Đà Nẵng cuối tuần

Biến thể - thơ viết giữa mùa dịch

20:25, 08/01/2022 (GMT+7)

Biến thể (NXB Hội Nhà văn, 2021) của Nguyễn Nho Khiêm đã vượt ra khỏi giới hạn giữa hiện thực và văn chương, để có những bài thơ làm rung động trái tim và neo đậu trong tâm hồn người đọc.

Thơ thời sự rất khó viết vì người viết thường ngại sự lặp lại, luẩn quẩn trong “vòng vây” của đề tài. Biến thể của Nguyễn Nho Khiêm đã thoát ra khỏi vòng kiềm tỏa đó, cảm xúc vẫn vẹn nguyên, xuyên suốt cùng những rung động. Với gần 50 bài thơ, tác giả vẫn tràn đầy năng lượng sáng tạo.

Trong đại dịch Covid-19, nhà thơ Nguyễn Nho Khiêm đong đầy những cảm xúc, từ thắc thỏm âu lo, đến đau thương với những mất mát của người thân, bạn bè, và cả sự thương cảm, ngưỡng mộ những người ở tuyến đầu chống dịch... Không ai biết được cái chết như thế nào nhưng dường như nhà thơ có linh cảm, trực giác để nhận ra: Nước mắt rưng vĩnh biệt mặt trời/ chút nữa thôi bóng đêm trùm vũ trụ/ hồn hóa thành ngọn gió rong chơi/ Cô ấy muốn nhìn bình minh lần cuối/ hạnh phúc này xin trả lại ngàn khơi… (Bình minh cuối). Trái tim của nhà thơ rung đập khi dịch bệnh lây lan: Người về nhà khép cửa/ lắng nghe nhịp thở của thành phố…

Bài thơ Biển có nhìn thấy tôi mang tứ thơ lạ. Nhớ biển, anh ra thăm biển thấy biển vẫn xanh, mặt trời vẫn nhô lên sau nắng, nhưng rồi anh thảng thốt kêu lên khi đối diện với sự thật: Biển không nhìn thấy tôi, và tôi không nhìn thấy biển. Cùng một trường nghĩa được đẩy lên từ nỗi âu lo trong dịch bệnh: Tôi lại sợ một ngày/ Mặt trời sẽ đeo khẩu trang/ biển sẽ đeo khẩu trang xa lánh chúng ta/… Rồi một ngày.

Nhưng chính trong nỗi đau thương đó, tình người được thắp sáng, ta gặp trong Biến thể hình ảnh những anh em người Ca Dong, Xơ Đăng khi nghe tin Đà Nẵng bị ảnh hưởng dịch bệnh, đã leo lên đồi cao mắt hướng về biển/ trăm cây số rừng xa mà sóng biển cứ cồn cào/… Những bó rau rừng Trà My đã về thành phố/ bát canh đầy tình nghĩa quyến thương nhau/ cọng rau lủi, măng rừng, chè xanh, trà tím…/ có mưa nắng đầu nguồn nghĩa nặng tình sâu (Gửi Trà My).

Chủ đề tình người trong hoạn nạn chiếm dung lượng lớn phần Ký ức mưa & lụt. Nhiều người đã viết về bão lũ ở miền Trung, nhưng Biến thể vẫn tạo ra những nét riêng, với những thi ảnh đầy dư vị cay đắng mà ngọt ngào. Những bài viết mang hoài ức về thiên tai thường làm lắng đọng tâm tư người đọc, nhất là những người xa quê: Nhà nghiêng triền núi lưng chừng/ là nghiêng ngã chảy theo cùng dòng trôi/ neo chân giữa chốn lở bồi/ trở mình núi lấp mồ côi một làng… (Chùm thơ ngày bão lụt). Đó là những lát cắt ký ức được phục chế bằng góc nhìn nặng nỗi u hoài và ám ảnh đớn đau của con người miền Trung trải qua thiên tai: Mùa lụt ăn sâu vào ký ức/ giấc ngủ đêm nào cũng thấy trôi/ cơn bão từ năm Thìn năm Ngọ/ vẫn còn phần phật phía mồ côi… (Ký ức mưa & lụt).

Giữa vùng dịch, bỗng xuất hiện bài thơ Sáng nay khi báo tin vui: Sáng nay không có ca nhiễm mới. Đó là câu văn xuôi, là câu nói thông báo trên bản tin thông tấn nhưng xuất hiện trong bài thơ như một đòn bẩy đẩy những câu thơ bay lên bát ngát trong một không gian thơ đầy hy vọng tươi sáng: mường tượng em nụ cười hoa súng tím/ đôi mắt ấm tiếng chim trời từ cành phượng chuyền sang/… Nghe lòng vui như vườn cải sớm mai/ như nhánh cỏ triền sông tuổi thơ rót mật/ như khuôn mặt em mười sáu tuổi mơ dài…

Từ niềm vui lớn lao vỡ bờ ấy, nhà thơ vẫn nhận ra những ngóc ngách trong tâm hồn mình cùng với thiên nhiên đang đổi thay khẽ khàng dịu ngọt mà giản đơn, nên thơ với tia nắng reo vui, nụ cười hoa súng tím, tiếng chim chuyền cành, vườn cải sớm mai, nhánh cỏ triền sông, gương mặt em mười sáu tuổi, mơ dài… Anh đã dựng nên bức tranh đẹp như một sớm mai khi mùa xuân đến, không lộng lẫy sắc màu nhưng đằm thắm, nồng nàn như giấc mơ kỳ diệu…   

Gọi là thơ thời sự, nghĩa là phản ánh hiện thực, kịp thời những gì đang xảy ra. Giữa hiện thực và văn chương có một khoảng cách, khoảng cách ấy là sáng tạo nghệ thuât, là tài năng, là lao động nghệ thuật thuộc về chủ thể sáng tạo. Biến thể của Nguyễn Nho Khiêm đã vượt ra khỏi cái giới hạn đó để có những bài thơ làm rung động trái tim và neo đậu trong tâm hồn người đọc.

HỒ SĨ BÌNH

.