Đà Nẵng có bờ biển dài, trải rộng với nhiều bãi biển đẹp, thuận lợi cho phát triển kinh tế, du lịch biển, du lịch tàu biển… Vì vậy, giữ cho biển xanh - sạch - đẹp là giữ gìn vốn quý giá mà tạo hóa ưu ái dành cho thành phố.
Người dân trên địa bàn quận Thanh Khê ra quân làm sạch bãi biển Nguyễn Tất Thành. Ảnh: Q.T |
Theo đánh giá của Viện Nghiên cứu biển và hải đảo (Bộ Tài nguyên và Môi trường - TN&MT), rác thải nhựa chiếm khoảng từ 50-80% lượng rác thải biển. Hiện nay, Việt Nam được đánh giá là một trong những nước có lượng chất thải xả ra biển nhiều thứ tư trên thế giới, với khối lượng khoảng từ 0,28 - 0,73 triệu tấn/năm (tương đương khoảng 6% tổng chất thải nhựa được thải ra biển của thế giới).
Đà Nẵng là thành phố có tốc độ phát triển kinh tế - xã hội cao tại khu vực duyên hải Nam Trung Bộ. Quá trình đô thị hóa nhanh đã gây ra những áp lực, trong đó có vấn đề rác thải nhựa. Theo thống kê của Sở TN&MT, mỗi ngày thành phố phát sinh hơn 1.100 tấn rác thải. Dự tính giai đoạn từ năm 2020-2025, rác thải đô thị thành phố tăng lên 1.800 tấn/ngày; giai đoạn 2025-2030 hơn 2.400 tấn/ngày và giai đoạn 2030-2040 hơn 3.000 tấn/ngày.
Trung bình mỗi ngày, biển Đà Nẵng có từ 3.000 - 5.000 lượt khách đến vui chơi, tắm biển. Những ngày lễ hoặc có sự kiện, con số này tăng lên gấp đôi, thậm chí gấp ba. Theo Công ty CP Môi trường đô thị Đà Nẵng, mỗi ngày nhân viên công ty thu gom từ 7-8 tấn rác dọc bờ biển, trong đó có số lượng lớn rác thải nhựa, gây khó khăn trong việc xử lý.
Kỳ vọng thay đổi thói quen
Đi dọc các bãi biển Mỹ Khê, Mân Thái (quận Sơn Trà), Xuân Thiều (quận Liên Chiểu)..., thỉnh thoảng vẫn thấy rác trên bãi biển. Rác chủ yếu là những chai, ly nhựa, hộp giấy, túi nilon… Những tháng cuối năm 2020, các đợt bão, mưa lớn liên tục và kéo dài dẫn đến lượng rác lớn trôi dạt vào các bãi cát, gây khó khăn cho công tác thu gom.
Tình trạng ô nhiễm môi trường trên biển do rác thải nhựa gây ra ảnh hưởng lớn đến sức khỏe con người và hệ sinh thái. Một trong những nguyên nhân gây nên tình trạng này là ý thức bảo vệ môi trường biển của người dân còn hạn chế. Ngoài ra, việc quản lý, thu gom và xử lý rác thải trên biển vẫn chưa đáp ứng yêu cầu thực tế.
Hiện nay, công tác thu gom, xử lý rác tại bãi biển do Công ty CP Môi trường Đô thị Đà Nẵng thực hiện; Ban quản lý Bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng (gọi tắt là BQL) kiểm tra việc thu gom, dọn vệ sinh của công ty và ghi nhật ký hằng ngày. Ông Trần Đại Nghĩa, Phó trưởng BQL cho hay, ý thức giữ gìn môi trường bãi biển của người dân và du khách được nâng cao rất nhiều trong thời gian qua, nhưng vẫn còn tình trạng xả rác bừa bãi trên biển, đặc biệt là nhóm du khách trẻ tuổi.
Trước tình trạng đó, BQL đã tuyên truyền nâng cao ý thức người dân thông qua website, fanpage; kêu gọi các cá nhân, tổ chức, đoàn thể tổ chức nhiều đợt ra quân dọn vệ sinh trên bãi biển. “Ngoài những công nhân áo xanh của Công ty CP Môi trường Đô thị Đà Nẵng, các nhân viên cứu hộ (thuộc BQL) cũng tham gia vớt rác trên mặt nước biển. Chúng tôi bố trí mỗi trạm cứu hộ 4 cào rác; 50 giỏ rác nhựa. Ngoài ra, BQL tăng cường tuyên truyền trên hệ thống loa phát thanh ven biển và phát động chiến dịch “Nói không với túi nilon tại các bãi biển du lịch”, ông Nghĩa nói.
Quận Thanh Khê là một trong những quận trung tâm thành phố, tiếp giáp biển. Theo thống kê của Xí nghiệp Môi trường quận Thanh Khê, lượng rác thải phát sinh trung bình trên địa bàn quận là 190 tấn/ngày, bao gồm rác thải từ sinh hoạt của người dân, rác thải sản xuất kinh doanh, y tế, trường học và chợ. Một số điểm thường xuyên xuất hiện tình trạng xả thải rác bừa bãi của người dân gồm: khu vực hai bên bờ kênh Phú Lộc; dọc tuyến đường sắt hồ Bàu Trảng; 6 cống xả thải trực tiếp đổ ra biển quận Thanh Khê mang theo một lượng lớn rác thải nhựa; bãi tập kết rác trên đường Nguyễn Tất Thành cũng gây thất thoát một lượng rác thải nhựa ra môi trường trong quá trình vận chuyển rác; chợ cá tự phát của người dân mỗi sáng trên tuyến đường Nguyễn Tất Thành…
Ông Lê Trung Minh Tân, Trưởng phòng TN&MT quận Thanh Khê cho hay, thời gian qua, phòng phối hợp với BQL bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng, ga Đà Nẵng, trung tâm thương mại, siêu thị, rạp chiếu phim, thư viện... lồng ghép tuyên truyền thông qua các áp-phích, bảng điện tử, video về tác hại của rác thải nhựa đến môi trường sống, sức khỏe con người, khuyến khích lối sống xanh, tiêu dùng giảm thiểu nhựa… “Mục tiêu là đến năm 2025, ít nhất 30% các cơ sở kinh doanh nước uống và thực phẩm cam kết không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần tại các khu du lịch và dịch vụ ven biển; đồng thời vận động ít nhất 50% ngư dân cam kết không thải bỏ ngư cụ, rác nhựa xuống biển”, ông Tân nói.
Một buổi tuyên truyền về môi trường của nhóm Let’s Do it! Danang. Ảnh: Q.T |
Cộng đồng cùng nỗ lực
Được hình thành từ năm 2015, Let’s Do It! Viet Nam (LDI) là chiến dịch có quy mô toàn quốc, hoạt động tại 3 miền, trước tiên là 3 thành phố lớn: Hà Nội, Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh. Theo các thành viên sáng lập LDI, Đà Nẵng là một trong những thành phố tiến bộ, đi đầu về các vấn đề môi trường nên được chọn là nơi khởi đầu chiến dịch. Thanh Tùng - Trưởng nhóm Let’s Do It! Danang - chia sẻ, trước năm 2018, Let’s Do It! Danang tập trung vào hoạt động tổ chức các buổi dọn dẹp cùng mục tiêu nâng cao nhận thức của người dân về hiện trạng môi trường.
Từ năm 2018, cùng với mục tiêu chung của LDI, Let’s Do It! Danang bắt đầu mở rộng thêm các hoạt động khác với chủ đề vấn nạn rác thải, đặc biệt là rác thải nhựa và việc xả rác bừa bãi ra môi trường, như các buổi tọa đàm (talkshow) giữa chuyên gia/KOLs (người có tầm ảnh hưởng) và người dân Đà Nẵng hay các hoạt động flashmob (huy động chớp nhoáng), trưng bày...
“Ô nhiễm môi trường do rác thải nhựa từ lâu là một trong những vấn đề cần được ưu tiên giải quyết. Trong đó, vai trò của cộng đồng trong phòng, chống rác thải nói chung và rác thải nhựa ra biển nói riêng rất quan trọng. Những năm qua, chúng tôi triển khai rất nhiều chương trình, hoạt động nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về rác thải nhựa, giữ gìn cảnh quan trên bờ và cảnh quan ven biển. Trong đó, chiến dịch “Ngày làm sạch thế giới” được tổ chức vào tháng 9 hằng năm là hoạt động chính của nhóm, thu hút sự tham gia ngày càng đông các tình nguyện viên, đa dạng về tuổi tác và quốc tịch”, Tùng cho biết.
Những năm gần đây, vấn nạn rác thải nhận được sự quan tâm ngày càng nhiều hơn của cộng đồng, đặc biệt là thanh, thiếu niên, cũng như các câu lạc bộ, đội, nhóm, tổ chức… Mới đây, nhóm sinh viên Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng) xây dựng dự án mang tên “Hệ thống nhặt rác thông minh” và đoạt giải thưởng cao trong cuộc thi “eProjects - Dự án sáng tạo, phối hợp giữa nhà trường và doanh nghiệp”. Lê Trường Lâm - Trưởng nhóm - cho biết: “Với mong muốn góp phần chung tay giảm bớt lượng rác thải nhựa, giữ gìn nguồn nước sạch, chúng em cùng nhau nghiên cứu máy thu gom rác tự động.
Máy có thể làm trong sạch môi trường nước, tiết kiệm năng lượng và phân loại rác. Điểm nổi trội của máy nhặt rác chính là ứng dụng trí tuệ nhân tạo qua việc đưa tính năng nhận diện và định vị vị trí rác thải. Rác được phân thành 2 loại: rác có thể tái chế và rác không thể tái chế. Đồng thời, khối cảm biến sẽ đo các thông số của nước tại vị trí hiện tại và cập nhật đến ứng dụng giám sát. Quy trình này lặp lại liên tục cho đến khi máy không còn nhận diện thấy rác nữa”.
Mùa du lịch biển 2019, BQL Bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân thực hiện 20 hoạt động văn hóa, thể thao. Trong đó, các hoạt động liên quan môi trường như “Nhặt rác trao yêu thương”, “Đổi rác lấy quà”… nhận được sự tham gia tích cực của hàng trăm người dân, du khách. Thế mới thấy, ý thức giữ gìn môi trường, giữ gìn biển luôn sẵn có trong mỗi người, chỉ cần được khơi dậy, đúng cách, biển sẽ mãi xanh…
Năm 2020, Đà Nẵng là một trong các đô thị đầu tiên được tổ chức Quốc tế về bảo tồn thiên nhiên (WWF) xác định ưu tiên thực hiện khảo sát đánh giá trong nhóm đô thị đợt 1 và tiềm năng để tham gia chương trình Đô thị giảm nhựa cùng với Rạch Giá (Kiên Giang) và Phú Yên. Quận Thanh Khê được chọn là địa phương thực hiện dự án (được triển khai từ tháng 10-2020 đến năm 2025). Theo đó, trong khoảng thời gian này, các đơn vị chức năng triển khai rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách về quản lý rác thải nhựa đại dương và các hoạt động giảm thiểu rác nhựa cho đối tượng hộ gia đình, hộ kinh doanh (khách sạn, nhà hàng), chợ, trường học; giảm thiểu thất thoát rác thải nhựa ở bãi biển, các điểm nóng về rác thải và hoạt động của ngư dân... UBND quận Thanh Khê đang tiếp nhận dự án và hoàn chỉnh dự thảo kế hoạch với nhiều hoạt động phong phú như: giảm thiểu lượng rác nhựa vào đại dương từ các nguồn thải trên đất liền và các hoạt động trên biển; nâng cao nhận thức, ứng xử và hành vi sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, túi nilon khó phân hủy tại địa bàn quận; thúc đẩy các sáng kiến/mô hình giảm sử dụng và phát sinh rác thải nhựa... |
QUỲNH TRANG