Xây dựng thành phố khởi nghiệp

.

Mới đây, Đà Nẵng được Hiệp hội Phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin (CNTT) Việt Nam (Vinasa) bầu chọn là “Thành phố thông minh Việt Nam 2020”, với những thành tựu nổi bật ở nhiều hạng mục: “Thành phố dịch vụ công thông minh”, “Thành phố hạ tầng số thông minh”, và đặc biệt là “Thành phố hấp dẫn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo”. Đóng góp thành công trên có vai trò tiên phong và kiến tạo của các vườn ươm doanh nghiệp, góp phần hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Đà Nẵng - hệ sinh thái đã sản sinh ra một thế hệ doanh nhân trẻ, những sáng lập viên mới đầy tài năng, được chuẩn bị tốt và được đánh giá cao ở cấp độ quốc gia.

Sinh viên Trường Đại học Bách khoa - Đại học Đà Nẵng tham gia triển lãm Techshow 2021. Ảnh: H.N
Sinh viên Trường Đại học Bách khoa - Đại học Đà Nẵng tham gia triển lãm Techshow 2021. Ảnh: H.N

Không ngừng sáng tạo

Sau 7 năm làm việc tại Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng, Nguyễn Long Giang quyết định nghỉ việc, khởi nghiệp với Công ty M-Medic. Dựa trên nền tảng công nghệ y tế thông minh, M-Medic là nơi khách hàng có thể đặt lịch khám chữa bệnh, xét nghiệm, tư vấn về các vấn đề y tế, quản lý sức khỏe của bản thân và gia đình thông qua bệnh án điện tử.

Nguyễn Long Giang bước vào con đường khởi nghiệp với dự án HappyMom và đoạt giải nhất tại cuộc thi Startup Weekend Danang 2018, sau đó tham gia Vườn ươm Doanh nghiệp Đà Nẵng (DNES) trong 6 tháng, nhận được sự hỗ trợ và tư vấn từ các chuyên gia, lấy tên công ty là M-Medic. Giang nhận được vốn đầu tư hai lần từ các nhà đầu tư thiên thần và đang bước vào vòng kêu gọi các quỹ đầu tư mạo hiểm. Mới đây, M-Medic là một trong 7 dự án khởi nghiệp được thành phố đầu tư 160 triệu đồng dành cho công ty đã hoàn thiện công nghệ và bắt đầu phát triển ra thị trường với tổng vốn trên 1,1 tỷ đồng.

Giang cho biết thêm, quỹ đầu tư The STILE Initiative USA của Mỹ, văn phòng tại Hong Kong (Trung Quốc) có kế hoạch đầu tư 2 triệu USD, bằng 20% cổ phần vào M-Medic. Mục tiêu của Giang là đến năm 2022, M-Medic sẽ có mặt tại thị trường Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, năm 2025 sẽ tiến ra thị trường các nước khu vực ASEAN.

Ông Trần Văn Hoàng, Phó Giám đốc Sở Khoa học & Công nghệ Đà Nẵng cho hay, M-Medic là một trong những công ty khởi nghiệp đi đúng với chiến lược của thành phố, là sử dụng trí tuệ nhân tạo trong hoạt động khởi nghiệp để tạo ra những doanh nghiệp mới.

Năm 2020, thành phố hỗ trợ 26 doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST) nhằm phát triển sản phẩm của doanh nghiệp, kết nối đầu tư, tham gia cuộc thi khởi nghiệp ĐMST, ươm tạo dự án và bố trí mặt bằng làm việc. Các dự án đều thể hiện tiềm năng phát triển. Trong đó, dự án EM & AI của Công ty CP EM and AI đã đoạt giải Á quân cuộc thi Tìm kiếm tài năng khởi nghiệp ĐMST quốc gia - Techfest 2020.

Dự án ứng dụng trí tuệ nhân tạo để giải quyết các vấn đề: đáp ứng nhu cầu giám sát và đánh giá chất lượng cuộc gọi thông qua tổng đài; nắm bắt thái độ và mức độ hài lòng của khách hàng đối với thương hiệu thông qua phân tích giọng nói và nội dung hội thoại; tự động hóa các tương tác, tác động vào quá trình trao đổi giữa tổng đài viên và khách hàng, cho phép nhắc nhở những nội dung còn thiếu và cảnh báo về thái độ, lời lẽ chưa đúng mực của nhân viên. Giải pháp sẽ giúp doanh nghiệp cắt giảm hơn 60% chi phí so với đánh giá bằng con người. Dự án đã gọi được vốn đầu tư 850.000 USD.

EM & AI cũng đoạt giải Nhất cuộc thi Startup Pitching lĩnh vực công nghệ số do Vinasa trao tặng; là một trong 3 dự án được chọn ghi hình trong chương trình Shark Tank 2021; được nhận phần thưởng là khóa huấn luyện tăng tốc khởi nghiệp do chuyên gia nước ngoài đào tạo trị giá 65.000 USD; được xem xét nhận khoản đầu tư 500 triệu đồng…

Hay Robot trí tuệ nhân tạo NYM của dự án Hekate Đà Nẵng (Công ty CP Công nghệ Hekate) đã được chọn làm sản phẩm tiêu biểu cho sáng tạo Việt Nam trong lễ khai mạc Techfest 2020. Robot NYM với ứng dụng trí tuệ nhân tạo đã trực tiếp đối thoại với 3 thanh niên về khởi nghiệp trên sân khấu tại lễ khai mạc. Công ty CP Công nghệ Hekate cũng đã nhận gói hỗ trợ 212 triệu đồng từ Sở Khoa học & Công nghệ để phát triển sản phẩm.

Hệ thống điều hướng pin năng lượng mặt trời theo thời gian thực, một sản phẩm tham gia Techshow 2021 của sinh viên Trường Đại học Bách khoa - Đại học Đà Nẵng. Ảnh: H.N
Hệ thống điều hướng pin năng lượng mặt trời theo thời gian thực, một sản phẩm tham gia Techshow 2021 của sinh viên Trường Đại học Bách khoa - Đại học Đà Nẵng. Ảnh: H.N

Kết nối mạng lưới khởi nghiệp

Được đánh giá là mảnh đất giàu tiềm năng giúp giới trẻ tìm kiếm cơ hội khởi nghiệp, sáng tạo, những năm qua, Đà Nẵng chú trọng xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp, hỗ trợ nguồn vốn để nhiều dự án phát huy tối đa hiệu quả. Đà Nẵng phấn đấu thực hiện mục tiêu trở thành trung tâm khởi nghiệp ĐMST của cả nước và được Chính phủ xác định là một trong 3 trung tâm khởi nghiệp ĐMST quốc gia (bên cạnh Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh).

Ông Trần Văn Hoàng nhấn mạnh, năm 2012-2018, vấn đề khởi nghiệp của Đà Nẵng đi theo chiều rộng, mới hiểu thế nào là khởi nghiệp, khởi nghiệp ĐMST và ĐMST ra sao. “Thông qua các đề án như thanh niên lập nghiệp, phụ nữ khởi nghiệp, chúng ta mới “đãi cát tìm vàng”. Năm 2018, khi thành phố đăng cai Ngày hội Khởi nghiệp ĐMST Quốc gia Techfest Vietnam 2018, chúng ta mới chuyển từ chiều rộng sang chiều sâu.

Startup Đà Nẵng với sản phẩm công nghệ MultiGlass thành công với giải Quán quân cuộc thi Tìm kiếm tài năng khởi nghiệp ĐMST quốc gia - Techfest 2019; dự án EM & AI Virtual QC đoạt giải Á quân cuộc thi Tìm kiếm tài năng khởi nghiệp ĐMST quốc gia - Techfest 2020. Chúng ta cần nhiều thành tố, trong đó có doanh nghiệp đủ mạnh để lập quỹ đầu tư thiên thần, các kinh nghiệm quản lý để điều hành chiến lược kinh doanh, sáng tạo mẫu mã sản phẩm, xây dựng thương hiệu”, ông Hoàng phân tích.

Để hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp, Đà Nẵng đã tiên phong thành lập Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ thành phố  Đà Nẵng, thành lập Hội đồng Điều phối mạng lưới khởi nghiệp, xây dựng Vườn ươm Doanh nghiệp theo hình thức PPP; thành lập quỹ đầu tư mạo hiểm Flying Fish. Việc xúc tiến xây dựng Khu làm việc và đào tạo khởi nghiệp của Đà Nẵng lồng ghép với thiết kế xây dựng Trung tâm Khởi nghiệp sáng tạo quốc gia tại Đà Nẵng là những bước đi vững chắc giúp các doanh nghiệp non trẻ có bước khởi đầu ổn định, có thể vươn tầm ra cả nước cũng như thế giới.

Dự án Khu làm việc và đào tạo khởi nghiệp Đà Nẵng dự kiến được xây trên diện tích 1.863m2, với 20.000m2 diện tích sàn, trang bị dịch vụ kết nối, là nơi để các dự án hoàn thiện sản phẩm thiết kế mẫu, là sàn giao dịch công nghệ, không gian cho các vườn ươm, không gian cho các văn phòng dự án...

Năm 2020, do ảnh hưởng Covid-19, Triển lãm khởi nghiệp ĐMST Đà Nẵng mở rộng (SURF 2020) được tổ chức trực tuyến dựa trên nền tảng thực tế ảo, thu hút hơn 80 gian hàng khởi nghiệp thuộc các nhóm lĩnh vực: du lịch - nông nghiệp, công nghệ sinh học, y tế - giáo dục; công nghệ thông tin, điện tử viễn thông; tự động hóa, cơ khí chính xác, năng lượng và các quỹ đầu tư - tài chính; vườn ươm, tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST... Có trên 6.000 lượt tham quan trực tuyến.

Mới đây, tại lễ kỷ niệm 5 năm thành lập DNES, ông Võ Duy Khương, Chủ tịch Hội đồng thành viên DNES khẳng định, DNES là cánh tay đắc lực của Hội đồng điều phối mạng lưới khởi nghiệp thành phố trong việc hiện thực hóa các định hướng, kế hoạch, chương trình hoạt động khởi nghiệp ĐMST; kết nối các nguồn lực hỗ trợ khởi nghiệp trong và ngoài nước; hoàn thiện chương trình ươm tạo “Finc.” dành cho các doanh nghiệp khởi nghiệp thuộc lĩnh vực công nghệ; hỗ trợ nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp về hạ tầng và phát triển cộng đồng; phát huy hiệu quả mô hình hợp tác công tư, định hướng hoạt động phát triển bền vững.

Trong khi Chính phủ đang có nhiều chính sách mới về khởi nghiệp ĐMST, Đà Nẵng vừa đưa ra mục tiêu xây dựng thành phố khởi nghiệp ĐMST đến năm 2030 và tầm nhìn 2045, thì các nguồn vốn đầu tư khởi nghiệp ở Việt Nam đang có xu hướng ngày càng gia tăng mạnh mẽ, nhất là nguồn từ các quỹ đầu tư nước ngoài. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp bắt đầu trụ vững, gặt hái những thành công nhất định, có khả năng cũng như nhu cầu cần đầu tư nhiều hơn cho các hoạt động dịch vụ và tư vấn để phát triển quy mô, nghiên cứu, ứng dụng công nghệ ĐMST vào hành trình phát triển doanh nghiệp.

HOÀNG NHUNG

"Đối với các bạn trẻ đã, đang và sẽ khởi nghiệp, chúng tôi hiểu rằng, để khởi động một startup từ đầu rất khó khăn, đòi hỏi phải đối phó với nhiều rủi ro, yêu cầu về thời gian, nỗ lực và tiền bạc. Việc chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn, hỗ trợ từ các học giả, doanh nhân thành công và của chính quyền sẽ xây dựng nên sức mạnh tổng hợp, giúp các bạn hoàn thiện, phát triển. Lãnh đạo UBND thành phố luôn mong muốn và hy vọng rằng các bạn sẽ luôn duy trì được nhiệt huyết, đam mê và khát vọng khởi nghiệp, không bao giờ đầu hàng trước khó khăn, thất bại. Chúng tôi cũng cam kết sẽ luôn đồng hành, tạo điều kiện thuận lợi để các bạn thực hiện được đam mê, khát vọng của mình, cùng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố thực hiện được mục tiêu xây dựng Đà Nẵng trở thành đô thị lớn, sinh thái và thông minh, là trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và là thành phố biển đáng sống, đạt đẳng cấp khu vực châu Á theo tinh thần Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

(Phát biểu của ông Hồ Kỳ Minh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Đà Nẵng tại lễ kỷ niệm 5 năm thành lập Vườn ươm Doanh nghiệp Đà Nẵng ngày 15-1-2021)

 

;
;
.
.
.
.
.