Đà Nẵng cuối tuần

Mùa xuân ra đồng đi cấy

15:16, 26/02/2022 (GMT+7)

Ra Giêng, tiết trời ấm hẳn, nắng xuân gieo rắc muôn nơi màu vàng sóng sánh như giọt mật non tràn từ phiến lá rồi loang xuống mảnh sân gạch đỏ au. Mẹ tất bật dậy từ rất sớm, chân ống thấp ống cao lội xuống ruộng thăm mạ, da nhăn nheo vì lạnh.

Xuân gieo vào cánh đồng làng hy vọng chỉ mai nay thôi, cây lúa sẽ thêm xanh tốt. (Ảnh minh họa) Ảnh: XUÂN HIẾU
Xuân gieo vào cánh đồng làng hy vọng chỉ mai nay thôi, cây lúa sẽ thêm xanh tốt. (Ảnh minh họa) Ảnh: XUÂN HIẾU

Gạt bỏ dư âm của việc ăn chơi, người người nhà nhà dắt trâu bò xuống ruộng cày bừa, gồng gánh phân gio. Muôn nẻo đường làng tiếng bước chân thậm thịch. Tiếng cười đùa rộn ràng quyện hòa cùng bản nhạc xuân được phát ra từ những chiếc loa treo trên cột điện nghe náo nức vô cùng.

Theo tiêu chuẩn dựa vào đầu người, nhà tôi có hơn ba sào ruộng để trồng lúa. Mà chỉ cần ba sào ruộng thôi, mẹ nói có thêm đất cũng không đủ sức để làm. Nắng xuân vàng ấm áp nhưng đặt chân xuống ruộng vẫn cảm giác lạnh buốt thấu đến tận da thịt. Ngày xưa nghèo, cơm ăn áo mặc phải chắt chiu, cân đo đong đếm từng chút một, mua sắm một đôi ủng để đi cho ấm chân trong vụ cấy cày mà người dân đâu dám mua, cứ thế chân trần lội ruộng, bùn bám chặt đầy chân. Những đứa trẻ như tôi ngoài sợ lạnh còn mang trên mình một nỗi sợ mang tên loài đỉa, những con đỉa háu ăn chực chờ bàn chân người đặt xuống, cứ thế mà bám hút máu cho đến khi tròn quay.

Trên cánh đồng xâm xấp nước, màu trắng bạc lấp lóa cùng ngọn gió xuân xôn xao, mùa cấy ùa về như mùa hội. Cánh đàn ông xúc mạ, rải mạ, rải phân gio; cánh phụ nữ cặm cụi bứt từng dẻ mạ cắm xuống ruộng. Việc cấy lúa nặng nhọc nhưng đong đầy niềm vui. Nhà này sang giúp nhà kia khi phần ruộng nhà mình đã xong xuôi. Nhiều khi cả năm chỉ gặp mặt đôi lần vào vụ cấy gặt nhưng tình nghĩa người dân bao la, chẳng ngại ngần gì chuyện giúp nhau.

Non trưa, tấm lưng đã thấm mệt, đau nhức, những tiếng hò nhau lên bờ nghỉ ngơi. Đàn ông quây quần bên điếu thuốc, chén trà. Phụ nữ túm tụm lại vào những miếng bánh, gói kẹo, sợi mứt còn dư trong dịp Tết, ra xuân đi cấy mang theo. Nhớ mùa cấy, tôi lại nhớ hình ảnh bố cặm cụi trong chiều ba mươi Tết để gói thêm bánh chưng, bánh tét. Người không quá thích ăn bánh chưng nhưng vì vợ con thích nên bố gói thêm, nói ra Tết đi cấy mang đi còn có cái ăn. Bánh chưng bố gói với nếp nương thơm dẻo, nhân đậu xanh thơm lừng, quyện với thịt ba chỉ béo ngậy. Tuy ra Tết gần tuần lễ rồi nhưng hạt nếp vẫn dẻo dính, ai nấy ăn đều tấm tắc khen ngon. Trong làn gió xuân xôn xao, tiếng nói cười râm ran, kể cho nhau nghe về Tết và những ước hẹn đầu xuân.

Tôi ngồi trên trạt cỏ nội ngát xanh, nhìn nắng xuân hưng hửng, gió xuân lao xao, nghĩ về ngày cây lúa ngày mai sẽ tươi tốt, lên đòng và nặng trĩu hạt. Phía bên kia trên những ô ruộng, có khúc hát nào vang lên da diết. Một khúc hát chèo, một câu ca quan họ, hay một câu Kiều làm không khí xuân càng dâng tràn, càng náo nức. Tiếng hát giục giã lòng người, đôn thúc nhanh xong công việc để còn đi dự hội làng. Những trận kéo co, màn hát giao duyên, những trò chơi cờ người, liền anh liền chị xúng xính áo quần trong mưa xuân phấp phới bay và hoa xoan nở tím trời thương nhớ.

Tôi lớn lên rời làng rồi lên phố học tập, những mùa cấy tôi thi thoảng mới về và có dịp xuống đồng cùng mẹ. Vẫn là cảm giác ấy, nước lạnh cóng cả tay chân, lưng mỏi nhừ, đau nhưng nhức cả đêm. Từ hơn ba sào ruộng, giờ đây nhà tôi chỉ cấy một sào. Anh chị em tôi thương bố mẹ già cả còn phải xuống đồng cấy, nhưng bố mẹ bảo phải làm lụng mới thấy vui, thấy khỏe.

Thi thoảng ngày trở lại thành phố, trong ba lô của mỗi đứa con có thêm ít cân gạo mẹ trồng dưới đồng. Ăn hạt cơm dẻo lại bùi ngùi nhớ bố mẹ, nhớ những ngày tháng vất vả. Hương bùn thoang thoảng len vào trong giấc mơ quyện hương mùi mạ non… Xuân gieo vào cánh đồng làng hy vọng chỉ mai nay thôi, cây lúa sẽ thêm xanh tốt.

NGUYỄN VĂN CHIẾN

.