Mặt trận 4 Quảng Đà kết nối và lan tỏa

.

“Đã 52 năm trôi qua, cả Tiểu đoàn 3 và gần 200 đồng đội đã ngủ yên, nay được đánh thức dậy…”. Những người từng là thành viên của Tiểu đoàn 3 (D3) - Mặt trận 4 Quảng Đà có dịp kết nối lại từ bài viết “Tưởng nhớ các anh Tiểu đoàn 3 Mặt trận 4 Quảng Đà” đăng trên Báo Đà Nẵng cuối tuần ngày 30-8-2020.

Ngày 26-11, Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố Đà Nẵng tổ chức hội thảo lấy ý kiến về thành tích của Tiểu đoàn 3 - Mặt trận 4 Quảng Đà. Ảnh: V.L
Ngày 26-11, Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố Đà Nẵng tổ chức hội thảo lấy ý kiến về thành tích của Tiểu đoàn 3 - Mặt trận 4 Quảng Đà. Ảnh: V.L

1. Tôi viết bài “Tưởng nhớ các anh Tiểu đoàn 3 Mặt trận 44 Quảng Đà” để tưởng nhớ các anh Tiểu đoàn 3 (D3), đăng trên Báo Đà Nẵng Cuối tuần, nhưng không ngờ hiệu ứng mạnh mẽ đến vậy. Bài viết kể lại một cuộc chiến hết sức anh dũng, kiên cường, bất khuất của Tiểu đoàn 3 (D3) - Mặt trận 4 Quảng Đà với 10.000 quân Mỹ diễn ra tại vùng B Điện Bàn (nay là thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) từ ngày 20-11 đến 10-12-1968.

Các anh, chị D3 tại Đà Nẵng đã đọc và thông tin đến các anh, chị D3 ở Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Hải Dương… Nhiều anh cho rằng, hàng chục năm nay không còn ai nhắc đến D3. Khi các anh ở ngoài Bắc về thăm lại chiến trường xưa (Quảng Đà), đến Phòng Truyền thống của Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố Đà Nẵng (đơn vị kế thừa của Mặt trận 4) cũng không thấy bóng dáng, tên tuổi của D3.

Sau khi đọc bài viết nói trên của tôi, nhiều anh đã nhắn tin mà khi đọc tôi không cầm được nước mắt: “Đã 52 năm trôi qua, cả Tiểu đoàn 3 và gần 200 đồng đội đã ngủ yên, nay được đánh thức dậy…”; “Có cách gì góp phần khôi phục lại danh hiệu của D3?”... Đặc biệt, trong các hồi âm đó có cuốn sách Có một Tiểu đoàn như thế tóm tắt thành tích của Tiểu đoàn 3 qua 10 năm chiến đấu và trưởng thành trên quê hương Quảng Đà do Đại tá Nguyễn Vĩnh An, nguyên Chính trị viên Tiểu đoàn 3, viết trước khi đi học rồi chuyển sang đơn vị khác.

Thành tích của Tiểu đoàn thật sự xuất sắc, được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều Huân chương; được Bác Hồ khen tặng “Các chú học tập và đánh như Tiểu đoàn 3 Quảng Đà”. Đặc biệt, sự hy sinh của Tiểu đoàn quá lớn, trong đó có trận “21 ngày đêm” mà tôi từng chứng kiến. Song, D3 vẫn chưa được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND.

Tôi nghĩ mình là người địa phương, lại quen biết nhiều đồng chí lãnh đạo qua các thời kỳ (chứ các anh ở xa làm sao biết được) nên mình phải giúp các anh. Tôi đề nghị Đại tá Nguyễn Vĩnh An: “Anh em mình quyết tâm sưu tầm thêm tư liệu từ bài viết của anh để lập thủ tục đề nghị phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND cho D3”.

2. Thế là tôi tìm đọc các cuốn Lịch sử của Đặc Khu ủy Quảng Đà, Quảng Nam, Mặt trận 4 và nhiều sách, bài viết, thông tin... liên quan. Đồng hành với chúng tôi trong việc chuẩn bị các thủ tục còn có Đại tá, nhà báo Đỗ Kiếm; Đại tá, nhà báo, nhà văn Lê Anh Dũng; nhà văn Nguyễn Thị Thu Sương.

Ngày 24-10-2020, chúng tôi ra Hà Nội tham dự hội thảo của Ban liên lạc D3 miền Bắc góp ý vào báo cáo thành tích của D3. Tôi vui mừng được gặp lại các anh ngày trước đã ở tại quê hương Điện Bàn. Đặc biệt, qua bài viết đăng trên Báo Đà Nẵng cuối tuần, các anh coi tôi là “người nhà” của D3.

Ngày 2-11-2020, Đại tá Nguyễn Vĩnh An từ Hà Nội vào Đà Nẵng để tổ chức một cuộc hội thảo với các thành viên D3 ở thành phố sông Hàn. Cảm động vô cùng khi các anh gọi tôi là “người đồng chí”, “người em”, “người chị”…

Chiều 2-11-2020, Ban liên lạc Mặt trận 4 Quảng Đà đã họp thông qua nội dung báo cáo của Tiểu đoàn và thống nhất cao việc đề nghị phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND cho Tiểu đoàn 3. Sau đó, chúng tôi về thắp hương cho các anh D3 hy sinh trong trận “21 ngày đêm” tại thôn La Thọ Nam (xã Điện Hòa, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam). Người dân địa phương đã lập miếu thờ và lấy tên là Miếu Bộ đội. Đoàn tiếp tục về xã Điện Thọ gặp lãnh đạo chủ chốt xã và được đưa đến khu đất dự kiến xây dựng Nhà bia tưởng niệm các liệt sĩ D3. Đoàn còn làm việc với Thị ủy Điện Bàn.

Chúng tôi cũng tìm được cuốn sổ lưu Huân chương của Quân khu 5 trong thời kỳ kháng chiến, trong đó Tiểu đoàn 3 được tặng thưởng 20 Huân chương từ Huân chương Độc lập, Quân công, Chiến công và 71 cán bộ, chiến sĩ được tặng thưởng Huân chương các loại. Đây là bằng chứng vô cùng quan trọng để xác định thành tích đặc biệt xuất sắc của Tiểu đoàn 3.

3. Chiều 4-11, với bộ hồ sơ hoàn chỉnh, đoàn chúng tôi làm việc với  Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố Đà Nẵng. Ngày 26-11, Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố tổ chức hội thảo lấy ý kiến về thành tích của Tiểu đoàn 3 và lập hồ sơ trình lên cấp trên.

Ngoài ra, tôi còn giúp Ban liên lạc Tiểu đoàn 3 chuẩn bị nội dung ra cuốn lịch sử Tiểu đoàn 3 Mặt trận 4 - những năm tháng hào hùng; xin đất để tôn tạo Miếu Bộ đội và xây dựng nhà Bia tưởng niệm của Tiểu đoàn.

Đại tá Nguyễn Vĩnh An bày tỏ: “Chúng ta làm được những việc này để không có lỗi với đồng đội đã hy sinh, để động viên an ủi về mặt tinh thần vô cùng quý giá đối với gia đình và thân nhân hàng nghìn cán bộ của Tiểu đoàn 3; đồng thời để Đảng bộ và nhân dân Quảng Đà trước đây, tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng ngày nay có thêm một đơn vị Anh hùng, qua đó góp phần giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ”.

Không những tôi mà toàn thể D3 cảm ơn Báo Đà Nẵng đã tạo điều kiện để D3 cả nước kết nối với nhau và tôi có cơ hội “đền ơn đáp nghĩa” những người đã hy sinh cho tôi được sống trong trận chống càn “21 ngày đêm” máu lửa tại Điện Bàn năm xưa. Các anh đã đi vào bất tử cùng với D3 anh hùng ghi dấu ấn lịch sử trên mảnh đất Điện Bàn.

NGUYỄN THỊ VÂN LAN

;
;
.
.
.
.
.