Đà Nẵng cuối tuần

Góc nhìn về logistics trong và sau Covid-19

08:20, 16/01/2022 (GMT+7)

Trong những ngày giãn cách tháng 8-2021, tạm xa những hàng quán, những món ăn Tây - Ta, người ta nói với nhau về câu chuyện quả bầu, ký bún cứu trợ. Cũng trong hoàn cảnh khó khăn ấy, vai trò thiết yếu của logistics mới được nhìn nhận một cách đầy đủ và chính xác.

Lúc 0 giờ ngày 1-1-2021, tại Xí nghiệp Cảng Tiên Sa - Cảng Đà Nẵng, tấn hàng đầu năm được xếp dỡ từ tàu SPIRIT OF KOLKATA thuộc hãng tàu MSC. Ảnh: THÀNH LÂN
Lúc 0 giờ ngày 1-1-2021, tại Xí nghiệp Cảng Tiên Sa - Cảng Đà Nẵng, tấn hàng đầu năm được xếp dỡ từ tàu SPIRIT OF KOLKATA thuộc hãng tàu MSC. Ảnh: THÀNH LÂN

“Tắc nghẽn” có lẽ là từ chuẩn nhất để nói về thực trạng chuỗi logistics tại Việt Nam trong suốt đợt bùng phát Covid-19 lần thứ tư kéo dài hơn 6 tháng qua. Hàng quán không được phép bán trực tiếp. Cung đó - cầu đây nhưng mãi chẳng thể gặp nhau vì thiếu… giấy đi đường.

Đại dịch kéo theo sự thay đổi rõ nét về hành vi của người tiêu dùng, các trang web thương mại điện tử chứng kiến sự leo thang chưa từng có về số lượng đơn hàng cũng như thời gian giao hàng. Chợ facebook, chợ zalo rôm rả, người đăng bài, người chốt đơn, như chợ 30 Tết. Đi chợ hộ - đóng hàng - gửi xe bỗng trở thành “nghề thời vụ” hấp dẫn.

Chuỗi logistics dương tính với Covid-19

Đằng sau tất cả những sự bất tiện và “trải nghiệm mới” nói trên là một chuỗi logictics “dương tính” với Covid-19 ngay từ những ngày đầu đại dịch. Báo cáo về logistics Việt Nam năm 2020 chỉ ra rằng, tính từ đầu năm, hoạt động vận tải hàng hóa sụt giảm lên đến hơn 50 triệu tấn và gần 20% các doanh nghiệp trong lĩnh vực logistics bị rơi vào tình trạng đóng cửa tạm thời, hoặc thậm chí ngưng hoạt động, chủ yếu do những hạn chế về di chuyển giữa các khu vực và thiếu về số lượng nhân lực hay không đáp ứng được những yêu cầu về phòng chống dịch.

Những khó khăn nội tại của ngành sản xuất và Logistics chưa được giải quyết đã trở thành “điểm nghẽn” trước tác động của Covid-19. Trên “đấu trường quốc tế”, các sản phẩm hàng hóa của Việt Nam vẫn chưa cạnh tranh được với mặt hàng cùng loại từ các nước trong khu vực như Thái Lan, Philippines, Malaysia... cả về nông sản lẫn may mặc. Chi phí dịch vụ logistics tại Việt Nam vốn đã khá cao so với các nước trong khu vực, nay tiếp tục bị đẩy lên do dịch bệnh, điều này làm tăng giá thành và giảm sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam nói riêng, sức cạnh tranh của cả nền kinh tế Việt Nam nói chung.

Đồng thời, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics ở Việt Nam chưa cao so với các nước trong khu vực và thế giới... Kinh nghiệm hoạt động quốc tế chưa nhiều, thiếu sự liên kết giữa các khâu trong chuỗi cung ứng logistics, giữa doanh nghiệp dịch vụ Logistics với doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Vì vậy, ở cả chiều mua và bán, doanh nghiệp logistics Việt Nam đều bị hạn chế về sân chơi.

Thời gian tới, ngành Logistics Việt Nam dự báo tiếp tục đối diện với không ít khó khăn, thách thức do tác động bởi Covid-19, vận tải đường biển thiếu hụt container rỗng phục vụ xuất khẩu (do ảnh hưởng giãn cách xã hội toàn cầu), giá cước vận tải có xu hướng tăng...

Logistics “bình thường mới” và những bước đi cốt lõi

Bên cạnh những khó khăn, thách thức, lĩnh vực logistics Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội “vàng” từ các hiệp định thương mại tự do và sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử sau đại dịch Covid-19. Trong thời gian qua, các dự báo của các tổ chức quốc tế đối với kinh tế Việt Nam như: GDP tiếp tục tăng trưởng dương, cán cân thương mại giữa Việt Nam với thế giới tiếp tục thặng dư... cho thấy sản xuất, kinh doanh, thương mại đang hồi phục, doanh nghiệp Logistics có cơ hội để tăng tốc sau thời gian suy giảm do tác động của Covid-19.

Để chắc chắn nắm bắt được những cơ hội nêu trên, hướng đến tăng trưởng bền vững, dài hạn, bên cạnh những giải pháp đồng bộ từ chính phủ, các doanh nghiệp dịch vụ logistics cần nâng cao công nghệ, chuyên môn, nghiệp vụ nhằm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thương mại điện tử và tận dụng các hiệp định thương mại tự do (FTA)... để từng bước vượt qua khó khăn.

Cụ thể: (1) Việc phát triển mạnh mẽ ngành công nghiệp phụ trợ, hoạt động thương mại điện tử gia tăng sẽ khiến logistics trở thành một lĩnh vực thu hút đầu tư và có nhiều cơ hội phát triển. Đại dịch Covid-19 là “chất xúc tác” thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành dịch vụ logistics, trong điều kiện cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Doanh nghiệp logistics có nhiều mảng dịch vụ khác nhau nên có cách tiếp cận khác nhau, bởi hiện nay nhiều doanh nghiệp đang áp dụng những ứng dụng độc lập, cho từng mảng dịch vụ riêng lẻ.

Với vị trí cửa ngõ quan trọng trên nhiều tuyến đường nối đến các khu vực của mình, Đà Nẵng nên cân nhắc xây dựng các trung tâm khai thác dịch vụ logistics hiện đại (logistics hubs) để kết nối các hoạt động liên quan đến vận chuyển, tổ chức, tách, điều phối và phân phối hàng hóa cho vận chuyển quốc gia và quốc tế, xứng tầm với tiềm năng phát triển của mình.

(2) Các FTA, trong đó có các FTA thế hệ mới như Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA)… có hiệu lực, giúp Việt Nam hưởng lợi từ việc đẩy mạnh xuất nhập khẩu hàng hóa và là đòn bẩy tăng trưởng quan trọng sau đại dịch Covid-19. Hoạt động sản xuất và xuất nhập khẩu phát triển thì sẽ kéo theo sự phát triển của ngành logistics. Những đầu việc mà các tập đoàn vận tải và giao nhận lớn trên thế giới không làm khi thâm nhập thị trường Việt Nam sẽ là cơ hội cho doanh nghiệp Việt, nhất là những việc vận tải, giao nhận và thủ tục hải quan trong nước.

Với điểm mạnh về xuất khẩu nông - thủy sản, cùng với những lợi ích mang lại từ các FTA, nhu cầu đối với logistics lạnh được dự báo sẽ tăng lên nhanh chóng, đi đôi với yêu cầu đầu tư cơ sở hạ tầng “lạnh” tương ứng, bao gồm kho lạnh và hệ thống vận tải lạnh container lạnh và các thiết bị chuyên dụng cho hoạt động vận chuyển và giao nhận kiểm tra, duy trì nhiệt độ lạnh cần thiết.

(3) Cuối cùng, một chuỗi logistics với khả năng cạnh tranh cao, ứng dụng công nghệ triệt để cần một lực lượng nhân sự điều vận chất lượng cao tương ứng. Những năm gần đây, ngành logistics và Quản trị chuỗi cung ứng luôn đứng top đầu về điểm tuyển sinh, điều này phần nào thể hiện xu hướng phát triển của nền kinh tế. Vai trò định hướng của chính phủ, các cơ sở đào tạo, gia đình và xã hội là rất quan trọng.

Đà Nẵng được xác định là trung tâm Logistics trọng yếu của miền Trung - Tây Nguyên, cửa ngõ quan trọng của khu vực Đông Nam Á thông qua hành lang kinh tế Đông Tây. Đón đầu xu hướng phát triển này, Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng đã sớm mở chuyên ngành Quản trị chuỗi cung ứng và logistics, trở thành trung tâm đào tạo nhân lực logistics chất lượng cao hàng đầu khu vực, thu hút được một số lượng lớn sinh viên qua các năm.

Tuy vậy, theo báo cáo của Hiệp hội Phát triển nhân lực logistics Việt Nam, hiện có khoảng 3.000 doanh nghiệp có hoạt động liên quan đến logistics và dự kiến đến năm 2030, nhu cầu nguồn nhân lực về logistics sẽ trên 200.000. Trong khi đó, khả năng đáp ứng về nhu cầu nguồn nhân lực logistics chỉ khoảng 10% nhu cầu của thị trường nên có thể nói nguồn nhân lực logistics tại Việt Nam đang thiếu cả về số lượng lẫn chất lượng. Để có sự chuẩn bị nhân sự tốt nhất cho làn sóng cơ hội sắp tới, tăng thêm đầu tư vào hệ thống đào tạo nghề, nâng cao chuyên môn là điều không thể thiếu.

Trong nỗ lực chung, hy vọng ngành logistics Việt Nam sớm trở lại với “bình thường mới”, hồi phục nhanh chóng, trước mắt là để ổn định xã hội, sau đó là để đón đầu những cơ hội tăng trưởng kinh tế đầy hứa hẹn trong thời gian sắp thời.

NHÓM GIẢNG VIÊN TRƯỜNG ĐẠI HỌC KINH TẾ ĐÀ NẴNG

(ThS. Trần Đình Long, ThS. Nguyễn Thúy Hằng, ThS. Nguyễn Ngân Hà, ThS. Lê Thị Minh Hằng, Khoa Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Kinh tế, Đại học Đà Nẵng)   

.