Đà Nẵng cuối tuần

Mộc nhĩ

20:31, 04/12/2021 (GMT+7)

* Thị trường hiện có loại “nước yến ngân nhĩ”, có người nói rằng “ngân nhĩ” tức là “mộc nhĩ trắng”. Xin cho biết, “mộc nhĩ trắng” và “mộc nhĩ đen” khác nhau ra sao và công dụng của chúng là gì? (Nguyễn Thị Mai, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng)

Mộc nhĩ không chỉ được dùng làm thức ăn mà còn là vị thuốc bổ dưỡng. Ảnh: ST
Mộc nhĩ không chỉ được dùng làm thức ăn mà còn là vị thuốc bổ dưỡng. Ảnh: ST

- Mộc nhĩ là tên gọi chung chỉ loài nấm có hình dạng giống như tai và thường mọc trên thân cây gỗ. Bài viết “Mộc nhĩ đen, trắng với sức khỏe?” đăng trên trang namlimxanh.vn (Công ty TNHH Nấm lim xanh Việt Nam) dẫn lời GS. Takayoshi (Nhật Bản) cho rằng, nấm mộc nhĩ có 3 loại: mộc nhĩ trắng (nấm tuyết, ngân nhĩ), mộc nhĩ đen (nấm mèo, nấm tai mèo) và mao mộc nhĩ (vân nhĩ).

Mộc nhĩ đen có tên khoa học là Auricularia auricula (còn có một số tên gọi khác là nấm mèo, nấm tai mèo, hắc mộc nhĩ...). Mộc nhĩ đen thường mọc hoang trên gỗ mục hoặc thân của các loại cây như: cây hòe, đậu, sung, sắn, mít, so đũa… ở trong rừng hoặc vùng đồng bằng. Những nơi ẩm ướt là điều kiện lý tưởng để cây phát triển. Ngày nay, để tăng năng xuất cũng như bảo đảm chất lượng, người trồng thường trồng nấm trên thân gỗ cây mít, cây sắn…

Mộc nhĩ trắng, theo trang caythuoc.org (Trung tâm Cây thuốc quý Hòa Bình), có tên khoa học là Tremella fuciformis, thuộc họ Tremellaceae; ngoài tên gọi ngân nhĩ còn được gọi là nấm tuyết nhĩ, tuyết nhĩ, ngân nhĩ tử, bạch mộc nhĩ.

Mộc nhĩ trắng là loại nấm quen thuộc sống trên gỗ mục, có màu trắng nhạt trong mờ và có thể trồng với quy mô công nghiệp. Ở nước ta, đầu ra cho mộc nhĩ trắng vẫn chưa ổn định. Mặc dù vậy, trong ẩm thực và dưỡng sinh, mộc nhĩ trắng được dùng khá phổ biến. Nấm tuyết có thể dùng trong nhiều món ăn như: chè hạt sen nấm tuyết (mộc nhĩ trắng), gỏi chân gà mộc nhĩ trắng, súp cua mộc nhĩ trắng, mộc nhĩ trắng xào hải sản… “Nước yến ngân nhĩ” là loại nước giải khát có thành phần yến sào chiếm tỷ lệ gần như bằng không, còn lại chính là ngân nhĩ cùng các thành phần khác.

Các loại nấm này được sử dụng trong ẩm thực của một số nước châu Á như Trung Quốc, Việt Nam. Chúng thường được bán ở dạng đã sấy hay phơi khô, cần ngâm nước trước khi dùng trong cả các món ăn mặn và món ăn ngọt. Chúng gần như không có mùi vị, nhưng được đánh giá cao nhờ kết cấu tựa cao su, tương đối cứng và giòn cũng như một số tính chất y học có lợi cho sức khỏe, bao gồm cả tính chất chống đông tụ mới được phát hiện gần đây.

Trong bài viết “Mộc nhĩ, vị thuốc bổ dưỡng” đăng trên suckhoedoisong.vn, lương y Nguyễn Hùng cho biết, mộc nhĩ không chỉ được dùng làm thức ăn mà còn là vị thuốc bổ dưỡng cho người khí huyết suy kém, hỗ trợ điều trị một số bệnh lý tim mạch. Liều dùng mỗi ngày từ 15-20g bằng cách xào, nấu, sắc nước hoặc nghiền nhỏ uống. Ăn mộc nhĩ sẽ giúp ngăn chặn được bệnh tắc hoặc vỡ mạch máu ở người tăng huyết áp, hạn chế tai biến nhồi máu cơ tim; mộc nhĩ giúp máu lưu thông toàn thân, đưa máu lên não đầy đủ hơn nên duy trì trí nhớ tốt. Mộc nhĩ cũng có tác dụng giảm cholesterol trong máu, góp phần kiểm soát cân nặng, rất tốt với những người thừa cân, béo phì.

Kết luận bài viết, tác giả lưu ý: “Không ngâm mộc nhĩ khô bằng nước nóng mà phải ngâm bằng nước lạnh, không được ăn mộc nhĩ tươi. Không nên sử dụng mộc nhĩ cho phụ nữ mang thai hoặc cho con bú”.

ĐNCT

.