Đà Nẵng cuối tuần
Nếp sống xanh, môi trường sạch
Từ những việc làm thiết thực trong cuộc sống hằng ngày, nhiều cấp hội nông dân và phụ nữ các quận, huyện trên địa bàn thành phố đã góp phần giảm thiểu đáng kể rác thải độc hại, bảo vệ môi trường xanh, sạch, đẹp.
Nông dân vùng sản xuất rau sạch La Hường (phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ) thu gom rác thải vào sọt rác tái chế thân thiện môi trường sau khi sử dụng phân bón và thuốc trừ sâu. Ảnh: Đ.H.L |
Sản xuất thân thiện môi trường
Nằm bên bờ sông Cẩm Lệ, vùng sản xuất rau La Hường (phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ) luôn xanh tươi, sạch sẽ. Tuy vùng rau có diện tích 7,9ha với hơn 60 hộ dân sản xuất nhưng tất cả rác thải ở đây đều được thu gom đúng chỗ và xử lý an toàn.
Chị Nguyễn Thị Kiều Hoa, Chủ tịch Hội Nông dân phường Hòa Thọ Đông cho biết, để giúp nông dân thu gom rác thuận tiện, Hội Nông dân quận Cẩm Lệ và phường Hòa Thọ Đông đã mua 80 sọt tái chế tặng cho bà con nơi đây. Những chiếc sọt này được ông Đoàn Túc tự tay đan từ sợi nhựa thải ra trong quá trình xây dựng. Mô hình này ban đầu chỉ có hộ ông Túc làm, sau này thấy hiệu quả nên được nhiều người dân hưởng ứng thu gom sợi nhựa để bán cho ông Túc đan sọt. Hiện nay, sản phẩm giỏ nhựa tái chế này không chỉ được vùng sản xuất ra La Hường sử dụng mà các khu dân cư cũng dùng đựng rác sinh hoạt và vật dụng gia đình.
Bà Phan Thị Năm, trú tổ 38, phường Hòa Thọ Đông thuê đất làm vườn tại vùng sản xuất rau La Hường cho hay, để bảo đảm an toàn sản xuất, bà chủ yếu sử dụng phân hữu cơ vi sinh. Các bao nilon đựng phân bón và thuốc trừ sâu sau khi sử dụng đều được bỏ vào sọt rác đặt tại các điểm giao nhau của lối đi nên vườn rau luôn sạch sẽ. Năm nào Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật thành phố về lấy mẫu xét nghiệm đều đạt tiêu chuẩn quy định. Đặc biệt, tại vùng sản xuất rau sạch La Hường có bà Nguyễn Thị Đồng trú tổ 32, phường Hòa Thọ Đông là tổ trưởng tổ hỗ trợ vùng rau La Hường thu gom rác làm phân bón hữu cơ cho cây trồng. “Rác được lấy từ các đám ruộng sau khi giẫy cỏ đưa về tập kết thành từng đống để ủ phân. Mỗi năm, tôi ủ 2 lần, mỗi lần từ 2 đến 3 tấn rác để làm phân bón cho cây. Trong quá trình thực hiện, tôi sử dụng chế phẩm vi sinh cùng với vôi để ủ cho hoai, sau 20 ngày thì đảo một lần. Nếu mình không thu gom, rác có thể bị đổ xuống sông gây ô nhiễm môi trường”, bà Đồng chia sẻ.
Nói về lợi ích của việc làm phân hữu cơ, bà Nguyễn Thị Đồng cho biết, trồng rau sạch không được sử dụng phân bón hóa học mà phải sử dụng phân hữu cơ nhưng chi phí rất cao. “Việc tự làm phân bón hữu cơ sẽ giảm được chi phí sản xuất, đồng thời góp phần bảo vệ môi trường. Loại phân hữu cơ này rất thích hợp để trồng cà pháo, cà tím, rau lang, bí, ớt nên cây sinh trưởng rất tốt và cho năng suất cao”, bà Đồng giải thích.
Phân loại hiệu quả nguồn rác tại nhà
Với chủ đề “Chống rác thải nhựa”, trong năm nay, Hội Phụ nữ 4 phường của quận Ngũ Hành Sơn đẩy mạnh tuyên tuyền các hội viên bảo vệ môi trường và hạn chế sử dụng túi nilon tại 4 địa điểm trên địa bàn các phường với 315 hội viên tham gia, đồng thời phát các thùng rác môi trường để nhân rộng mô hình “Thu gom và phân loại rác thải tại hộ gia đình”.
Bà Nguyễn Thị Dưỡng, Phó Chủ tịch Hội LHPN quận Ngũ Hành Sơn cho biết, chỉ tính riêng trong “Tháng hành động vì môi trường” (tháng 6-2021), các cấp hội đã đặt 253 thùng rác môi trường để tạo điều kiện thuận lợi cho các Tổ nòng cốt quản lý rác thải và 76 chi hội phụ nữ thực hiện thu gom, phân loại rác thải ở khu dân cư. Bên cạnh đó, hội quận ra mắt CLB “Phụ nữ mua, bán ve chai” với 25 chị tham gia. CLB tập hợp những người thu gom, mua, bán ve chai trên địa bàn quận thành một nhóm có nhiệm vụ chuyên thu mua rác tái chế ở các khu dân cư để giảm thiểu khối lượng rác thải ra môi trường, nhất là rác thải nhựa.
Đặc biệt, quận hội còn phối hợp UBND phường Hòa Hải, Khuê Mỹ, Mỹ An tổ chức triển khai dự án “Mô hình thí điểm về quản lý rác thải tổng hợp nhằm giảm lượng rác thải phát sinh và tối ưu hoạt động phân loại, tái chế tại nguồn trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn và huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng”. Để thực hiện hiệu quả dự án, Hội LHPN quận thực hiện thí điểm mô hình “Tổ nòng cốt quản lý rác thải” tại 3 khu dân cư, qua đó nâng cao nhận thức cho người dân về bảo vệ môi trường, lợi ích của việc phân loại rác thải tại hộ gia đình và hướng đến giảm thiểu rác thải trên địa bàn quận. Trong năm 2021 đã có 103 chi hội phụ nữ tham gia mô hình thu gom, phân loại rác thải tại nguồn, thu gom được gần 53.400kg rác tài nguyên để bán gây quỹ với số tiền hơn 123,7 triệu đồng. Từ nguồn quỹ này, các chi hội đã hỗ trợ giúp đỡ cho 123 hội viên và trao học bổng cho 148 học sinh khó khăn.
Bên cạnh đó, các cấp Hội Phụ nữ quận Ngũ Hành Sơn còn thực hiện mô hình “Sống xanh - trồng hoa và cây xanh vì thành phố Đà Nẵng bền vững về môi trường”. Đến nay, trên địa bàn quận có 78 nhóm, CLB “Sống xanh” hoạt động với 1.055 thành viên. “Trong năm qua, quận hội đã tích cực phối hợp Ban quản lý chợ vận động tiểu thương sử dụng túi nilon tự phân hủy sinh học khi bán hàng và kêu gọi các hộ dân sử dụng giỏ đi chợ nhằm hạn chế túi nilon thải ra môi trường. Thông qua các hoạt động tuyên truyền miệng, hái hoa dân chủ, hội thi, giao lưu, ý thức và trách nhiệm bảo vệ môi trường của người dân đã được nâng cao, nhiều mô hình sống xanh, sống thân thiện với môi trường ra đời, góp phần xây dựng cộng đồng xanh, sạch, đẹp”, bà Nguyễn Thị Dưỡng chia sẻ.
ĐOÀN HẠO LƯƠNG