Quá giang

.

Xe cập bến, vừa lúc ráng chiều đỏ ối trên những hàng dừa. Chạm bàn chân xuống mảnh đất quê hương, nơi tôi đã có 14 năm sống thời thơ ấu, sự bồi hồi mà tôi hình dung đã không diễn ra, có phải do xa quê quá lâu hay không?

Nơi này thật khác. Bến đò ngày xưa nối liền hai bờ, trong kênh và ngoài thị trấn nay đã không còn. Thay vào đó là chiếc cầu kiên cố, rộng đủ cho xe 4 bánh đi qua. Tôi đứng nơi bến đò mà ngày xưa mẹ thường đưa tôi đi chợ cùng, dõi mắt về phía đám lục bình lững lờ trôi trên dòng sông đục ngầu phù sa. Ở đâu còn dấu chân của mẹ, của tôi, của những ngày hồn nhiên tưởng chẳng bao giờ lớn, tưởng bàn tay nhỏ bé luôn có bàn tay mẹ nắm thật chặt dắt đi, tưởng mẹ vẫn mãi ở bên cạnh mình…

Từ thị trấn vào nhà chị tôi khoảng 600 mét, một đoạn đường quá ngắn so với lịch trình chạy bộ hằng ngày của tôi, nhưng khác là hành lý cồng kềnh. Và tôi đã chọn cách đi bộ. Tôi muốn “sống” với quãng đường này thật chậm, thật lâu. Tôi xốc ba lô hành lý trên vai, đi cho gọn. Cây cầu bắc ngang qua sông nên phải xây cao để thuyền lớn tiện lưu thông. Mật độ lưu thông của xe và người nơi đây cũng không nhiều như trên thành phố. Dưới chân cầu là dãy nhà sàn nằm hẳn trên mé sông quen thuộc. Nhìn từ trên xuống, thấy không có gì đổi thay so với trước đây.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Chiếc ba lô nặng như kéo thân hình tôi về phía sau. Đi chưa được lên đỉnh cầu thì đã phải đứng lại thở dốc vì mệt. Tôi cố bước những bước chân nặng nhọc khi cơn say xe của chặng đường dài vẫn còn. Chưa kể, tôi còn phải tranh thủ cầm điện thoại chụp lại khoảnh khắc này.

Vừa lúc ấy, một chiếc xe máy dừng lại trước mặt tôi, phản xạ tự nhiên khiến tôi giật thót người, thu vội điện thoại về phía mình. Khoảnh khắc rất nhanh, tôi chạm phải ánh mắt hụt hẫng của người ngồi trên xe máy ngay cạnh tôi. Người trên xe máy là một phụ nữ, nhỏ nhẹ hỏi: “Quá giang không chị ơi, lên xe em chở cho đỡ mệt”. Tôi xấu hổ với hành động khi nãy của mình, vội cảm ơn và lắc đầu chối từ.

Ngay sau ấy, tôi nhận ra người quê mình, không cần quen biết, họ vẫn giúp nhau những việc đơn giản ấy, chở nhau một đoạn đường khi cả hai cùng chiều… Chỉ là xe mình trống chỗ nên chở thôi. Thói quen giúp đỡ nhau ấy ăn sâu vô máu từng con người sinh ra, lớn lên ở vùng đất này.

Tôi lên thành phố năm 15 tuổi. Đi học và đi làm, ngót cái đã xa quê hơn 20 năm. Trong 20 năm đó, giữa nhịp sống hối hả chốn thị thành, con người bị cuốn theo vòng quay lo toan mỗi ngày, nên dường như quên rằng cần lắm những "nốt lặng" giữa nhịp sống hối hả, để cảm thấu những việc tốt luôn ở quanh ta. Đến khi gặp một câu chuyện tử tế, một hành động tử tế thì giật mình, thấy mình cần sống chậm lại, cần nuôi dưỡng suy nghĩ tích cực để cảm nhận cuộc sống đầy đủ và trọn vẹn hơn.

Tôi về đến nhà vẫn áy náy với người cùng quê xa lạ. Làm sao tôi biết họ là ai để gặp và trải lòng mình. Nhưng tôi tin người quê tôi bao dung lắm, nên cũng chẳng chấp nhất làm gì với đứa xa quê lâu ngày như tôi đâu nhỉ! Tôi từng đọc đâu đó một câu đại ý rằng, cuộc sống khiêm tốn và bình lặng mang lại nhiều hạnh phúc hơn việc theo đuổi thành công không ngừng nghỉ. Có lẽ tôi sẽ buông bỏ bớt công việc và trở về quê thường xuyên hơn để tận hưởng sự an yên từ những điều rất đỗi bình dị.

ÁNH HƯỜNG

;
;
.
.
.
.
.
Liên kết hữu ích