"Bà đỡ" của "bộ ba Duy Tân đất Quảng"

.

Là một trong 17 vị Đốc học Quảng Nam dưới triều Nguyễn, ông Trần Đình Phong không chỉ có công đào tạo cho đất Quảng nhiều nhân tài xuất chúng mà còn là một nhà giáo giàu nghĩa khí.

Nhà thờ Đốc học Trần Đình Phong ở xã Mã Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An. (Ảnh tư liệu)
Nhà thờ Đốc học Trần Đình Phong ở xã Mã Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An. (Ảnh tư liệu)

Vị đốc học “mát tay”

Trần Đình Phong, hiệu Mã Sơn, người thôn Yên Mã, xã Thanh Khê, tổng Thái Trạch, huyện Yên Thành, phủ Diễn Châu, tỉnh Nghệ An (nay là xã Mã Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An). Thuở nhỏ ông có tài văn chương, giỏi ứng xử đối đáp và có đạo đức nên được thầy yêu bạn mến. Năm Kỷ Mão (1879), ông thi đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân, cùng khoa với Nguyễn Duy Hiệu (Quảng Nam), được bổ làm Tri phủ huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa).

Đến năm Quý Tỵ (1893), Trần Đình Phong được bổ nhiệm chức Đốc học Quảng Nam. Trong 12 năm (1893 - 1905) giữ cương vị đốc học thứ 14 của đất Quảng, ông đã đem hết nhiệt huyết và tài năng để chỉnh đốn lại trường ốc, sắp xếp đội ngũ thầy giáo và tuyển chọn các học sinh xuất sắc. Ông được người đương thời xem là vị đốc học “mát tay”. Dưới sự điều hành và dạy dỗ của ông, từ khoa thi Giáp Ngọ (1894) đến khoa thi Quý Mão (1903), đất Quảng có đến 42 cử nhân, 5 tiến sĩ và 6 phó bảng. Sĩ tử Quảng Nam còn tạo nên thương hiệu “Đất học Quảng Nam” với những kỳ tích đỗ đạt nổi tiếng cả nước: “Ngũ phụng tề phi”, “Tứ kiệt”, “Tứ hổ”...

Cấp lương cho học trò nghèo

“Bộ ba Duy Tân đất Quảng” là cách gọi trân trọng của người đời sau đối với Phan Châu Trinh, Trần Quý Cáp, Huỳnh Thúc Kháng - 3 trong số 6 học trò lỗi lạc của Đốc học Mã Sơn. Và cả ba đều được vị đốc học người Nghệ An này hết lòng cưu mang, bảo bọc khi họ cùng học tại trường Đốc Thanh Chiêm (tức trường tỉnh Quảng Nam) đóng tại làng Thanh Chiêm, huyện Diên Phước, phủ Điện Bàn; nay thuộc xã Điện Phương, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam.

Chí sĩ Huỳnh Thúc Kháng quê ở làng Thạnh Bình, tổng Tiên Giang thượng, nay là xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam. Trong 4 năm (1896 - 1900) học ở ngôi trường danh tiếng này, ông luôn được Đốc học Mã Sơn - người mà về sau được ông tôn kính gọi là vị “minh sư ích hữu” - hết lòng quan tâm giúp đỡ.

Trong bài Phải chăng là cái số “Trước phúc đầu họa" đăng trên Báo Tiếng Dân số 1241 (ngày 9-8-1938), Huỳnh Thúc Kháng cho hay, khi học ở trường Đốc, ông được bổ vào học sanh. Lúc này, học sanh, ấm sanh và cử nhân của trường Đốc có trên 40 người. Mỗi năm có kỳ hạch trọng xuân, chia 3 hạng ăn lương: ưu, bình, thứ. Liên tiếp 4 năm, khi sát hạch, bài của ông luôn đứng hạng ưu (đứng đầu). Nhìn lại mình, ông rất lấy làm hổ thẹn vì nhận thấy sức học của mình không hơn các bạn học Phạm Liệu, Trần Quý Cáp, Nguyễn Đình Hiến. Sau này, ông mới biết đó là chủ ý của người thầy kính yêu của mình: “Cụ Đốc học Mã Sơn bảo: học sanh lương ít - ít hơn ấm sanh và cử nhân, lương ưu mỗi tháng 16 quan tiền thôi - anh nhà xa trường lại nghèo, nên phê cho hạng ưu đặng có tiền ăn học”.

Chí sĩ Trần Quý Cáp sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân nghèo ở thôn Thai La, làng Bất Nhị; nay thuộc xã Điện Phước, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Ông lúc nhỏ tên là Trần Nghị, thông minh, hiếu học, đọc quyển sách nào thì hiểu và nhớ ngay quyển đó. Nhà nghèo, không có sách đọc, ông qua mượn sách ở nhà cụ Phụ đạo Nguyễn Thành Ý (1820 - 1897), rồi đến nhà cụ Cử Lê Thúc Trai ở Nông Sơn để thọ học. 20 tuổi, ông đã nổi tiếng văn chương khắp vùng. Năm 1895, Đốc học Mã Sơn nghe tiếng liền đến khảo sát và tuyển ông vào trường Đốc Thanh Chiêm, cấp lương ăn học và cho đổi tên thành Trần Quý Cáp.

Bênh vực học trò bị cấp dưới cho là “vô hạnh”

Phan Châu Trinh người làng Tây Lộc, huyện Tiên Phước, phủ Tam Kỳ (nay thuộc xã Tam Lộc, huyện Phú Ninh), tỉnh Quảng Nam, hiệu là Tây Hồ, Hy Mã, tự là Tử Cán. Trong cuốn Giai nhân kỳ ngộ, Huỳnh Thúc Kháng kể lại một dật sử khá lý thú về “tính không chịu khuất” của Phan Tây Hồ.

Chuyện rằng, thời phong kiến, hễ cứ đến mồng Năm, ngày Tết, học trò phải có lễ thúc tu (tức lễ học trò Tết thầy). Một số huấn đạo, giáo thọ nhân dịp này nhận hối lộ của học trò. Ngày nọ, Phan Châu Trinh cùng với 2 người bạn bưng một mâm gạo, trên có đặt 3 quan tiền, tới trường xin vào yết kiến quan huấn. Tên lính hầu gác cửa liếc mắt thấy lễ vật ít liền đóng cửa. Gõ cửa mãi mà không thấy ai ra, Phan Châu Trinh giả vờ đụng tên lính hầu một cái, sẩy tay làm đổ mâm gạo, rồi lượm tiền đi về. Nghe tên lính hầu bẩm báo, quan huấn giận lắm, liền gửi giấy xin quan huyện bắt Phan Châu Trinh trị tội.

Tại huyện đường, quan huyện lớn tiếng nạt: “Sao anh là học trò mà lại vô lễ với thầy anh?”. Cụ Phan điềm nhiên đáp lại: “Học trò đã mang lễ thúc tu đến xin yết thầy, sao gọi là vô lễ? Cự không cho vào và xô đuổi mắng nhiếc làm ra sự bất lịch sự là tại tên hầu. Không trị tội tên hầu đó, mà thiên nộ tới học trò, lại làm phiền tới quan lớn phải hạ trát văn, phải sai dịch tới tận làng, tận nhà, bắt một tên học trò như nã một tên bợm, ấy là thầy tôi đã tự xử vào chỗ vô lễ rồi, quan lớn không cần hỏi kỹ nữa”. Quan huyện thấy đương sự nói ngay, lý thẳng và có khí sắc cứng cỏi, vững vàng bèn cho qua.

Vì chuyện này, quan huấn rất căm giận Phan Châu Trinh, chờ cơ hội trả thù. Đến kỳ sát hạch thi, ông ta bèn thảo một tờ tư gửi lên quan đốc học và quan tỉnh, bẩm rằng: “Tên Phan Châu Trinh vô hạnh, lại là con của quan ngụy (cha cụ Phan là Phan Văn Bình từng giữ chức Chuyển vận sứ của Nghĩa hội Quảng Nam, chống Pháp và Nam triều - NV) nên xin đừng cho vào hạch thi”.

Tờ tư chưa kịp gửi đi thì Phan Châu Trinh đã biết được, bèn tìm gặp ngay quan huấn để hỏi cho rõ nguồn cơn. Đụng phải lý lẽ ngay thẳng và thái độ gay gắt của người học trò “bướng bỉnh”, vị quan huấn bị đồng tiền làm lóa mắt này lúng túng, không trả lời được câu nào. Vị Phó bảng tương lai của đất Quảng sau đó vô sự nhờ Đốc học Mã Sơn bênh vực, không truy xét. Đã vậy, ông còn được bổ vào học sanh ở trường Đốc Thanh Chiêm.

VÂN TRÌNH

;
;
.
.
.
.
.