Đà Nẵng cuối tuần
Nơi xuân ngang qua
Nhiều người mặc định mùa xuân thường về trên những cánh đồng, mùa xuân về trên bờ bãi ven sông. Riêng tôi, mùa xuân phải về đầu tiên ở một nơi gần hơn, gần đến nỗi chỉ một ánh mắt là ta có thể chạm đến tất cả những dấu hiệu của một mùa mới đang ùa về. Phải rồi, nơi đầu tiên mùa xuân ghé đến phải là trên những mái nhà.
Sau Tết, những ngày còn mùng, thời tiết bao giờ cũng dày sương và khá lạnh. Trời vừa tối, sau khi ăn uống, ai nấy mắt díp lại, chỉ muốn chui ngay vào chăn ấm, chuyện trò vài câu rồi đi ngủ liền. Ngủ sớm nên thức giấc sớm, khi không gian bên ngoài còn im lìm và tối mịt, tôi nằm nghe tiếng sương rơi.
Sương rơi trên mái nhà, sương rơi trên lá non… Những tầng lá mùa xuân non mềm, mướt mịn nên đón bước sương đi rất khẽ. Chỉ thỉnh thoảng mới có tiếng lộp độp, lộp độp, tôi biết ngay sương đang rơi trên mái nhà.
Khác với những mái nhà thành phố, mái nhà ở thôn quê không chỉ là một vật dụng mà còn là một nơi chốn để hoa cỏ, chim muông đi - về, trú ngụ. Bao giờ cũng thế, vào những sớm mùa xuân, thường chỉ nghe tiếng những chú chim sâu, chiền chiện, chìa vôi, bởi chúng đang lách chách từ một tổ ấm nào đó trên mái nhà.
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG |
Cha tôi bảo, cũng giống như con người, những chú chim vào mùa xuân luôn vui vẻ nên chăm chỉ hót, trò chuyện với nhau nhiều hơn. Chúng không cần bay xa mới kiếm đủ thức ăn, không cần đến những tầng cây rừng có tán dày mới có nơi làm nhà đủ che gió lạnh, những con chim mùa xuân cứ quanh quẩn bên chân người, đậu lại trên những mái nhà, hàng hiên hoặc trước vạt ngò, vạt cải. Đôi khi, chính tiếng hót líu lo, điệu bộ tươi vui quấn quýt ấy lại giúp tôi liên tưởng đến không khí của một mùa xuân ngọt ngào và nhiều năng lượng nhất.
Mái nhà mùa xuân mờ sương và rộn tiếng chim ban sớm nhưng lại trầm mặc, thinh lặng vào ban chiều. Hẳn khói bếp cũng dự phần khá nhiều cho điều này. Sau khi rời chái, khói trở nên bảng lảng, tự do nhưng vẫn chưa hoàn toàn rời đi, chúng nán lại trên những mái nhà. Phải chăng khói muốn đưa ra một tín hiệu gì đó về bữa cơm gia đình, về bóng dáng lui cui của người thân.
Bếp tháng Giêng không còn ồn ào như bếp tháng Chạp, không rộn ràng mứt, bánh và những đợi chờ. Bếp tháng Giêng lắng lại bởi những nỗi niềm bâng khuâng. Mẹ muốn gom những hương vị Tết quen thuộc và ngọt lịm cuối cùng để tiếp tục đắp bồi, dụ dỗ bước chân của những đứa con chuẩn bị xa quê. Có thể mẹ bảo con hãy khẩn trương, sẵn sàng cho chuyến đi, thế nhưng ánh mắt, đôi tay mẹ lại vô thức làm tất cả những điều để giữ con ở lại bên mình.
Mái nhà mùa xuân cũng có rất nhiều rêu. Sau một mùa đông dài gió bấc và mưa lạnh, những con nắng ấm ghé đến như chất xúc tác nhiệm màu, thổi bừng sức sống vốn luôn tồn tại trong những mầm xanh nhỏ bé, mịn màng, dai dẳng.
Không như đám rêu trước hiên nhà, luôn gây cảm giác e ngại và sợ hãi vì sự trơn trượt, không an toàn, đám rêu trên mái có được sự chấp nhận đầy đặc cách. Ở những ngôi nhà thật cũ, rêu sẽ bám vào gờ tường rồi lan dần lên các kẽ ngói, ở lại đó như một phần không thể tách rời của toàn bộ công trình. Rêu trên ngói không phẳng mịn, những thân rêu dù nhỏ bé nhưng vẫn mập mạp, nhiều cành nhánh túm tụm vào nhau. Đặc biệt, nếu ai đó nhìn kỹ sẽ thấy hồ như sắc xanh của rêu còn ánh lên lấp lánh. Chúng ấm áp và bừng sáng như tất cả những gì còn sót lại vào cuối mùa.
Thật ra, mùa rêu là mùa mưa. Khi nước nhiều, độ ẩm cao, rêu mới có cớ để tìm đến và tồn tại. Thế nhưng, mùa mà không hẳn là mùa, rêu chỉ thực sự sinh trưởng tốt khi trời hé nắng nhẹ, bởi như tất cả các loài cây khác, rêu cũng cần thở, cần quang hợp. Những sắc xanh đua nhau vươn lên đầy mạnh mẽ trước khi sức nóng gắt gao, hầm hập của mùa hè ùa đến làm tất cả phai tàn.
Hiện tại, không còn nhiều mái nhà phủ rêu, không còn nhiều mái nhà có chim làm tổ, không còn nhiều mái nhà ám khói. Thay vào màu nâu sẫm của đất nung, gạch ngói con người bây giờ chuộng sự tươi sáng và tính bền chắc của mái đúc bằng, của những tấm tôn lạnh. Và những ai sống dưới những mái nhà này, sinh ra những thế hệ sau này hẳn sẽ phải dựa vào những điều gì khác để cảm nhận được mùa xuân.
Riêng tôi, những mái nhà cũ xưa mới là nơi thân thuộc giúp mình nhận ra, nâng niu sắc xuân, hương xuân, hơi thở của mùa xuân trọn vẹn nhất.
Nơi mùa xuân ghé đến đầu tiên là trên những mái nhà!
DIỆU THÔNG