Đà Nẵng cuối tuần
Anh thợ hớt tóc và viên đại tá Pháp
Một quan chức Pháp bước vào tiệm, biết anh thợ hớt tóc nói được tiếng Pháp nên vui vẻ bắt chuyện và rất hài lòng bởi cách ăn nói rất điệu nghệ của anh. Một thời gian khá lâu không thấy khách quen tới quán, một hôm anh thợ nhận được mảnh giấy ghi: “Tới phòng 28 khách sạn Des Nations hớt, cạo cho tôi”. Ký tên Hans Imfeld.
Ông Võ Hồng Tâm (ảnh trái) và ngôi nhà ông từng lớn lên ở xã Điện Thắng Nam, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Ảnh: H.S |
Anh thợ mang cặp da đựng đồ nghề tới chỗ hẹn thì có người đợi sẵn đưa anh lên lầu. Mười phút sau, Đại tá Imfeld lên, cởi áo cho anh cắt tóc và bắt đầu nói chuyện.
Sau chuyến hớt tóc đó, anh được Đại tá Imfeld tín nhiệm, hẹn lần sau sẽ cho người mời anh về đây để hớt tóc cho ông ta.
Anh tên thật là Võ Hồng Tâm (SN 1928), con đầu một gia đình họ Võ làng Thanh Tú, nay thuộc xã Điện Thắng Nam, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Sớm giác ngộ cách mạng, từ năm 1940, anh được cơ sở và gia đình cho vào Sài Gòn học tại trường Nguyễn Văn Khuê, gần chợ Cầu Ông Lãnh và ở trọ nhà số 402, đường Nguyễn Công Trứ. Ngoài việc học chữ, anh còn học thành thạo nghề hớt tóc, sau đó được giới thiệu làm việc cho tiệm hớt tóc Hương Sơn ở số 20 đường Tôn Thất Thiệp.
Trong những ngày khởi nghĩa giành chính quyền vào tháng 8-1945, anh gia nhập Đoàn Thanh niên Cứu quốc Sài Gòn - Gia Định, sau làm tình báo Quân khu 7. Tháng 11-1945, anh được đào tạo quân sự rồi đưa về đơn vị Tự vệ nội thành.
Sau khi gặp Đại tá Hans Imfeld ở khách sạn, anh báo cáo với chỉ huy là ông Chín Dụng, người thường cải trang đạp xích-lô rằng, Đại tá Hans Imfeld tuy là Ủy viên Cộng hòa Pháp ở Lào nhưng thực chất là tình báo cao cấp của Mỹ OSS - tiền thân của CIA (Cơ quan Trung ương Tình báo Mỹ). Qua trò chuyện, y còn kể y đã từng tham gia các cuộc đánh lớn ở Việt Bắc và đang dự thảo kế hoạch tấn công căn cứ Đồng Tháp Mười để tiêu diệt lực lượng kháng chiến Nam bộ.
Được tin, tổ chức giao cho anh nhiệm vụ trừ khử Đại tá Hans Imfeld. Anh nghĩ ra nhiều phương án để hạ đối phương nhưng thấy đều không khả thi. Cuối cùng, anh nghĩ dùng cái nghề của mình để tác chiến, vừa gọn, vừa không gây tiếng động.
Đúng hẹn, 17 giờ ngày 1-7-1947, anh xách đồ nghề vào khách sạn Des Nations, trong đó giấu một con dao nhỏ (loại dao mấy bà già ăn trầu thường dùng) được mài bén như dao cạo và mua thêm mấy trái ổi xá lị. Imfeld đang ngồi chăm chú đọc báo. Anh rút dao gọt ổi mời y ăn rồi bất ngờ đâm vào bụng y. Bị trọng thương nhưng y vẫn cố ôm để vật anh xuống. Khi y ngã gục, anh nhanh trí ném con dao xuống đường, lấy con dao inox mà Imfeld thường dùng rọc giấy để trên bàn tự đâm vào lưng mình. Xong, anh đâm tiếp vào bụng hắn, tạo hiện trường ra vẻ hai bên gây gổ rồi đấm đá nhau, Imfeld dùng dao dọc giấy tấn công trước và anh phải tự vệ.
Nghe tiếng kêu trong phòng, cận vệ liền báo động. Vài phút sau, cảnh sát đạp cửa xông vào phòng. Hãi hùng khi thấy viên đại tá nằm bất động, chúng lôi anh ra xe đưa về bót Catinat ở gần đó.
Đòn tấn công táo bạo này khiến người Pháp đau đầu, mất khá nhiều thời gian để điều tra. Viên thẩm vấn thét lên: “Mày là thủ phạm giết ngài Imfeld! Ai chỉ huy mày?”. Anh vẫn giữ nguyên lời khai ban đầu: “Tôi làm không vừa lòng, đại tá nổi nóng chửi đánh tôi, buộc tôi phải tự vệ nên chụp con dao rọc giấy đâm ông ta”. “Mày khai láo, pháp y đã xác nhận vết đâm đó không phải là dao rọc giấy mà phải là con dao bén ngót mới gây chết người được”.
Đám thẩm vấn cũng hồ nghi, Imfeld to cao, anh thợ hớt tóc nhỏ thó thì làm sao có thể sát hại y dễ dàng như thế? Để trấn án dư luận, ngay đêm hôm đó, bọn Pháp đưa một tù nhân ra giết tại Phú Lâm rồi loan tin đã xử tội hung thủ giết Ủy viên Cộng hòa Pháp. Tin này làm các đồng chí trong Ban công tác thành lo lắng, vì nếu đúng thế thì Võ Hồng Tâm đã bị chúng thủ tiêu nên nhanh chóng đưa tin trên báo kháng chiến là “Võ Hồng Tâm đội viên tự vệ thành đã hoàn thành sứ mạng”.
Nắm được tin này, bọn mật thám trưng tờ báo kháng chiến có dòng tuyên dương công trạng anh ra trước mặt anh. Anh đành miễn cưỡng nhận mình là tự vệ thành Sài Gòn nhưng kiên quyết không khai thêm tổ chức và đồng đội: “Tôi lấy cái chết để đánh cược trong việc trừ gian diệt ác, là sự trả giá cao nhất nên các ông có tiếp tục tra khảo thì cũng thất bại lần nữa thôi”.
Chúng khép hồ sơ và quyết định đưa Võ Hồng Tâm ra tòa. Có tới 5 luật sư bào chữa cho anh nhưng anh khẳng khái tuyên bố: “Tôi có thể tự bào chữa…”. Tòa án thực dân đã tuyên bố tử hình Võ Hồng Tâm. Sau lần xử phúc thẩm, do áp lực của kháng chiến và theo giấy khai sinh trong hồ sơ thì anh sinh năm 1931, mới 16 tuổi, nên chúng phải hạ mức án xuống 20 năm tù khổ sai và đày anh ra Côn Đảo.
Sau Hiệp định Genève (tháng 7-1954), Võ Hồng Tâm được trao trả về miền Bắc, tiếp tục học tập và công tác qua nhiều cơ quan đơn vị. Sau năm 1975, ông về lại Sài Gòn, làm Hiệu trưởng Trường Công Đoàn Trung ương 2 rồi nghỉ hưu và qua đời vào năm 1996 tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Câu chuyện trên được ghi lại từ “Vài nét về gia đình họ Võ làng Thanh Tú”, cuốn sách được ông Võ Hồng Tâm chấp bút và tặng người viết khi người viết còn công tác ở UBND xã Điện Thắng (cũ); đồng thời tổng hợp từ các nguồn báo chí đăng tải (Báo Quân đội nhân dân ngày 2-12-2016, Báo Quảng Nam ngày 28-5-2018). Trong đó, bài viết “Đất và người Thanh Tú” đăng trên Báo Quảng Nam cho biết Võ Hồng Tâm là con trai đầu của của một gia đình cách mạng trung kiên, đó là gia đình ông Võ Tâm và nhận định: “Võ Hồng Tâm là người tiễu trừ Đại tá Imfeld gây chấn động báo chí Sài Gòn lúc bấy giờ. Sau khi hạ sát được Đại tá Imfeld, anh Tâm bị địch bắt, sau đó chúng đưa đi tra tấn nhiều nơi nhưng anh vẫn giữ vững khí tiết trung kiên của người chiến sĩ cách mạng”.
HÀ SÁU