gửi lên phố cho mà nấu chè. Chè bí ngô ăn tốt cho sức khỏe lắm!”. Ngoại nói rồi cười hiền lành, còn tôi cứ thế rưng rưng nhớ ngoại.

AN VIÊN

;
;
.
.
.
.
.