Chở thầy...

.

Tôi may mắn khi lập gia đình thì được an cư lập nghiệp gần nhà mẹ, nên thỉnh thoảng thấy nhớ là về. Đường về nhà mẹ chính là con đường tới trường của tôi thời thơ bé. Con đường đã được mở rộng, được bê-tông hóa, nhà cửa hai bên cũng đông đúc hơn xưa. Mỗi lần đi trên con đường ấy, cảm xúc của tôi lại trở về nguyên vẹn cái tuổi lên mười.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Trước mắt tôi hiện ra hình ảnh đứa bé đen nhẻm, tay xách túi cước, đội mũ nan sải những bước chân dài trên con đường gồ ghề đá sỏi. Hai bên đường là dãy đồi đan xen nối tiếp nhau. Đồi rậm rịt toàn là tế, mua, sim. Thỉnh thoảng một chú chim cuốc lủi nào đó từ bụi rậm chạy vọt ra. Những đàn bướm rập rờn bay lượn bên triền hoa mua tím ngắt. Nhà cách trường khoảng năm cây số, đủ để mỏi nhừ hai bàn chân bé nhỏ. Tôi không dám la cà hái hoa bắt bướm vì sợ về nhà muộn nên hôm nào cũng đi như chạy. Những cánh chuồn bay theo, có khi đậu cả trên vành mũ. Ngày ấy, làng quê nghèo lắm. Bố mẹ vất vả mưu sinh, nên không đứa trẻ nào được đưa đón đến trường. Ban đầu, bạn bè đi thành nhóm với nhau, nhưng nhà tôi xa nhất nên tôi thường hay lủi thủi một mình. Nhưng hôm nào cũng vậy, chỉ cần nghe tiếng xích xe kêu phía sau thì tôi biết thầy đang đi đến. Thầy phanh xe lại bảo: “Lên thầy đèo”. Tôi ngoan ngoãn ngồi sau xe thầy, lọc cọc…

Đường từ trường về nhà có nhiều dốc cao, phải xuống xe dắt đổ mồ hôi. Có những con dốc dựng đứng, tre hai bên đường ngả xuống cũng không che hết được cái nắng oi ả của ngày hè. Tiếng ve kêu inh ỏi cùng cơn đói cồn cào như muốn ghì bàn chân tôi xuống. Thầy thường bảo: “Cố lên em. Sắp về đến nhà rồi”. Nhà thầy gần hơn, ngay trên đỉnh dốc ông Thông. Nhưng thầy luôn đèo tôi về tận nhà rồi mới vội vã quay xe. Tôi hay đứng ở cổng, dưới gốc cây đào già nhìn theo bóng dáng thầy.

Mới đó mà đã hơn 20 năm trôi qua, quê hương tôi đã đổi khác quá nhiều. Tôi lớn lên đi học xa nhà, thỉnh thoảng bạn bè xưa rủ nhau họp lớp cấp 2, cấp 3. Người thầy của tôi năm ấy nghỉ hưu đã lâu rồi. Cũng chẳng nhớ lần gần nhất tôi gặp thầy là khi nào nữa. Thỉnh thoảng đi qua thấy nhà thầy khóa cửa. Mẹ tôi nói thầy về phố đã lâu, căn nhà nhờ hàng xóm trông coi quét dọn.

Hôm qua, trên đường về nhà mẹ, tôi bất ngờ được gặp lại thầy. Thầy từ sân ga đi ra, tay xách nách mang một đống đồ lỉnh kỉnh. Chắc không có ai đón nên thầy đứng bên đường mắt nhìn tấm biển “Xe ôm” treo gần đó. Tôi dừng lại chào thầy, chợt thấy mình bé bỏng như cô học trò nhỏ năm nào. “Để em đèo thầy về”, tôi đỡ từ tay thầy đống đồ đạc còn đượm mùi phố xá. Xe chầm chậm trôi trên con đường năm xưa. Thầy ngồi phía sau nhắc đoạn này ngày xưa trồng nhiều cọ; đoạn này lúc ấy không một bóng nhà; đoạn này lổn nhổn toàn ổ voi, ổ gà, xe thầy thường tuột xích. Thầy hỏi tôi lấy chồng ở đâu, đã có mấy đứa con, hai năm nay dịch bệnh khó khăn cuộc sống có ảnh hưởng nhiều không... Qua bao nhiêu năm tháng thăng trầm, thầy vẫn vậy, vẫn ân cần và ấm áp.

Đường quê được làm lại nhiều lần nên những con dốc đã bớt cao hơn. Tôi chở thầy bằng xe máy nhẹ tênh, không như thời thầy gò lưng đạp xe đèo trò lên dốc. Tôi nhớ lưng áo thầy từng ướt đẫm mồ hôi trong những buổi trưa hè. Tôi nhớ tiếng lọc cọc của xích xe khô dầu. Nhớ cái nắng tháng năm, cơn mưa tháng mười dưới bầu trời thầy trò tôi đã đi qua. Tôi tự hỏi biết bao người trong số chúng ta còn giữ được thói quen thăm hỏi thầy cô giáo của mình, những người thầy dạy ta tuổi ấu thơ, xây những viên gạch nền trên chặng đường tri thức…

VŨ THỊ HUYỀN TRANG

;
;
.
.
.
.
.