Đà Nẵng cuối tuần
Thúc đẩy giảm rác thải nhựa đô thị
Với mục tiêu hướng tới đô thị không rác thải nhựa, Đà Nẵng đã thông qua nhiều chương trình, dự án quản lý chất thải rắn, thúc đẩy hoạt động phân loại, tái chế và giảm thiểu rác thải nhựa.
Mỗi năm Đà Nẵng thải ra khoảng 80.000 tấn rác thải nhựa, chủ yếu là túi nilon, chai nhựa, màng chất dẻo, hộp xốp và rác thải nhựa dùng một lần. TRONG ẢNH: Giới trẻ Đà Nẵng tích cực tham gia vào các hoạt động bảo vệ môi trường tại địa phương. Ảnh: T.Y |
Theo Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Võ Nguyên Chương, năm 2021, sở đã phối hợp nhiều sở, ngành, UBND các quận, huyện xúc tiến 9 dự án hợp tác với các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ nước ngoài về tăng cường công tác quản lý chất thải rắn, phân loại chất thải rắn tại nguồn, quản lý rác thải nhựa... , qua đó thiết lập nguồn lực hỗ trợ kỹ thuật chuyên sâu cho công tác quản lý rác thải ở thành phố Đà Nẵng, với tổng kinh phí tài trợ hơn 70 tỷ đồng.
Hoàn thiện văn bản quản lý rác thải nhựa
Sở TN&MT thông tin, mỗi năm lượng rác thải nhựa của thành phố thải ra khoảng 80.000 tấn, chủ yếu là túi nilon, chai nhựa, màng chất dẻo, hộp xốp và rác thải nhựa dùng một lần… Trong đó, hơn 95% được thu gom, chuyển đến bãi rác Khánh Sơn phân loại, chôn lấp, số còn lại nằm rải rác trong môi trường tự nhiên, cống rãnh hoặc các bãi đất trống.
Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường Nguyễn Thị Kim Hà cho hay, hoạt động phân loại rác thải tại nguồn thời gian qua tạo chuyển biến tích cực khi thu hút 83% tổ dân phố tham gia, một số mô hình được triển khai mạnh mẽ, như “Thùng thu gom rác thải nhựa”, “Phụ nữ hạn chế sử dụng túi nilon”, “Phân loại rác thải - thùng rác môi trường”, “Dùng cặp lồng đi mua thức ăn thay túi nilon”... Theo bà Kim Hà, hoạt động phân loại rác tại nguồn được thúc đẩy bởi hệ thống văn bản, chính sách, quy định về quản lý rác sinh hoạt mà thành phố triển khai trong những năm gần đây. Hiện các cấp, ngành, địa phương đang hoàn thiện phương thức thu gom 3R: giảm thiểu, tái chế và tái sử dụng giai đoạn đầu, đặc biệt đối với nhóm rác thải nhựa, rác thải xây dựng, sinh hoạt kích cỡ lớn.
Với đà tăng trưởng kinh tế hiện nay, đến năm 2030, tổng lượng rác thải nhựa phát sinh mỗi ngày khoảng 228 tấn, chiếm khoảng 12,7-18,3% chất thải rắn sinh hoạt. Trong đó, tỷ lệ phân loại, thu gom chất thải nhựa tại nguồn và thu gom phi chính thức đạt mức 90-95%, chủ yếu nhựa có kích thước lớn và giá trị kinh tế cao, còn nhựa mảnh nhỏ, giá trị kinh tế thấp như bao bì, túi nilon vẫn chưa được phân loại và thu gom triệt để. Hiện khối lượng chất thải nhựa chưa được kiểm soát ở mức trên 6 tấn/ngày, chủ yếu túi nilon, chai nhựa, ly nhựa dùng một lần và nhựa đa thành phần.
"Chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu, đề xuất lộ trình và phương án cập nhập, hoàn thiện bộ cơ sở dữ liệu về quản lý chất thải rắn sinh hoạt, tăng cường công tác quản lý, tạo chuyển biến tích cực về nhận thức, trách nhiệm của cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân, người dân và du khách, phấn đấu đạt cho được mục tiêu không sử dụng vật dụng, đồ nhựa dùng một lần theo Chỉ thị số 33/CT-TTg ngày 20-8-2020 của Thủ tướng Chính phủ” Ông Võ Nguyên Chương, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Đà Nẵng |
Kế hoạch số 122/KH-UBND ngày 24-6-2021 của UBND thành phố về quản lý rác thải nhựa đại dương trên địa bàn đến năm 2025, tầm nhìn 2030, góp phần hoàn thiện hệ thống văn bản quản lý chất thải rắn, đáp ứng xây dựng “Đà Nẵng - Thành phố môi trường”. Ở mục tiêu trung hạn (2021-2025), UBND thành phố yêu cầu 100% cơ quan, đơn vị quản lý Nhà nước không sử dụng vật dụng/đồ nhựa sử dụng một lần (chai nước, ống hút nhựa, băng-rôn, backdrop...) tại cuộc họp, hội nghị, hội thảo, sự kiện. Đồng thời, phấn đấu 90% hộ dân, doanh nghiệp, trường học, công sở và các đơn vị khác thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn (bao gồm chất thải nhựa), vận động ít nhất 80% ngư dân cam kết không thải bỏ ngư lưới cụ, rác thải nhựa xuống biển, trên 90% hộ dân sinh sống dọc các con sông không đổ rác thải nhựa trực tiếp xuống dòng sông, 70% điểm phục vụ ăn uống tại cơ sở lưu trú cam kết không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần.
Về dài hạn (2026-2030), thành phố đặt mục tiêu vận động hơn 95% ngư dân cam kết không thải bỏ ngư cụ, rác thải nhựa xuống biển; ít nhất 80% điểm phục vụ ăn uống không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và trên 90% hộ dân, trường học, doanh nghiệp, công sở và các đơn vị khác trên địa bàn thực hiện phân loại rác thải tại nguồn. Cùng với đó, các hoạt động, mô hình thí điểm thành công trong giai đoạn 2021-2025 sẽ được cụ thể hóa bằng văn bản, chính sách của thành phố và nhân rộng ra toàn địa bàn.
Ông Võ Nguyên Chương đánh giá: “Kế hoạch số 122/KH-UBND cụ thể hóa nhiều tiêu chí, mục tiêu giảm thiểu rác thải nhựa trong môi trường đất liền, biển đảo, như triển khai mô hình “Sự kiện không sử dụng rác thải nhựa”, “Cơ sở công nghiệp thực hiện tốt chương trình giảm thiểu sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần, triển khai phân loại rác thải tại nguồn” đối với các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp có trên 150 lao động. Vận động cơ sở kinh doanh sử dụng bao bì từ nguyên liệu thân thiện môi trường, tăng cường quản lý, giám sát hoạt động xả thải trong các hoạt động vui chơi, ăn uống trên bãi biển…”.
Tăng cường hợp tác quốc tế
Chương trình “Thành phố sạch - Đại dương xanh” vừa được Trung tâm Bảo tồn sinh vật biển và Phát triển cộng đồng (MCD), Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) phối hợp Sở TN&MT giới thiệu đầu tháng 11-2021, kỳ vọng sẽ thúc đẩy thực hành giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế và củng cố thị trường, khu vực cho nhựa tái chế. Đồng thời thúc đẩy, thay đổi hành vi xã hội đối với phương thức thu gom 3R và quản lý chất thải rắn bền vững; hỗ trợ các diễn đàn quốc tế, quan hệ đối tác công - tư và các bên trong lộ trình giảm thiểu chất thải rắn sinh hoạt nói chung và rác thải nhựa nói riêng. Được biết, Đà Nẵng là địa phương đầu tiên trong cả nước được USAID chọn triển khai các nhóm giải pháp như hỗ trợ chính quyền thực hiện kế hoạch quản lý rác thải nhựa đại dương và các sáng kiến thúc đẩy chống ô nhiễm rác thải nhựa. “Thành phố sạch - Đại dương xanh” cũng sẽ hỗ trợ thực hiện dự án “Tăng cường hợp tác công - tư trong việc tái chế, phục hồi rác thải và kinh tế tuần hoàn tại Đà Nẵng” với tổng ngân sách 161.000 USD, thực hiện từ tháng 12-2021 đến tháng 7-2023, với các hoạt động chính như kết nối thị trường rác tái chế thông qua thương mại số, nâng cao năng lực cho người dân, đơn vị thu gom, cải thiện việc thu hồi rác thải tái chế và số hóa thông tin, chia sẻ mô hình…
Một nhóm tình nguyện vận chuyển rác thải nhựa được thu gom từ Bán đảo Sơn Trà mang về điểm tập kết. Ảnh: T.Y |
Năm 2021 là năm Đà Nẵng tăng cường hợp tác quốc tế, nghiên cứu khoa học, ứng dụng, phát triển và chuyển giao công nghệ về xử lý rác thải nhựa đại dương. Cụ thể, thành phố tiếp tục triển khai dự án “Chương trình các đô thị giảm nhựa” giai đoạn 2021-2023 trên địa bàn quận Thanh Khê, thực hiện mô hình chợ giảm thiểu rác thải nhựa giai đoạn 2021-2025 do Tổ chức quốc tế về bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam (WWF) tài trợ; triển khai đề xuất dự án “Xây dựng hệ thống giám sát rác thải nhựa đại dương dựa trên công nghệ viễn thám, giải đoán hình ảnh và hệ thống thông tin địa lý kết hợp với trí tuệ nhân tạo và tri thức bản địa” của Ủy ban kinh tế, xã hội châu Á - Thái Bình Dương của Liên Hiệp Quốc (UNESCAP)…
Theo ông Võ Nguyên Chương, các chương trình hợp tác quốc tế sẽ hỗ trợ Đà Nẵng hoàn thiện quy trình xử lý rác thải nhựa, triển khai các giải pháp bền vững do địa phương làm chủ. Trên cơ sở này, thời gian tới Sở TN&MT tiếp tục hoàn thiện bộ cơ sở dữ liệu về chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn, đề xuất khung cơ sở dữ liệu phục vụ theo dõi, quản lý chất thải rắn sinh hoạt, khảo sát, thu thập thông tin cơ bản về các đối tượng phát sinh chất thải rắn sinh hoạt. “Chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu, đề xuất lộ trình và phương án cập nhập, hoàn thiện bộ cơ sở dữ liệu về quản lý chất thải rắn sinh hoạt, tăng cường công tác quản lý, tạo chuyển biến tích cực về nhận thức, trách nhiệm, hành động của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân và du khách, phấn đấu đạt cho được mục tiêu không sử dụng vật dụng, đồ nhựa dùng một lần theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 33/CT-TTg ngày 20-8-2020 về tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa”, ông Võ Nguyên Chương khẳng định.
Các dự án liên quan đến công tác thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại thành phố Đà Nẵng, giai đoạn 2021-2025, gồm: Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt (công suất 1.000 tấn/ngày đêm); Nhà máy đốt chất thải rắn phát điện (công suất 650 tấn/ngày đêm); dự án nâng cấp, cải tạo và đầu tư trang thiết bị các trạm trung chuyển hiện hữu, bảo đảm mỹ quan và vệ sinh môi trường; các dự án Trạm trung chuyển rác thải khu vực đường Lê Thanh Nghị, Sơn Trà, Cẩm Lệ, Ngũ Hành Sơn; dự án nâng cấp, cải tạo một số hạng mục tại bãi rác Khánh Sơn; dự án xử lý nước rỉ rác và xử lý chất thải rắn đã chôn lấp.
Nguồn: Sở Tài nguyên và Môi trường Đà Nẵng
|
TIỂU YẾN