Tôi sẽ khó tìm được khu vườn nếu không có những cánh chim. Cách một quãng không xa lắm, những cánh chim bồ câu dẫn dụ tôi từ cây xăng bên kia đường. Tôi băng qua cánh cổng đến ngồi xuống bên bờ rào đá, trước mắt mình là một không gian mùa hạ thật yên tĩnh và dịu dàng.
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG |
Từ cánh cổng để mở, men theo lối đi hẹp lát đá, tôi thấy một khu vườn dần mở ra. Phải gọi nó là một cánh rừng mini hoặc một triền đồi nhỏ thì đúng hơn. Vì ngoài thông, khu vườn chẳng trồng thêm bất kỳ loại rau cỏ, hoa trái nào khác. Những cây thông chưa quá già, đang vươn thẳng thân mình lên trời cao tắm nắng, những phiến lá nhỏ rung rinh rung rinh. Chúng đang reo vui theo từng bước đi của gió, xen kẽ là những tiếng chim gù.
Bồ câu thường bay theo đàn, chúng tràn đi như một lớp sóng đến một địa điểm nào đó để tìm kiếm thức ăn rồi lại bay về tổ. Chúng đi rất đông, nhưng không phải lúc nào cũng trò chuyện. Ở đây, có lẽ chúng đang gọi nhau vì những hạt thông rơi…
ôi không phải là vị khách duy nhất có mặt ở khu vườn. Phía cuối bờ rào đá, một đứa bé trai đang lăng xăng chạy quanh ông mình, nó hết thọc tay vào chiếc túi bóng màu xanh kêu rọc rẹc, lại chạy đến một mô đất cao hơn để rải thóc. Rồi bên kia, không cách xa lối vào mấy, một người đàn ông đang nắm tay cô con gái nhỏ còn mặc nguyên đồng phục và mang cặp, họ chậm rãi bước lạo xạo tìm quả trên đám lá thông khô.
Đều là khách, nhưng có lẽ mỗi mình tôi là khách lạ, bởi tôi không có sự chuẩn bị nào. Bước đến căn chòi gỗ án ngữ đoạn trung tâm khu vườn để hỏi thăm, tôi gặp gỡ người chủ vườn. Đó là một người đàn ông có gương mặt hiền từ, giọng nói chậm rãi như đang thiền trong từng lần nhả chữ.
Anh kể: “Khu vườn là do cụ thân sinh để lại. Ông ấy đến từ một ngôi làng nhỏ thuộc vùng cao nguyên tỉnh Lâm Đồng. Đồi thông quê nhà những năm 80 của thế kỷ trước, vắng vẻ, nhiều sương mù và hoa dại. Trừ những ngày mùa đông, khi mưa dùng hơi nước ẩm ướt làm chiếc màn màu bạc khổng lồ phủ trắng khắp nơi, thì còn lại, trong những ngày hè nắng lạnh, núi đồi sẽ là điểm hẹn lý tưởng của những đứa trẻ chuyên được bố mẹ giao nhiệm vụ… cào lá thông. Lá thông, củi thông vốn dĩ là những chất liệu chứa nhiều dầu, vậy nên đến lúc héo tàn sẽ càng giòn rụm, dễ bắt lửa. Chúng được đông đảo người dân sinh sống vùng miệt đồi ưa chuộng dùng làm chất đốt.
Trong những chiều mùa hè đi mót củi đó, lũ trẻ được thỏa chí nghịch đất, nghịch lá và trổ tài leo trèo để bẻ những cành khô chưa kịp rụng xuống đất. Và cũng như món quà dành cho lũ bồ câu vào những hoàng hôn đói hạt, những quả thông già vào lúc đó chính là thứ quý giá nhất với bọn trẻ, chúng ẩn trong mình những hạt thông béo ngậy, lừng thơm”.
“Cây thông chính là loại cây có sức sống mạnh mẽ, dẻo dai và rất lành tính. Ở nhiều nơi, hương thơm miên viễn và màu xanh của lá thông còn đại diện cho hòa bình”, anh chủ vườn tiếp tục câu chuyện.
“Có phải vì thế mà anh nuôi thêm chim bồ câu?”
“Chim bồ câu là biểu tượng của hòa bình. Khi chúng được vỗ cánh dưới những tán thông, tôi lại nghĩ đến niềm hạnh phúc, yên bình được tái sinh và không bao giờ ngừng lại. Cha đã mang tôi và gia đình đến đây, ông chọn trồng lên những gốc thông này có lẽ vì không muốn thời gian làm phôi phai vùng ký ức bình yên và tươi đẹp. Còn tôi, mỗi chiều, chỉ việc đều đặn ngồi đây và rải thêm thóc, thỉnh thoảng đón thêm một vài vị khách từ cây xăng bên kia băng qua đường sau khi đã nạp thêm nhiên liệu”.
Tôi chợt bẽn lẽn vì tính tò mò thái quá. Anh chủ nói thêm: “Nếu cha tôi là người không chịu lãng quên, thì tôi là người biết quan sát. Quan sát để tìm thấy và thêm vào khu vườn những cánh chim. Như cô vậy, cũng nhờ sự nhạy cảm và quan sát mà cô đã phát hiện ra khu vườn này. Lúc nào rảnh cô cứ đến, những cây thông này không hoàn toàn đều nhau, ở một vài góc vườn chúng là loài khác lá. Rồi tôi sẽ kể thêm...”.
DIỆU THÔNG