Đà Nẵng cuối tuần

Đất Cẩm Lệ và hai vị tiền hiền làng Khuê Trung

20:28, 08/01/2022 (GMT+7)

Khuê Trung giáp ranh hai xã Cẩm Lệ và Bình Thái cùng nằm dọc theo con đường Thiên lý Bắc - Nam, về sau là quốc lộ 1A. Đây là miền đất trù phú, sầm uất để ngày sau hình thành một đơn vị hành chính mới: quận Cẩm Lệ.

Lễ rước Khánh vị Tiền hiền làng Khuê Trung (ảnh trái), thắp nến tri ân nghĩa sĩ tại Lễ tế Nghĩa sĩ Đà Nẵng và Hội làng Khuê Trung năm 2006. Ảnh: V.T.L
Lễ rước Khánh vị Tiền hiền làng Khuê Trung (ảnh trái), thắp nến tri ân nghĩa sĩ tại Lễ tế Nghĩa sĩ Đà Nẵng và Hội làng Khuê Trung năm 2006. Ảnh: V.T.L

Theo cuốn Lịch sử đấu tranh cách mạng phường Khuê Trung 1930-1975 (NXB Đà Nẵng, 2005), hai anh em ruột Trần Kim Bảng và Trần Kim Tương vâng mệnh vua Lê Thánh Tông rời quê nhà Thanh Hóa vào khai phá đất đai lập nên làng Hóa Khuê, trong đó có Hóa Khuê Trung (tức phường Khuê Trung, quận Cẩm Lệ ngày nay) là nơi đầu tiên hai ông đứng chân nên coi đó là trung tâm của các làng Hóa Khuê sau này.

Diễn trình khai cư lập nghiệp diễn ra trong thời gian dài. Khai phá vùng đất phía nào thì hai ông đặt tên theo hướng phía đó. Phía bắc đặt tên Hóa Khuê Bắc (nay là làng Khuê Bắc thuộc phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn); phía tây đặt tên Hóa Khuê Tây.

Hóa Khuê Tây vốn là xã có diện tích rộng lớn, phía tây giáp núi Nghi An và Đông Phước, phía tây bắc giáp Liên Trì và Thuận An, phía đông và đông bắc giáp Nại Nam, đông nam giáp sông Cẩm Lệ. Sách Đại Nam nhất thống chí tập 2 (Quốc sử quán Triều Nguyễn, Viện Khoa học xã hội Việt Nam - Viện Sử học phiên dịch và chú giải, NXB Thuận Hóa, 2006, tr.422) có chép: “... sông Cẩm Lệ chảy chừng 7 dặm qua xã Hóa Khuê Trung và Hóa Khuê Tây làm thành sông Hàn, rồi đổ ra cửa biển Đà Nẵng”.

Trải qua hàng trăm năm tang thương biến cải, vùng đất Hóa Khuê Tây thuở xưa phần lớn nằm trong Sân bay Đà Nẵng, phần còn lại thuộc các xã Hòa Cường, Hòa Thuận của quận Hòa Vang (cũ). Tháng 8-1975, Hòa Cường được phân chia làm hai phường Hòa Cường và Khuê Trung.

Khuê Trung giáp ranh hai xã Cẩm Lệ và Bình Thái cùng nằm dọc theo con đường Thiên lý Bắc - Nam, về sau là quốc lộ 1A. Sau Cách mạng tháng 8-1945, các nghệ nhân dân gian nơi này lập một đội hát Bộ, ghép tên 3 làng gọi là đội văn nghệ Bình Khuê Cẩm. Năm 1953, Trường Tiểu học Bình Khuê Cẩm ra đời, chấm dứt cảnh con em 3 làng bất kể nắng mưa phải lội bộ băng qua ruộng đồng, lau lách xuống học dưới xã Hòa Thuận (nay là phường Hòa Thuận Tây, quận Hải Châu). Cho dù ngày nay trường đã được đổi tên thành Trường Tiểu học Ngô Quyền (phường Khuê Trung), nhưng chuyện đi học vất vả một thời vẫn còn được người xưa kể lại mỗi khi kỷ niệm thành lập ngôi trường mang tên 3 làng này.

Trong 3 xã anh em láng giềng, nổi bật nhất là xã Cẩm Lệ. Ngọn núi, con sông, ngôi chợ, bến đò mang tên Cẩm Lệ đều được sách Đại Nam nhất thống chí nhắc đến, như đoạn nói về chợ: “Chợ Cẩm Lệ ở xã Cẩm Lệ, huyện Hòa Vang, có hai đường rẽ, đường phía đông đến cửa biển Đà Nẵng, đường phía tây đến nguồn Lỗ Đông”. Việc được sử sách lưu danh này là một trong những “điểm cộng” để năm 2005, khi thành lập quận mới trực thuộc thành phố Đà Nẵng, các cấp thẩm quyền đã đồng ý phê duyệt tên gọi “Cẩm Lệ”.

Khi người Pháp chưa “nắn” quốc lộ về phía tây để lấy đất lập Sân bay Đà Nẵng, đoạn quốc lộ đi qua 3 làng này tạo cho nơi đây thành một miền đất trù phú. Trong đó, vùng đất Cẩm Lệ do địa thế trên bến dưới thuyền sầm uất một thời đã sớm được khách thương hồ nhiều nơi dọc theo sông nước đến bán buôn, trao đổi hàng hóa. Từ đó, địa danh Cẩm Lệ không chỉ đi vào thơ ca dân gian mà còn được chính sử ghi nhận như một thế đất quan yếu đóng góp vào sự trù phú, thịnh vượng chung của cả vùng: Thanh Hà vẫn gạch bát nồi/ Thuốc thơm Cẩm Lệ mấy đời lừng danh.

Có thể nói, nhờ đặc sản thuốc lá, Cẩm Lệ đã trở thành địa danh nổi tiếng cả nước của tỉnh Quảng Nam xưa. Ngày nay, chợ Cẩm Lệ (phường Khuê Trung) là một trong những chợ lớn quanh vùng, nhất là sau khi thành phố Đà Nẵng tiến hành một loạt chương trình chỉnh trang và phát triển đô thị như: Xây dựng cầu Cẩm Lệ; mở rộng, nâng cấp đường từ phía nam cầu Cẩm Lệ đến chợ Miếu Bông (đường Phạm Hùng); thành lập Khu đô thị sinh thái Hòa Xuân, các khu dân cư Nam cầu Cẩm Lệ...

Trở lại chuyện hai ông Trần Kim Bảng và Trần Kim Tương. Theo cuốn Lịch sử đấu tranh cách mạng phường Khuê Trung 1930-1975, sau khi khai phá ổn định các làng Hóa Khuê Bắc, Hóa Khuê Trung, hai ông cùng em gái là bà Trần Thị Kim Hoa chuyển sang khai phá vùng đất phía đông bên kia sông Cái - tên gọi dân gian chỉ sông Cổ Mân nối từ hạ lưu sông Vĩnh Điện đi qua làng Cổ Mân, ranh giới tự nhiên giữa quận Cẩm Lệ và quận Ngũ Hành Sơn ngày nay. Khai phá, quy dân lập ấp xong vùng đất mới này, hai ông đặt tên là Hóa Khuê Đông (nay là làng Khuê Đông thuộc phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn).

Tương truyền cả ba anh em họ Trần đều dốc lòng chung sức khai khẩn đất hoang để di dân lập ấp nên không ai lập gia đình riêng. Về sau, khi cả ba người lần lượt ra đi, được dân làng an táng tại Hóa Khuê Đông. Hai anh em ông Trần Kim Bảng và Trần Kim Tương được tôn vinh là Tiền hiền làng Khuê Trung. Năm 1971, các bô lão và chức sắc của Khuê Trung - Hòa Cường đưa hài cốt hai vị Tiền hiền về cải táng tại thôn Bình Hòa, xã Hòa Cường, quận Hòa Vang - (nay thuộc phường Khuê Trung, quận Cẩm Lệ). Năm 1993, mộ hai vị được trùng tu, tôn tạo trong khuôn viên khang trang, bề thế tọa lạc bên góc đường Lê Đại Hành - Tôn Thất Thuyết. Tiền hiền Trần Kim Bảng đã được đặt tên cho một đường phố cách không xa Nhà thờ Tiền hiền Khuê Trung.

Hằng năm, cứ đến ngày 16-3 âm lịch, không chỉ bà con làng Khuê Trung từ người bản địa đến người mới đến mà còn có đại diện chư phái tộc các làng Khuê Bắc, Khuê Đông cũng về viếng hương tưởng nhớ công đức nhị vị Tiền hiền trong một hoạt động chung có tên “Lễ tế Nghĩa sĩ Đà Nẵng và Hội làng Khuê Trung” tại cụm di tích gồm: Nhà thờ Tiền hiền Khuê Trung, miếu Bà, giếng Chăm, Nghĩa trủng Hòa Vang. “Lễ tế Nghĩa sĩ Đà Nẵng và Hội làng Khuê Trung” được UBND quận Cẩm Lệ tổ chức lần đầu tiên năm 2006, một năm sau khi quận mới này được thành lập.

VĂN THÀNH LÊ

.