ĐẦU TƯ CHO VĂN HÓA

Chuyện nhà văn hóa thôn

.

Đến các nhà văn hóa thôn để tìm hiểu về đầu tư cho văn hóa ở nông thôn và những hoạt động văn hóa cộng đồng trở lại sau dịch bệnh, nhưng rồi điều đọng lại trong tôi trên suốt chặng đường về vẫn là câu hỏi cũ lúc xuất phát: Điều gì đã tạo nên sức sống bền bỉ của các nhà văn hóa thôn?

Ông Nguyễn Văn Chỉnh và bà Lê Thị Châu đang chuẩn bị một số hoạt động cho Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại Nhà văn hóa thôn Dương Sơn, xã Hòa Tiến. Ảnh: T.H
Ông Nguyễn Văn Chỉnh và bà Lê Thị Châu đang chuẩn bị một số hoạt động cho Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại Nhà văn hóa thôn Dương Sơn, xã Hòa Tiến. Ảnh: T.H

Đến các nhà văn hóa thôn để tìm hiểu về đầu tư cho văn hóa ở nông thôn và những hoạt động văn hóa cộng đồng trở lại sau dịch bệnh, nhưng rồi điều đọng lại trong tôi trên suốt chặng đường về vẫn là câu hỏi cũ lúc xuất phát: Điều gì đã tạo nên sức sống bền bỉ của các nhà văn hóa thôn?

Nhưng lần này, tôi đã có thể tự lý giải: Đó là bởi những tình cảm thân thương ruột thịt khó diễn tả thành lời của những con người nơi đây, nhất là những người được tin tưởng giao nhiệm vụ quản lý các nhà văn hóa thôn này.

Mỗi bác trưởng, phó thôn; mỗi cô, chú bí thư, phó bí thư chi bộ, trưởng ban công tác Mặt trận; mỗi cụ cao tuổi đều tự nhận thấy việc nhà văn hóa thôn ngày một sạch đẹp, vững chắc, tiện nghi để bà con đến sinh hoạt thuận lợi, đông đủ không đơn thuần là công việc hay trách nhiệm, mà đó còn là sự nhiệt tình tự nhiên với mảnh đất từ thuở lọt lòng. Chỉ ngồi nghe các cô bác nói về những công việc thường nhật ở nhà văn hóa thôn cũng cảm thấy như chính mình được lan tỏa một niềm thương dung dị với “ngôi nhà chung” này.

1. Đường vào Nhà văn hóa thôn Dương Sơn, xã Hòa Tiến những ngày này cờ, phướn đỏ rực, thẳng tắp hai hàng mặc những cơn mưa trút tầm tã. Dù qua mấy ngày thời tiết bất lợi nhưng từ trước ra sau khuôn viên nhà văn hóa thôn, những bồn cây bao quanh vẫn tươi xanh, ngay hàng thẳng lối, không vương vãi một chút lá cành.

Trước hiên nhà văn hóa, ông Nguyễn Văn Chỉnh (SN 1957), Phó trưởng thôn tỉ mẩn ngồi trang trí bảng hiệu cho Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc (18-11). Ông Chỉnh cho biết, những năm trước khi có Covid-19, Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc diễn ra rất sôi nổi. Thôn còn tổ chức mâm cơm để bà con tụ hội về nhà văn hóa ăn chung vui vầy, nhưng năm nay vì tình hình dịch bệnh, ngày hội chỉ gói gọn phần lễ với sự góp mặt của đại diện hộ gia đình và trao quà hỗ trợ các hộ nghèo trong thôn. Nói rồi, ông Chỉnh tranh thủ lúi húi cắt cắt, dán dán dù như ông nói, hoạt động năm nay nhỏ gọn, giản đơn.

Mặc áo mưa chạy xe máy ghé đến cách đó ít lâu, bà Lê Thị Châu (SN 1954), Trưởng ban công tác Mặt trận thôn nhanh nhẹn cùng ông Chỉnh bàn một số phần việc sắp đến. Bà Châu vui vẻ tiếp lời: Mỗi ngày, những cô chú trong Ban nhân dân thôn (Ban nhân dân hiện nay gồm trưởng và 1 phó thôn) và các hội, đoàn thể không biết tổng cộng mấy bận ghé nhà văn hóa, lúc làm việc này, lúc có chuyện nọ.

Đặc biệt, hễ ai thấy việc là xắn tay vào làm, không phân biệt riêng chung, như lau chùi bàn ghế, quét dọn từng ngóc ngách trong hội trường. Đúng như bà Châu chia sẻ, không phải là nhà văn hóa vừa được đầu tư xây mới hàng tỷ đồng như một số nơi, nhưng đến đây không hề thấy sự cũ kỹ, xuống cấp, từng vật dụng cũng tươm tất bởi được lau dọn thường xuyên.

Từ khi thành phố cho phép các hoạt động cộng đồng được trở lại trạng thái “bình thường mới” đến nay, Nhà văn hóa thôn Dương Sơn luôn tấp nập sinh hoạt của người dân khắp thôn này. Sáng sớm, sân nhà văn hóa là địa điểm tập dưỡng sinh của các cụ cao tuổi. Tập xong, chính tay các cụ làm vệ sinh từng gốc cây, bụi cỏ nên lúc nào cảnh quan xung quanh cũng gọn gàng. Chiều tối, những chiếc xích đu, bập bênh, dụng cụ thể dục ngoài trời là chỗ cho trẻ nhỏ, người lớn vui chơi, thư giãn. Thời gian còn lại, nơi đây trở thành điểm khám bệnh, phát thuốc, chỗ sinh hoạt của các hội, đoàn thể từ chi bộ, Hội Cựu chiến binh, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên và các hội họp khác của bà con...

Lướt nhìn khắp nhà văn hóa thôn, ông Chỉnh và bà Châu không giấu niềm tự hào qua ánh mắt khi nơi này được khang trang dần theo năm tháng và chính họ chợt ngỡ ngàng nhớ ra nhà văn hóa đã được xây dựng cách đây 18 năm. Ông Chỉnh có 12 năm làm công tác thôn, bà Châu thì hơn nhiều khi kinh qua hầu hết các nhiệm vụ từ công tác phụ nữ, đến Trưởng thôn và công tác Mặt trận… Có thể nói, những người được bà con tin tưởng giao nhiệm vụ quản lý nhà văn hóa thôn đã trải qua quá trình rất dài ở nơi đây như thể nhà văn hóa là mái ấm thứ hai quá thân thuộc của chính họ.

Bà Châu vừa thành thật, vừa hóm hỉnh chia sẻ: “Từ hồi mới xây dựng nhà văn hóa, toàn thôn chỉ có 160 hộ thường trú, nay đã tăng gấp 3, chưa kể hộ tạm trú ngày một nhiều nên khi bà con đến đông đủ, sân nhà văn hóa không còn chỗ sinh hoạt thoải mái. Tôi mà trúng vé số, việc đầu tiên là bỏ ngay tiền túi cơi nới cho không gian xung quanh rộng rãi hơn để bà con vô tư tụ hội”.

2. Không chỉ ngày bình thường hoặc bình thường mới, nhà văn hóa thôn mới rộn ràng. Kể cả lúc thành phố tạm dừng các hoạt động vì dịch bệnh phức tạp, nhà văn hóa các thôn cũng tất bật hơn bao giờ hết, bởi đó là nơi thực hiện truy vết nhanh, xét nghiệm, sàng lọc cộng đồng, tiếp nhận quà tặng, cung cấp lương thực, điểm tập trung xử lý mọi thông tin, nơi làm việc 24/24 giờ để bà con có việc cần thiết dù ngày hay đêm cũng có nơi liên hệ.

Ghé Nhà văn hóa thôn Phong Nam, xã Hòa Châu một sáng đầu tuần này, hình ảnh từ xa dễ nhận thấy là sân nhà văn hóa phủ những tấm bạt cỡ lớn, rực rỡ màu sắc để người dân đến làm căn cước công dân có chỗ giãn cách ngồi chờ và đậu xe đỡ mưa gió. Hôm nay, Trưởng thôn Ngô Văn Xí (57 tuổi) cũng xin phép được “nghỉ” một, hai hôm lo việc riêng sau tròn… 56 ngày liên tục ông ăn ở ngay tại nhà văn hóa thôn để phục vụ công tác phòng, chống dịch dù nhà rất gần đó. Lấm lem xi-măng, đất cát từ đầu đến chân vì đang dở tay tu sửa nhà cửa chuẩn bị tổ chức cưới hỏi cho con, thấy có người đến tìm hiểu hoạt động của thôn, ông Xí lập tức dừng việc, ngồi sụp xuống đất chia sẻ vanh vách những thắc mắc liên quan đến thôn mình và nhà văn hóa.

Điều vui mừng nhất ông Xí muốn nói ngay là năm nào xã cũng rất quan tâm phân bổ ngân sách vài triệu đồng để gia cố nhà văn hóa trước mùa mưa bão. Số tiền khiêm tốn nhưng luôn kịp thời, nên dù là một trong những nhà văn hóa lâu đời nhất huyện được xây dựng từ lúc Quảng Nam - Đà Nẵng mới chia tách tỉnh nhưng nơi này vẫn trụ vững qua bao mùa.

Đặc biệt, đầu năm 2020, Nhà văn hóa thôn Phong Nam được hỗ trợ hơn 150 triệu đồng để sửa chữa lớn từ chống thấm đến đầu tư hệ thống điện đèn. Nhờ đó, chẳng hạn như đợt làm căn cước công dân lần này, Nhà văn hóa thôn Phong Nam còn là địa điểm tổ chức của một số thôn lân cận. “Sướng nhất là nhà văn hóa cũng là nơi đầu tiên của toàn thôn có internet và trang bị máy tính để bà con đến truy cập thông tin”, ông Xí phấn khởi chia sẻ. Như đang nhìn thấy từng khoảng sân của nhà văn hóa hiển hiện sinh động, ông Xí chỉ tay về phía trước mô tả những hàng cây vừa trồng mới và được tưới tắm cẩn thận mỗi ngày bởi nhiều người, chứ không chỉ riêng ông.

“Tham quan nhà văn hóa thôn nhớ xem luôn… nhà vệ sinh nghe, để thấy chúng tôi chăm chút sạch sẽ như thế nào”, ông Xí thiệt thà căn dặn, rồi nói: “Nhà văn hóa có khi sạch hơn nhà tôi. Xong việc của nhà văn hóa mới yên tâm làm việc riêng của mình”.

Nhớ lại những ngày “3 tại chỗ” để tham gia chống dịch, ông Ngô Văn Xí kể: Hiện giờ phòng, chống dịch vẫn là nhiệm vụ quan trọng nhưng không căng như những ngày qua. Đợt dịch trước, ông ở lại nhà văn hóa 1 tháng. Riêng đợt dịch mới đây, thời gian “3 tại chỗ” kéo dài liên tục 2 tháng (từ ngày 31-8) nhưng ông Xí chỉ cần làng xã bình yên thì có cực mấy cũng không mệt.

“Ban Phòng, chống dịch thôn gồm Bí thư Chi bộ, 2 dân quân và tôi tự bỏ tiền ăn uống cá nhân trong chừng đó ngày, chỉ điện nước là được lo thôi, nhưng mình tự nguyện mà, chúng tôi không muốn làm phiền gì đến sự đóng góp của bà con cả”, ông Xí chia sẻ. Thời điểm đó, “trụ sở” của Ban Phòng, chống dịch đóng ở nhà văn hóa thôn làm việc không ngưng nghỉ, kể cả tham gia truy vết lúc 2 giờ sáng.

Hiện nay, một trong những nhiệm vụ phòng dịch của trưởng thôn là quản lý, kiểm soát hoạt động đi lại của người ở xa về địa phương. Riêng khoản này ông Xí khá tự tin: “Thôn Phong Nam có hơn 800 hộ gồm thường trú và tạm trú (hơn 2.600 nhân khẩu) nhưng việc của nhà nào cũng khó qua sự giám sát của chúng tôi bởi mình sinh ra, lớn lên ở làng quê này, rồi bao năm làm công tác địa phương. Cũng vì quá biết nhau nên bà con có người ở xa về chưa đến nơi đã lo chủ động báo trước “chú ơi nhà con sắp có người về nhé””…

3. Sẽ không đủ nếu nói nhà văn hóa thôn là một trụ sở, địa điểm công cộng, hay theo từ ngữ chuyên môn là một thiết chế văn hóa, bởi nếu chỉ vậy, đây chẳng khác nào một hội trường chung để bà con nhân dân có việc cần đến để sinh hoạt cộng đồng. Nhà văn hóa thôn thực sự có nhiều hơn như vậy khi ở đó luôn ấm nồng sự nhiệt tình gắn kết rất đỗi tự nhiên, thứ tình cảm bình dị nhưng thật khó tự tạo trong cuộc sống quá nhiều đổi thay của kẻ lạ, người xa ở mỗi xóm làng, khu phố thời đô thị hóa mạnh mẽ.

118 nhà văn hóa thôn trên toàn huyện Hòa Vang như chất chứa từng câu chuyện rất riêng về làng xã mình. Thật thú vị và đáng trân trọng khi ở một thành phố được đánh giá hiện đại, trẻ trung, phát triển nhanh như Đà Nẵng vẫn giữ được hồn cốt văn hóa mộc mạc thân thương mà từng thôn làng đang góp công gìn giữ qua câu chuyện nhà văn hóa của chính họ…

THU HOA

;
;
.
.
.
.
.
Liên kết hữu ích