Tấm lòng người thầy

.

Chúng ta từng biết đến câu chuyện về nhà triết học Hy Lạp Diogenes thắp đèn giữa ban ngày để tìm con người: Một hôm, Diogenes đi qua những con phố ở Athens mang theo một cái lồng đèn thắp sáng. Người ta hỏi ông mang theo cái lồng đèn để làm gì. Câu trả lời của ông là: “Tôi đang đi tìm một con người”. Hành động đó thể hiện khao khát cháy bỏng, mãnh liệt của Diogenes về khả năng có thể phát hiện và nhìn thấu được bản chất của con người trong cuộc đời - con người đích thực, con người đúng nghĩa.

Trong thực tế cuộc sống, để hình thành nên một con người đích thực đúng như khát vọng của Diogenes, không ai đủ sức mạnh bằng người thầy. Hành trình đi tìm con người của giáo dục luôn trải đầy chông gai, thử thách. Khát vọng chân chính của người thầy trên hành trình kiếm tìm ấy và cũng là sứ mệnh, thiên chức của giáo dục muôn đời là khám phá, khơi dậy, khẳng định và tôn vinh những gì thuộc về bản chất người, tạo nên những con người có ích cho xã hội.

Từ xa xưa, với truyền thống “Tôn sư trọng đạo”, vị trí của người thầy luôn được đề cao. Trong 3 vị trí đặc biệt quan trọng của xã hội phong kiến: “Quân - Sư - Phụ”, thì “Thầy” chỉ đứng sau “Vua” và trên cả “Cha mẹ”. Vai trò của người thầy còn được khẳng định qua ca dao, tục ngữ: “Không thầy đố mày làm nên”, “Một chữ cũng là thầy, nửa chữ cũng là thầy”, “Muốn sang phải bắt cầu kiều. Muốn con hay chữ phải yêu lấy thầy”... Trải qua hàng ngàn năm lịch sử, người thầy vẫn luôn được xã hội đặc biệt coi trọng và tôn vinh.

Giữa thời đại công nghệ số, giữa đại dịch Covid-19, khi học sinh không thể đến trường, liệu rằng vai trò của người thầy có còn nguyên giá trị?! Đại dịch kéo dài hai năm chính là thách thức, cũng là cơ hội để người thầy khẳng định vai trò của giáo dục trong mọi hoàn cảnh. Học sinh dừng đến trường không đồng nghĩa ngừng việc học. Những tiết dạy trực tuyến vẫn sôi nổi, hứng thú với những slide sinh động, những trò chơi hấp dẫn, những hoạt động bổ ích…

Người thầy vẫn miệt mài tự học, tự nghiên cứu để có thể sử dụng nhiều hơn các ứng dụng, phần mềm hỗ trợ cho tiết dạy. Những giờ học trực tuyến đâu chỉ giúp học sinh duy trì thói quen học tập mà còn rèn luyện tính tự giác, khả năng hợp tác, năng lực tự thể hiện bản thân… Thầy và trò kết nối qua màn hình máy tính, điện thoại, nhưng khoảng cách về không gian đã xóa nhòa khi những lời động viên, thăm hỏi, dặn dò vẫn ăm ắp yêu thương. Từng ngăn kéo ký ức thời học sinh lại đầy dần lên mỗi ngày bởi bao gửi trao, nhắn nhủ vẫn nồng nàn trong từng con chữ.

Ở miền cao, hành trình gieo chữ càng gian nan gấp bội. Đó là câu chuyện về “người gieo chữ kiên cường ở vùng đất bị lãng quên” - thầy Hò Văn Lợi ở xã Pờ Chừ Lủng, huyện Yên Minh, tỉnh Hà Giang. Còn đó câu chuyện về thầy giáo đáng kính Lê Viết Minh, người đã tận tụy gần 30 năm gắn bó dạy con chữ ở vùng cao heo hút thôn Mã Liềng, xã Lâm Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình. Và chúng ta cũng sẽ thật ngạc nhiên khi biết đến câu chuyện về những người thầy đặc biệt - thầy giáo mầm non ở nẻo cao - thầy Lê Công Nguyên đã có hơn 19 năm gắn bó với nghề tại điểm trường thôn Thanh Bình, xã Hợp Hòa, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang và thầy Quách Văn Dũng ở Trường Mầm non Thiện Kế, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang cũng có 17 năm gắn bó với nghề. Tất cả những người thầy ấy sẽ không thể chiến thắng được cái rét buốt, hoang vu, khốn khó nơi rẻo cao nếu không có tấm lòng mến trẻ, yêu nghề cháy bỏng.

Nhà thơ Ireland William Butler Yeats từng khẳng định: “Dạy học không phải là làm đầy một thùng nước mà là thắp sáng một ngọn lửa”. Người thầy không đơn giản chỉ cung cấp kiến thức, rao giảng những con số, câu văn mà quan trọng hơn là khơi dậy đam mê, kích thích trí thông minh, sáng tạo của người học, giúp các em tìm được con người đích thực của mình. Để làm được điều đó, điều kiện quyết định chính là tâm huyết, lòng yêu nghề bởi “Không thể trồng cây ở những nơi thiếu ánh sáng, cũng không thể nuôi dạy trẻ với chút ít nhiệt tình” (Carl Gustav Jung).

Ngoài kia, nắng đã nhạt màu, phai phôi nhường chỗ cho rét mướt về.

Ngoài kia, nhịp sống vẫn diễn ra hối hả.

Trong này, góc bàn cũ, đèn vẫn nhạt vàng ấm áp từng con chữ.

Trong này, ánh mắt người vẫn cười trong đong đầy thương nhớ.

Tháng 11, yêu thương đã về!

Tháng 11, để thương, để nhớ, để tri ân…

THIÊN DI

;
;
.
.
.
.
.