Sau 10 năm thực hiện đề án “Xây dựng Đà Nẵng - Thành phố môi trường” (giai đoạn 2008-2018), theo đánh giá của thành phố: “chất lượng môi trường được cải thiện đáng kể”. Thành phố đang tiếp tục xây dựng giai đoạn 2 của dự án, từ năm 2021-2030, với mục tiêu đưa Đà Nẵng trở thành thành phố sinh thái, môi trường được bảo vệ và củng cố toàn diện hơn.
PGS.TS Trần Văn Quang. |
Xung quanh vấn đề Đà Nẵng là thành phố môi trường, thành phố sinh thái, PGS.TS Trần Văn Quang, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu bảo vệ môi trường, Trường Đại học Bách khoa - Đại học Đà Nẵng cho rằng, xây dựng thành phố môi trường ở giai đoạn 2 cần hướng đến tính bền vững trong các tiêu chí đạt được khi đặt ra. Đó là vấn đề tái sử dụng, như chất thải hữu cơ làm phân bón, nước sử dụng lại để sản xuất, trồng trọt. Vấn đề tiếp cận bền vững và tính tuần hoàn sẽ mang lại giá trị rất cao.
* Đà Nẵng là thành phố đầu tiên trên cả nước xây dựng một hình mẫu về thành phố môi trường. Sau 10 năm thực hiện đề án, Đà Nẵng đã bước đầu đạt được những kết quả tốt với 7/10 tiêu chí đạt mục tiêu đề ra. Vậy, Đà Nẵng đã trở thành một thành phố “xanh - sạch - đẹp” chưa? Ông nghĩ về vấn đề này như thế nào?
- Qua 10 năm thực hiện Đề án “Xây dựng Đà Nẵng - Thành phố môi trường”, toàn thành phố đã xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả như: “Tổ dân phố không rác”, “Doanh nghiệp xanh - sạch - đẹp”, “Trường học xanh”, “Ngày chủ nhật xanh - sạch - đẹp”.
Tổng vốn đầu tư cho công tác bảo vệ môi trường là 11.922 tỷ đồng (ODA khoảng 511,4 triệu USD, vốn tư nhân khoảng 131 tỷ đồng và ngân sách nhà nước 978 tỷ đồng). Nguồn: Báo cáo kết quả tình hình thực hiện Đề án “Xây dựng Đà Nẵng - |
Trong thời gian qua, Đà Nẵng đã tập trung thực hiện nhiều giải pháp đầu tư trọng điểm về hạ tầng kỹ thuật đô thị môi trường, hoàn thành cơ bản các công trình xử lý nước thải sinh hoạt đô thị tập trung tại Phú Lộc, Sơn Trà, Hòa Xuân, Ngũ Hành Sơn; triển khai nhiều biện pháp phân loại, tái sử dụng tái chế chất thải rắn. 13/15 điểm nóng được xử lý triệt để, các điểm nóng môi trường phức tạp được kiềm chế. Tỷ lệ hộ dân sử dụng nước cấp tại các quận nội thành là 97,83%, khu vực nông thôn 76,81%; tỷ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt khu đô thị đạt 95%, khu vực nông thôn 65%, 100% chất thải rắn y tế được quản lý đạt yêu cầu. Tỷ lệ nước thải sinh hoạt đô thị được thu gom và xử lý đạt tiêu chuẩn là 83,5%; tỷ lệ cơ sở gây ô nhiễm môi trường trong không khí được xử lý đạt chuẩn là 100%. Cùng với đó, diện tích không gian xanh đô thị bình quân trên người tăng, đạt 6-8m2/người, tỷ lệ độ ồn tại các khu vực khu dân cư đạt thấp hơn 60dbA, tỷ lệ tại các đường phố thấp hơn 75dbA.
Những nỗ lực về bảo vệ môi trường của Đà Nẵng thời gian qua đã được công nhận qua nhiều giải thưởng trong 3 năm liên tiếp 2011, 2012, 2013 về Thành phố bền vững về môi trường ASEAN, Thành phố phát thải carbon thấp; năm 2018, được Tổ chức bảo tồn thiên nhiên thế giới bình chọn là “Thành phố Xanh quốc gia của Việt Nam năm 2018”.
Nhiều dự án đã được khởi động trong năm 2019, nhưng do Covid-19 nên khó kiểm chứng tính hiệu quả để đạt mục tiêu đề ra. Mà muốn môi trường xanh - sạch - đẹp là vô cùng, muốn giải quyết như mong đợi, cần nguồn lực đầu tư lớn để có thể vừa phát triển kinh tế, vừa bảo vệ môi trường. Những vấn đề tồn tại ở giai đoạn 1 đang được xúc tiến giải quyết, để những kết quả đạt được ở giai đoạn 2 ở mức cao hơn, tiếp cận sâu hơn, bền vững hơn, tiếp cận ở mức độ của thành phố sinh thái.
* Trên con đường phát triển không thể thiếu việc xây dựng ngành công nghiệp, và mặt trái của phát triển công nghiệp là ô nhiễm không khí, nước, chất thải công nghiệp. Giải pháp trước mắt và lâu dài để kiểm soát môi trường trong công nghiệp là sao, thưa ông?
- Phát triển công nghiệp là chuyện bắt buộc. Với Đà Nẵng, theo tôi nghĩ, các khu công nghiệp đã xử lý hết các chỉ số như nước thải ra môi trường, chất thải công nghiệp, nhiều doanh nghiệp xử lý nước thải sạch hơn so với yêu cầu (đến nay, 100% khu công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung, chất lượng nước thải sau xử lý cơ bản bảo đảm quy chuẩn môi trường - báo cáo kết quả tình hình thực hiện Đề án “Xây dựng Đà Nẵng - thành phố môi trường”, giai đoạn 2008-2014). Tuy nhiên, giai đoạn tới sẽ siết vấn đề này, sẽ không còn dư lượng hóa chất trong nước và nồng độ phải rất thấp, không còn khả năng gây ô nhiễm cho môi trường.
Năm 2019, Nghị định số 40/2019/NĐ-CP của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường và Thông tư số 25/2019/TT-BTNMT, qua đó Chi cục Bảo vệ môi trường, Sở Tài nguyên - Môi trường thành phố sẽ giám sát các đơn vị phát thải ra môi trường kỹ hơn, xử lý vi phạm nhờ vào mạng quan sát.
* Trong 4 nhóm tiêu chí xây dựng thành phố môi trường giai đoạn 2, có nhóm tiêu chí thứ 4 về tăng cường năng lực, nâng cao nhận thức. Thành phố sẽ tập trung công tác tuyên truyền để người dân bảo vệ môi trường. Vậy có cần đi kèm các điều kiện gì hay chỉ tuyên truyền là có thể đạt được những tiêu chí đề ra?
- Tuyên truyền để người dân bảo vệ mình là hoạt động nâng cao nhận thức, sẽ được duy trì trong giai đoạn tới. Song, vấn đề lần này là tuyên truyền gắn với những hoạt động cụ thể, nếu không tuyên truyền sẽ không có ý nghĩa. Tuyên truyền đến người dân, doanh nghiệp và hướng dẫn họ cách làm, đưa ra chương trình và cơ chế hỗ trợ (cho vay lãi suất thấp), giúp họ nâng cao năng lực hành động.
Ví dụ như phân loại rác tại nguồn xong mà không có nơi thu gom thì khó giải quyết chuyện sau phân loại. Hiện nay, điểm thu mua rác (các vựa ve chai) hoạt động phi chính thức, chưa được chính quyền ủng hộ do dễ nảy sinh điểm ô nhiễm môi trường. Vì vậy, cần hỗ trợ cho tư nhân để họ phát triển điểm thu gom, vận chuyển đến nơi xử lý. Lúc đó, các nhà máy xử lý, tái chế rác sẽ hình thành. Đây là nhu cầu tất yếu của cuộc sống, cần cho nó cơ chế hoạt động để kiểm soát. Khi làm việc với các tổ chức của Nhật Bản và nhiều nước khác về kiểm soát rác thải, họ đều nhấn mạnh rác là tài nguyên. Chương trình phân loại rác cần có công cụ, giải pháp thì mới hiệu quả.
Sắp tới thành phố sẽ xây dựng trạm trung chuyển rác thải tại khu vực Hòa Cường (quận Hải Châu) và Thọ Quang (quận Sơn Trà). Theo tôi, cần có hệ thống thu gom trong phạm vi 500-1.000m2 thì mới hiệu quả.
Khi xem rác là tài nguyên và cho tư nhân đấu thầu thu gom, cần thay đổi các văn bản luật. Hiện nay, người dân thải rác và chính quyền chịu trách nhiệm thu gom. Xu thế xem rác là tài nguyên để có một cơ chế khác, tái chế rác ở mức cao nhất sẽ phải thực hiện, vấn đề còn lại là sớm hay muộn và có nỗ lực hay không.
* Trong các nhóm tiêu chí như phòng ngừa ô nhiễm (nhóm 1); nhóm chỉ tiêu về cải thiện môi trường (nhóm 2); nhóm chỉ tiêu về bảo tồn thiên nhiên (nhóm 3), là người tham gia xây dựng đề án, theo ông, các tiêu chí này có khó thực hiện không và cần những giải pháp đồng bộ gì?
- Vấn đề thách thức hiện nay của thành phố là môi trường không khí, đi kèm với dân số tăng, ách tắc giao thông. Theo định hướng phải đầu tư xe buýt, người dân đi xe máy sẽ chuyển sang xe máy điện, cần đến ý thức giao thông. Thách thức về nguồn nước cũng sẽ tồn tại lâu dài nếu chúng ta không phối hợp được với các nhà máy thủy điện hay địa phương khác. Một thách thức nữa là chất thải rắn thì sẽ được giải quyết nếu phân loại tốt từ nguồn. Về văn hóa giao thông hay phân loại rác, nếu có công cụ hỗ trợ, các chính sách đồng bộ và sự quan tâm giải quyết của chính quyền thì sẽ giải quyết được. Các văn bản luật không thiếu, vấn đề là cần năng lực con người để thực hiện, cần nguồn lực của địa phương, cần năng lực của người kiểm tra giám sát...
* Thành phố tính được nguồn vốn bỏ ra để xây dựng thành phố môi trường trong giai đoạn 1, song cái thu lại thì chưa tính toán cụ thể ra được bao nhiêu. Vậy hiệu quả xây dựng đề án trong giai đoạn 2 là những gì?
- Thành phố chưa đo đếm cụ thể, song nhiều tiêu chí môi trường đã đạt được, dù chưa nhiều. Cái được mà chúng ta ghi nhận là các tổ chức quốc tế đến với Đà Nẵng nhiều hơn, hiệu quả đầu tư cũng cao hơn. Đặc biệt là giá trị thương hiệu tăng lên, đây là cái được nhiều nhất, kéo theo ngành du lịch rất phát triển trong những năm qua.
Xây dựng thành phố môi trường ở giai đoạn 2 sẽ thấy tính bền vững trong các tiêu chí đạt được khi đặt ra. Đó là vấn đề tái sử dụng, như chất thải hữu cơ làm phân bón, nước sử dụng lại để sản xuất, trồng trọt. Vấn đề tiếp cận bền vững và tính tuần hoàn sẽ mang lại giá trị rất cao.
Các nhà đầu tư sẽ thấy môi trường sinh thái bền vững, không gây hại cho tài nguyên thiên nhiên, vấn đề này sẽ tạo thương hiệu cho doanh nghiệp (đó là việc dán nhãn xanh của doanh nghiệp sinh thái ở thành phố sinh thái). Người dân đến đây định cư cũng an tâm hơn, ít rủi ro nếu có tác động bên ngoài. Tính bền vững rất quan trọng, nó mang lại nhiều giá trị và sẽ đo được bằng con số cụ thể trong những năm tới, để đến năm 2030, Đà Nẵng sẽ là thành phố sinh thái.
* Cảm ơn ông!
HOÀNG NHUNG