Cầu Đôi và Tháp Đôi

.

* Tết rồi có dịp ngang qua thành phố Quy Nhơn, nghe được câu ca “Cầu Đôi liền với Tháp Đôi/ Quanh năm suốt tháng như tôi với nàng” nhưng chưa kịp tìm hiểu ý nghĩa, mong quý báo giải thích giúp (Trần Thanh Ngọc, quận Cẩm Lệ, Đà Nẵng).

Tháp Đôi được xếp vào loại đẹp “độc nhất vô nhị” của nghệ thuật kiến trúc Chămpa.  Ảnh: quynhontrip.com
Tháp Đôi được xếp vào loại đẹp “độc nhất vô nhị” của nghệ thuật kiến trúc Chămpa. Ảnh: quynhontrip.com

- Nơi cửa ngõ thành phố Quy Nhơn (tỉnh Bình Định) có hai cây cầu song song nhau, một dành cho xe lửa, một cho đường bộ, dân gian gọi là Cầu Đôi. Cách đó không xa bên đường Trần Hưng Đạo về hướng nội thành Quy Nhơn có hai ngọn tháp (tọa lạc ở phường Đống Đa), mặc dù tên gọi chính thức là tháp Hưng Thạnh nhưng người dân vẫn quen gọi là Tháp Đôi.

Cầu Đôi, theo tác giả Phan Trường Nghị trong bài Tên gọi “Cầu Đôi” có từ bao giờ? đăng trên Báo Bình Định ngày 29-5-2021, hiện tiếp giáp cả ba phường Nhơn Phú, Nhơn Bình và Đống Đa, sách xưa chép tên cầu là Tân Hội. Khu vực này vốn là phòng tuyến do nhà Tây Sơn lập ra để ngăn thủy binh của Nguyễn Ánh tiến sâu vào nội địa, tức trung tâm thành phố Quy Nhơn hiện nay. Và thực tế, nơi đây từng diễn ra nhiều trận đánh đẫm máu cả hai bên tham chiến.

Trận chiến Quý Sửu 1793, Đại Nam thực lục cho biết, thủy quân của Võ Tánh đổ bộ lên chợ Giã, phá vỡ phòng tuyến “cầu Tân Hội”, qua cánh đồng Bình Thạnh, phối hợp với bộ binh vượt đèo Cù Mông vây đánh quân Tây Sơn ở núi Úc, núi Kỳ Sơn.

Trận chiến năm Tân Dậu 1801, dù quân Nam của Nguyễn Ánh thắng trận hải chiến Thị Nại nhưng không thể phá vỡ phòng tuyến cầu Tân Hội của quân Tây Sơn do Trần Quang Diệu chỉ huy. Cuộc chiến giằng co tại cầu Tân Hội rất căng thẳng đến mức quân Nam có một viên Vệ úy bị trúng đạn chết ở đồng Bình Thạnh.

Phòng tuyến cầu Tân Hội cũng được Đại Nam nhất thống chí nhắc đến ở mục nói về cầu trong tỉnh Bình Định, rằng thuở bấy giờ cầu Tân Hội đã được người đời quen gọi với tên là Cầu Đôi.

Về Tháp Đôi (tháp Hưng Thạnh), tài liệu về du lịch của thành phố Quy Nhơn cho biết, được xây dựng vào cuối thế kỷ XII, là một công trình kiến trúc đẹp và độc đáo gồm hai tháp. Tháp Đôi được xếp vào loại đẹp “độc nhất vô nhị” của nghệ thuật kiến trúc Chămpa. Cả hai ngôi tháp đều không phải là tháp vuông nhiều tầng theo truyền thống của tháp Chăm mà là một cấu trúc gồm hai phần chính: khối thân vuông và phần đỉnh hình tháp mặt cong, các góc tháp hiện lên những tượng chim thành Garuda hai tay đưa cao như muốn nâng đỡ mái tháp. Vòm trên của các cửa vút cao lên như những mũi tên. Kiến trúc của Tháp Đôi chịu ảnh hưởng của nghệ thuật Ấn Độ giáo. Tháp Đôi được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng là di tích Kiến trúc Nghệ thuật năm 1980.

Hình ảnh Cầu Đôi, Tháp Đôi đi liền đủ đôi đủ cặp là nguồn cảm hứng để dân gian sáng tác lên những câu ca thắm đượm tơ duyên đôi lứa “Cầu Đôi liền với Tháp Đôi/ Quanh năm suốt tháng như tôi với nàng”; hoặc chứa chan nhân nghĩa “Cầu Đôi mà Tháp cũng Đôi/ Dễ chi nhân nghĩa mà dời được sao”...

Nhà thơ Quách Tấn trong cuốn Nước non Bình Định có chép câu ca diễm tình về Tháp Đôi và Cầu Đôi như sau:

“Tháp kia còn đứng đủ đôi/ Cầu còn đủ cặp, huống chi tôi với nàng/ Tháp ngạo nắng sương/ Cầu nương sắt đá/ Dù người thiên hạ/ Tiếng ngả lời nghiêng/ Cao thâm đã chứng lòng nguyền/ Còn cầu, còn tháp còn duyên đôi lứa mình”.

ĐNCT

;
;
.
.
.
.
.