Rồi lòng cũng an yên

.

Tháng 8, người dân Đà Nẵng sống trong những ngày kỳ lạ, đường phố vắng vẻ, nhà nhà cửa đóng then cài. Khi thành phố căng mình chiến đấu với dịch bệnh như thế, tôi vẫn thấy mình có riêng một bầu không khí tình thương để hít thở mỗi ngày.

Đường phố Đà Nẵng sau 20 ngày tạm ngừng mọi hoạt động để phòng, chống Covid-19.  Ảnh: ĐỨC HOÀNG
Đường phố Đà Nẵng sau 20 ngày tạm ngừng mọi hoạt động để phòng, chống Covid-19. Ảnh: ĐỨC HOÀNG

Đại dịch Covid-19 làm đảo lộn cuộc sống, tác động đến tất cả mọi người. Trước thời điểm Đà Nẵng thực hiện Chỉ thị 05/CT-UBND của UBND thành phố ngày 31-7-2021 về thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống Covid-19, tôi may mắn được làm việc tại một quán cơm 2.000 đồng, phục vụ những suất cơm với giá hợp lý, chứ không phải là những suất cơm từ thiện. Từ đóng góp của các nhà hảo tâm, chúng tôi phục vụ bà con những suất cơm trưa và có cả trái cây tráng miệng. Trong những ngày dịch bệnh diễn biến căng thẳng, chúng tôi đổi sang phương án tặng cơm miễn phí, không thu tiền. Những thực khách của chúng tôi trước đây tự mua một suất cơm; giờ đây trong những ngày tặng cơm miễn phí, họ cứ cố gắng đẩy tờ 2.000 đồng về phía chúng tôi với sự khẩn khoản chân thành.

Hôm nọ, có một người đàn ông mang đến quán một túi bánh mì, nói rằng anh bỏ bánh mì nhưng vì đi trễ nên người ta không lấy, thế là anh mang đến quán để ai cần có thể lấy thêm. Nhìn người đàn ông gầy gầy với cái áo lấm lem, tôi định trả lại tiền bánh mì, nhưng chưa kịp nói gì thì anh lên xe đi mất. Sau đó, thỉnh thoảng anh lại tới, khi thì túi bánh mì, khi thì trái bí đao quê tươi xanh gửi tặng quán. Thông qua một người quen, tôi biết người đàn ông làm việc ở một xưởng bột gần đó. Có lần anh ghé quán của chúng tôi ăn trưa, lúc trả tiền mới biết đây là quán cơm 2.000 đồng. Vậy là anh vui lắm, thỉnh thoảng bỏ tiền túi mua bánh mì hoặc vật phẩm góp tặng quán. Có người nghe chuyện này sẽ thấy lạ, không hiểu sao gửi tặng quà mà phải nói dối rằng do bánh mì ế nên tặng. Song, sau một thời gian làm việc ở quán cơm, tôi nhận ra hình như người miền Trung hay… mắc cỡ khi thể hiện tình cảm. Lòng tốt có chủ ý, có sự góp nhặt chân thành, nhưng bản thân lại chỉ xem đó là tiện tay làm. Tôi đã gặp nhiều người như vậy ở quán cơm, lòng tốt của họ hiền lành, âm thầm, nhưng vững vàng xiết bao.

Người hàng xóm của quán cơm chúng tôi đã sửa lại căn nhà của ông thật đẹp. Ông lắp mái hiên, sắm sửa thêm một bộ ghế đá mới và đẹp. Sau đó, chúng tôi mới biết, ông mong muốn bà con ăn cơm xong có thể ghé đến ngồi nghỉ, thậm chí ngủ một giấc trưa dưới mái hiên mát mẻ. Ông không bao giờ ngại những chiếc xe lăn cũ mèm, hay chiếc xe ve chai lỉnh kỉnh giấy vụn làm xấu mặt tiền nhà. Khu phố ở quán cơm yên tĩnh và nhiều nhà sang trọng, nhưng trong mắt chúng tôi, điều đẹp nhất là những cảnh như thế. Họ cứ lặng lẽ làm những điều có thể, thương vô cùng!

Ở quán cơm 2.000 đồng, nếu phân biệt rõ ai là nhà hảo tâm, ai là người thụ hưởng thật khó, bởi cả những vị khách ghé đến dùng cơm cũng luôn sẵn lòng muốn được đóng góp. Cô đi thu mua ve chai buổi trưa đạp chiếc xe cọc cạch, hớn hở gửi tặng chúng tôi bộ sách giáo khoa cũ và vài đôi giày còn dùng được. Cô vừa thu mua được nhưng không mang bán lại cho vựa ve chai, vì cô tin bộ sách giáo khoa sẽ giúp em bé nào đó có sách để đến trường, và ai đó làm công việc giống cô có thể đi khắp nẻo đường với một đôi giày còn tốt…

Có cô bán vé số sau khi dùng cơm trưa đã tặng chúng tôi một tờ vé số. Cô nói ngày nào cô cũng thầm cầu mong quán… trúng số, để chúng tôi có thể hoạt động lâu dài. Chuyện được tặng vé số là chuyện thường ngày ở quán. Chú xe ôm có khi ế khách cũng ghé chùa cầu cho chúng tôi có sức khỏe và cũng không quên cầu cho quán… trúng số. Khi nghe những câu chuyện ấy, chúng tôi thực sự xúc động, bởi điều họ dành tặng không phải là một cơ may, mà là cả tấm lòng, niềm vui, và cả niềm hy vọng...

Tất cả những điều ấy, tôi không bao giờ dám gọi là tấm lòng của người Đà Nẵng. Bởi lẽ, ở thành phố biển này, nếu ghé một hàng quán nào đó cũng có thể nghe cô bán hàng nói tiếng Huế; ghé ăn bánh canh hẻm Thanh Bồ Đức Lợi, lại nghe giọng Quảng Trị. Những cô vé số tôi gặp hầu như đều ở vùng quê nghèo Quảng Nam, Quảng Ngãi… Đất Đà Nẵng đủ người từ khúc ruột miền Trung, và tôi thấy những tấm lòng dễ thương ấy cũng đến từ muôn phương.

Tôi đã có nhiều năm đi học, đi làm xa nhà, gặp bạn bè khắp nơi, họ luôn khen Đà Nẵng đẹp, văn minh và trong lành. Mỗi lần vậy, tôi chỉ cười, thấy… bình thường, chắc tại tôi được sinh ra rồi hồn nhiên lớn lên ở đây. Nhưng trong những ngày Covid-19 bùng phát trở lại, buổi chiều khi tôi chạy xe về nhà, có đôi người đi bộ, vài ba người ngồi dưới những tán cây dương lao xao trên đường biển, tôi thấy biển sao mà xanh và thương ghê. Rồi nếu phóng mắt đến cuối đường, sẽ thấy núi cứ tĩnh lặng ở đó. Có khi có mây lãng đãng trôi ở đầu ngọn. Có khi có ánh mặt trời chiều hắt sắc đỏ tím đến đầu núi. Có khi có vùng mây kéo đến xấu trời. Mỗi chiều mỗi cảnh, nhưng trong tất cả những buổi chiều ấy, tôi biết mình may mắn vì còn có thể hít vào và thở ra trước bầu không khí của một “Đà Nẵng tình người”, ấm áp và thân thương!

Từ ngày 16-8-2021, người dân Đà Nẵng sống trong những ngày kỳ lạ, đường phố vắng vẻ, nhà nhà cửa đóng then cài. Mọi liên lạc với bên ngoài như việc mua thuốc men, đổi gas, mua thực phẩm, nhận giấy báo đi xét nghiệm SARS-CoV-2… đều phải qua tổ trưởng tổ dân phố. Nhưng tôi tin rằng, những băn khoăn, lo lắng, xáo trộn sẽ qua mau, rồi lòng cũng an yên trở lại, như sự thanh bình, hiền hòa, dễ chịu của đất và người ở thành phố này.

KHÁNH

 

;
;
.
.
.
.
.