Quán xưa đường cổ

.

Khi người Pháp xây dựng quốc lộ 1A và Hỏa xa xuyên Việt từ Bắc chí Nam để khai thác thuộc địa vào những năm đầu thế kỷ XX, đoạn qua làng Nam Ô phóng thẳng hướng Nam - Bắc không theo đường Cái quan có sẵn mà bạt phía tây núi Xuân Dương, bắc cầu vượt cửa sông Cu Đê… băng đèo Hải Vân ra kinh đô Huế một cách dễ dàng và nhanh chóng.

Nơi khi xưa là bến đò Hoa Ổ. Ảnh: Đ.D
Nơi khi xưa là bến đò Hoa Ổ. Ảnh: Đ.D

Trước đó, muốn di chuyển từ Bắc vào Nam hay ngược lại, dân ta phải đi trên con đường Thiên lý rất khó khăn và chậm chạp. Đường Thiên lý hay đường Cái quan, đường Quan lộ, được đắp nối bằng đất từ thời vua Gia Long như Việt Nam Sử lược (Trần Trọng Kim, NXB Văn hóa, trang 336) ghi nhận: “Đường Quan lộ:

Đường sá trong nước là việc khẩn yếu cho việc chính trị, vậy nên vua Thế Tổ (Gia Long) mới định lệ sai quan các doanh các trấn phải sửa sang đường Quan lộ, bắt dân sở tại phải đắp đường làm cầu. Lại từ của Nam Quan thuộc Lạng Sơn đến Bình Thuận cứ độ 3.000 trượng (16km) phải làm một cái nhà trạm cạnh quan lộ để quan khách đi lại nghỉ ngơi”.

Đường Quan lộ từ Quảng Nam ra Huế phải vượt qua núi Hải Vân chắn ngang hiểm trở và nhiều ác thú như mô tả của nhà sư Thích Đại Sán khi ông từ kinh đô Phú Xuân về Quảng Nam năm 1695 (thời Chúa Nguyễn Phúc Chu): “Đường đi beo với cọp. Rừng rú phải phòng thân” (Thích Đại Sán, Hải ngoại Ký sự, đoạn cuối bài thứ 12). Vì thế, cung đường này đã lập 3 nhà trạm như Đại Nam nhất thống chí (NXB Thuận Hóa, trang 375) ghi rõ trong mục Nhà trạm: “Trạm Nam Chơn ở xã Chơn Sảng, huyện Hòa Vang phía bắc đến trạm Thừa Phúc phủ Thừa Thiên 19 dặm linh 84 trượng (gần 10km), phía nam đến trạm Nam Ổ 11 dặm linh 115 trượng (6km) nguyên trước tên là trạm Chơn Sảng, năm Minh Mệnh thứ 3 đổi tên hiện nay. Trạm Nam Ổ: Ở xã Cu Đê năm Minh Mệnh thứ 3 đổi tên là trạm Nam Hoa, năm Thiệu Trị thư 1 đổi tên hiện nay”.

Gần mỗi nhà trạm bên đường Cái quan ấy, triều đình còn cho phép lập một quán để cung cấp nhu yếu phẩm cho quan khách ghé trạm nghỉ ngơi, như Đại Nam nhất thống chí (sđd) ghi nhận: “Quán Cháo ở phía Nam Hải Vân, quán thuộc huyện Hòa Vang; lại ở phía Nam chân núi có quán Chơn Sảng… Quán Hoa Ổ ở phía Nam tấn Cu Đê huyện Hòa Vang”.

Trích dẫn như thế để chúng ta dễ hình dung ra con đường Thiên lý thời xưa khi quan khách vượt qua Hải Vân đã qua lại và dừng chân nghỉ ngơi ở những trạm, quán nào.        

Đường Thiên lý, theo Hoa Ổ xã Địa bạ (Địa bộ làng Nam Ô, còn lưu giữ), khi đến đất làng Nam Ô và Xuân Thiều thì ngoặt về phía tây làm ranh giới cho hai làng rồi tiếp tục băng qua cánh đồng Bắc Hạ (trên đất Xuân Thiều), đến làng Cu Đê chọn chỗ dòng sông hẹp nhất rồi bắc Cầu Ván vượt sông, tiếp tục băng qua trảng cát làng Kim Liên, đến chân núi Sen, từ đó vượt qua núi Hải Vân.

Có thể quan khách thời đó không vượt qua Hải Vân quan với vách núi dựng đứng, quá cheo leo và hiểm trở, mà đi lại trên con đường được đắp bên triền chân núi để vượt qua Hải Vân đến trạm Thừa Phúc phủ Thừa Thiên ở phía bắc. Con đường này dấu tích chưa phai mờ. Cũng đáng tin, bởi nếu nối khoảng cách từ trạm Thừa Phúc đến trạm Nam Ổ thì chỉ bằng 16km như Việt Nam Sử lược đã dẫn, trong khi riêng con đường đèo Hải Vân thông thoáng hiện thời cộng với đường đến Nam Ô đã là 25km.

Bên nhà trạm Nam Ổ có quán Hoa Ổ được đặt trên cồn cát cao mọc nhiều cây trâm cổ thụ che bóng mát mẻ, là nơi lưu trú của sĩ tử từ các tỉnh phía Nam về kinh ứng thí. Trong khi chờ đông đủ theo người dẫn đường cùng với thanh la, não bạt đánh lên inh ỏi xua ác thú để vượt Hải Vân hiểm trở, đêm đêm họ chăm chỉ dùi mài kinh sử.

Từ đó, quán Hoa Ổ được gọi là quán Cồn Trò. Nơi này còn lưu dấu một giếng cổ mang tên giếng Cồn Trò. Trong lịch sử có bao sĩ tử thành danh, bao đại quan thành đạt, bao dũng tướng kiêu hùng cùng sĩ tốt của mình đã uống nước, tắm gội nước giếng này cho hùng tâm tráng khí. Từ đây nhìn xuống phía Tây là con sông Hoa Ổ “ngậm dòng nước biếc” có bến đò Hoa Ổ nối với đò Cu Đê như Đại Nam nhất thống chí chép: “Đò Cu Đê ở huyện Hòa Vang, phía nam là đò Hoa Ổ”. Câu ca xưa còn lưu vọng: “Nhắn ai ở quán Cồn Trò/ Không qua Cầu Ván thì gọi đò Cu Đê”.

Phải chăng cụ Phan Thanh Giản năm 1826 khi là sĩ tử đi ứng thí đã không ở lại quán Cồn Trò mà qua sông để lưu lại tâm sự trong bài thơ “Túc Cu Đê điếm” (Nghỉ trọ ở điếm Cu Đê): “Muốn đi tới Nam Chơn/ Cu Đê đã quá chiều/ Hơi triều thẩm giường trọ/ Hiên suông trăng rọi nhiều/ Hải Vân ngày mai vượt/ Biết nhau rồi quên nhau”? Điếm Cu Đê có phải là quán trọ của nhà trạm Cu Đê, nơi mà trước đó 4 năm (Minh Mệnh thứ ba - 1822), vua cho dời về Hoa Ổ và đổi tên là nhà trạm Nam Hoa, lúc đó công quán Cồn Trò chưa hoạt động sôi nổi chăng?

Dù theo đường Thiên lý hay qua sông bằng đò cũng tiếp tục đi trên đường Thiên lý dưới bóng mát những hàng cây mít (trồng từ thời vua Minh Mạng, đến trước năm 1970 còn thấy) xuyên qua trảng cát Kim Liên, đến quán Sen thuộc xóm Ao Sen (sau này được mang tên chữ là Liên Chiểu) tỏa hương thơm ngát, trước khi vượt núi Sen để đến quán Sảng còn có tên gọi là quán Sứng nằm bên nhà trạm Nam Chơn.

Trong câu thơ sĩ tử họ Phan, bạn đồng hành đã vượt qua gian khổ để “tới Nam Chơn” lẽ nào “biết nhau rồi quên nhau”? Đừng như câu ca xưa “Bạn phỉnh ta chín đợi mười chờ. Lang thang quán Sấn (Sứng), dật dờ quán Sen”. Khi lòng ta đã đau đáu chờ người từ quán Sấn để cùng tiếp bước đến quán Cháo, nơi rộn rịp các pháo thủ của pháo đài Định Hải (Hòn Hành) nằm dưới vách núi dựng đứng, trên ấy là Hải Vân quan hùng vĩ đứng cheo leo. Hãy cùng ta lót lòng một bát cháo cho ấm bụng để vượt một đoạn đường rừng rú còn xa mới tới kinh đô. Tình cảm trong quán xưa trên đường cổ sâu đậm thế, hỏi quên nhau sao đặng...

ĐẶNG DÙNG

;
;
.
.
.
.
.