Ngủ giữa quê nhà

.

Những đêm trăng mùa hè, nghe gió lùa qua ô cửa sổ khiến lòng tôi nao nao. Những giấc ngủ giữa quê nhà là những giấc ngủ êm đềm nhất. Sự tĩnh lặng của màn đêm dường như là chất xúc tác cho dòng ký ức cuộn về. Lúc ấy, tôi nhớ đến khuôn mặt và ánh mắt của mẹ, dù tôi đang ở một phương trời xa thẳm, cũng khiến trái tim được xoa dịu, yên lành.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Đêm ở quê, dưới những mái nhà bàng bạc sương gió, mọi người thường tắt đèn sớm để nghỉ ngơi sau một ngày làm việc vất vả. Trời về khuya, chỉ le lói ánh sáng từ bóng đèn trái ớt màu đỏ, màu vàng trong nhà hắt ra sân; từ phía ai đó đi bắt cua đồng, lặng lẽ soi sáng một quãng ruộng.

Những đêm không có trăng, bóng tối bao phủ vạn vật, những khóm hoa đồng nội dẫn dắt tôi bằng một mùi hương nao lòng. Mọi thứ dường như lắng lại, cô đặc. Thanh âm của đêm vì thế cũng chung một nhịp điệu, âm thầm, xa xăm. Tiếng dế giun rỉ rả trong cỏ lá. Tiếng chó sủa mơ hồ, đàn gà trong chuồng giật mình lục tục. Tiếng quả rụng, tiếng cành cây khô gãy sau vườn, ngọn gió thoáng qua lao xao vòm lá. Thỉnh thoảng giữa khuya nghe tiếng trẻ con khóc đêm, tiếng người mẹ nhẹ nhàng dỗ dành, và cả những tiếng trở mình xót xa của mẹ…

Giữa thinh vắng, những chuyển động của màn đêm vẫn hiện hữu trong giấc ngủ của mẹ. Nghe tiếng gà xôn xao, mẹ liền trở dậy chong đèn, lọ mọ ra chuồng gà kiểm tra cửa nẻo. Nghe tiếng mưa rơi nặng hạt, mẹ khẽ khàng xuống bếp kê cao mấy chiếc lò còn vương tro bụi.

Bằng trực giác của người mẹ miền quê, sáng ra mẹ có thể kể như in về trận gió lớn đêm qua, mấy chiếc tàu cau rụng loạt xoạt trước ngõ, những trái xoài sau vườn cũng lịch bịch cả đêm. Mẹ biết khuya hôm trước khi nào có mưa, biết bầy mèo trong xóm vờn đuổi nhau trên mái ngói, biết láng giềng dậy sớm mở cổng đi thăm đồng. Những hôm tôi thức khuya mải mê đọc sách, thấy đèn phòng tôi vẫn sáng, mẹ thức dậy, ân cần: “Ngủ đi chứ con, khuya rồi!”.

Tôi nhớ những ngày đầu tiên xa mẹ, đêm về, tôi cứ trằn trọc không ngủ được. Đó là những ngày mùa đông tôi khăn gói lên thị trấn ôn thi. Anh chị tôi đều đi học ở phố, cha cũng bươn chải nơi đất khách, chỉ còn mẹ giữa bốn bề trống trải.

Chiều cuối tuần về thăm nhà, mới đến cánh cổng tre, tôi đã gọi vang: “Má ơi! Con về rồi!”. Mẹ từ sau nhà chạy ra, tôi vẫn nhớ vẹn nguyên ánh mắt ấm như mặt trời mùa đông chiều hôm ấy của mẹ. Mà đôi khi tôi vu vơ nghĩ đến lúc mình quá già, tuổi tác hoen mờ khóe mắt, trí nhớ như lớp mù sương mịt mùng. Giả sử tôi chỉ còn nhớ được một người trong cuộc đời dài rộng này, tôi sẽ còn nhớ ai?

Người ấy chắc chắn là mẹ.

Có gì bình yên hơn những đêm trăng gió mát, tôi thơ bé ngủ quên trên lưng mẹ, giữa đoạn đường từ nhà ngoại về. Ánh trăng loang loáng chảy vào giấc mơ tôi. Có gì sung sướng hơn khi được ngủ giữa miền quê ruột thịt, hồi tưởng những đêm hè thơ ấu mấy anh em quây quần bên mẹ, nghe mẹ thủ thỉ về lần đầu tiên cha mẹ gặp nhau.

Thuở ấy, cha ở xóm khác, được người già trong làng mai mối; ngày ra mắt, cha để dép trước nhà, khép nép cúi chào ông bà ngoại. Mẹ vẫn lụi cụi dưới bếp, ngại ngùng nhìn lên…Trong rất nhiều câu chuyện mẹ kể hằng đêm là chuyện thời chiến tranh cả nhà ngoại gánh gồng chạy giặc. Chuyện người làng nấp hầm, giả chết để trốn sự càn quét. Chuyện về ông tôi, cùng bài thơ lục bát ông viết để răn dạy cháu con. Chuyện của mẹ, của các cậu thời trẻ. Nhà chỉ có mẹ tôi là con gái…

Ngày ngày, tháng tháng trôi qua. Mấy anh em lớn lên, rời xa chiếc tổ quê nhà còn ấm hơi mẹ. Mỗi người trải qua những đêm dài nơi xứ khác, ấm áp và lạnh lẽo, hạnh phúc và đắng cay. Anh Hai tôi đã về với đất cát bao dung, giữa bạt ngàn núi rừng, gửi lại giấc mơ nơi hiên nhà có mẹ. Tất cả thuộc về anh, giờ nằm yên trong trái tim của mẹ…

Tôi đã đi qua bóng đêm ở nhiều phương trời. Mà có lẽ, chỉ khi bước giữa bóng đêm quê nhà, bàn chân mới thật sự thân thuộc, không chút ngập ngừng, hoài nghi. Và có lẽ chỉ khi ngủ giữa mảnh đất này, hòa mình giữa đậm đà quê kiểng, giấc mơ mới được trọn vẹn. Những giấc mơ trong veo, không vương chút phù phiếm cuộc đời.

TRẦN VĂN THIÊN

;
;
.
.
.
.
.