Trọn một mùa vui

.

1. Hôm mẹ gọi điện thoại cho Mẫn là chiều mưa muộn. Từ ô cửa sổ nhìn ra khoảng trời mây xám xịt, lòng Mẫn bời bời những nỗi niềm riêng. Những ngày này, nhìn dòng người ngược xuôi theo chuyến về cho mùa đoàn viên, lòng những đứa con bôn ba tha hương như Mẫn cũng chộn rộn.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Bốn năm trọ học, lại thêm cả chục năm lăn lộn ở đất này, quá ba mươi tuổi, Mẫn cứ băn khoăn cái quyết định ở lại phương Nam nắng ấm. Lắm lúc mẹ bảo về đi, mở cái tiệm nho nhỏ ngay nhà, làm dăm ba thứ vụn vặt của nghề cũng đủ nuôi thân. Quê mình giờ phát triển rồi mà con! Mẹ buông câu cảm thán rồi thở dài thườn thượt. Mẫn cúp máy mông lung một đỗi rồi lại bị cuốn vào vòng xoay cơm áo gạo tiền. Nơi đây, chỉ cần chậm tích tắc một giây lỡ nhịp chân bước, thiên hạ đã đi đôi ba dặm dài.

Mẫn có một công ty nho nhỏ làm biển quảng cáo ngoài trời, mấy cái bảng hiệu, hay hộp đèn led trang trí. Công việc đủ để mấy anh em cùng quê bám trụ với đất Sài Gòn. Căn nhà thuê mất đứt hai mươi triệu hằng tháng. Phía dưới làm mặt bằng kinh doanh, phía trên để thầy thợ nghỉ ngơi. Mỗi đêm rã rời xong các đơn hàng, đám anh em tụ lại chung mâm cơm, cười nói rổn rảng đôi chút cho đỡ nhớ nhà, cho bớt chút mệt, rồi chia nhau mỗi thằng một góc mà ngủ. Thoảng khi giữa đêm tối có thằng mớ sảng, trong tiếng ú ớ gọi mẹ gọi bố. Có hôm thằng Mãnh bật ngồi dậy, quýnh quáng khều anh em, mưa rồi tụi bây, đài báo bão, leo lên chằng lại mái nhà đi. Cả đám dụi mắt ngó nhau. Thằng ngủ mớ chuyện hồi chiều chứ gì!

Đó là hôm Sài Gòn còn đỉnh dịch. Cửa tiệm đóng, mấy anh em sống co ro trong căn nhà thuê. Hằng ngày chia nhau nấu nướng, rồi gọi điện thoại về nhà tí tởn vài câu chuyện vui để ở quê bố mẹ bớt lo lắng. Chừng nghe trong điện thoại người nhà báo bão. Thẩn thờ nhìn nhau. Mỗi đứa lại lăn vào góc riêng của mình trên căn gác dài. Chẳng ai nói ai. Thành phố ngoài kia im lìm và lặng ngắt. Mắc kẹt lại giữa thành phố trong cơn đau đáu nỗi lòng của xứ quê. Mấy thằng con trai cố lùa miếng cơm chiều mà mắt đỏ hoe.

2. Mãnh lúi húi ráp dãy đèn nhấp nháy xanh đỏ giao cho một công ty. Dòng chữ “Chúc mừng năm mới” khiến nó lựng khựng vài lần. Chốc chốc lại để ý cái điện thoại trong túi quần. Sao mình đăng ký lâu rồi mà không ai trả lời vậy tụi mầy. Hay chắc đông quá nghẽn mạng rồi. Ủa còn thằng Nghĩa mua được vé xe chưa. Chậm thêm một ngày có khi chẳng về được. Mãnh ngẩng đầu hỏi thằng Linh. Cũng chỉ hai cặp mắt nhìn nhau mà chẳng thằng nào trả lời được. Lại cắm cúi làm.

Mấy hôm trước, Mẫn bảo hội đồng hương Đà Nẵng ở Sài Gòn tổ chức chuyến bay 0 đồng cho công nhân nghèo quê mình về ăn Tết. Bốn thằng hí hửng kê khai rồi thấp thỏm chờ. Nghe đâu sẽ được xét duyệt tuần tự theo chế độ ưu tiên người già, trẻ em, phụ nữ rồi mới đến thanh niên. Mẫn bảo hay chạy ra bến xe đặt vé xem sao. Bốn đứa nhẩm tính rồi lại thở dài. Dịch khiến công việc ngưng trệ gần nửa năm. Số tiền ít ỏi còn sót lại đã bù vào tiền thuê nhà. Mấy bữa ăn thì có khi nhờ tiếp tế từ hàng xóm, hay gói quà nghĩa tình của hội đồng hương. Nay mới bắt đầu làm lại, tiền hợp đồng trang trải vào chi phí mua sắm vật tư hết rồi. Tiền công đợt này, chỗ hẹn hai ba, chỗ hẹn hai lăm, có chỗ bảo hai chín tháng Chạp mới quyết chi thanh toán, lấy tiền dư đâu mà chạy mua vé. Ngó tới ngó lui, đành cắn răng chờ thêm vài ngày nữa coi sao.

Bốn anh em hữu duyên mà gặp nhau giữa đất Sài Gòn. Đứa kỳ cựu như Mẫn cũng là mười bốn năm. Đứa ít nhất cũng đã tám năm như thằng Linh. Mỗi đứa một cuộc lang bạt gắn liền với chuyện đời của riêng mình. Xuôi ngược nơi thị thành phồn hoa này rồi run rủi sao đó lại cùng nhau thành lập cái công ty để mưu sinh. Dẫu sự mưu sinh trên đất xa người lạ nhưng chí ít cũng qua ngày đoạn tháng. Như Mẫn hay nói mỗi lúc đám anh em quây quần lai rai ngày cuối tuần rằng tụi mình tha hương, thương nhau mà sống. Đâu có thằng nào làm chủ, thằng nào làm tớ ở đây. Mình là anh em. Cùng nắm tay nhau để gầy dựng. Còn khó khăn là còn có cơ hội. Đừng nản chí nha tụi mầy. Bốn đứa lại bá vai kề cổ mà hát ngêu ngao. Mấy câu hát trúc trắc trọ trẹ tiếng quê mà tan loãng giữa gió trăng thị thành.

3. Mẫn bảo vẫn chưa có vé về. Mẹ lặng yên trong điện thoại. Hay để mẹ gởi cho con ít tiền, mấy anh em thuê xe về chung. Coi vé máy bay giá có mắc chút đỉnh thì về đi con. Hai ba Tết rồi mà! Mẫn chối đây đẩy. Mẹ gởi làm chi, con có tiền mà. Tại người về đợt này đông quá, mình đăng ký rồi mà họ chưa sắp xếp kịp. Thể nào con cũng về. Mẹ làm thịt muối đi là vừa. Năm nay mẹ hấp bánh tổ ít lại nhé, nhà có bao người đâu. Mà bánh tét cũng gói vừa vừa thôi mẹ ạ! Năm nào ra Giêng cũng dư quá chứng. Mẫn dặn dò mẹ như một lời nước đôi. Lỡ chẳng kịp chuyến về cái Tết này thì cửa nhà cũng không ê hề. Bố mẹ già rồi, bày biện càng nhiều khéo lại càng thêm mệt.

Hai ba Tết, Sài Gòn bắt đầu thưa người. Nghĩa nói vẫn chưa có vé xe, ngoài bến xe hình như người ta phát số, sáng chạy ra là hết số, chiều canh chạy ra cũng bị lắc đầu. Lót tót đi ra ngoài gặp đám phe vé thì tụi nó làm tiền, một số nó đòi hai trăm ngàn đồng. Tụi bây coi tức hông? Thằng Nghĩa uống nước ừng ực khi vừa về từ bến xe. Nghĩa cũng có hẳn mười năm lăn lộn trên đất này. Thằng con trai của bán đảo Sơn Trà da ngăm đen, tính tình có chút cục mịch nhưng hễ nhắc tới quê là mắt đỏ hoe. Thỉnh thoảng trong cơn say, thằng Nghĩa nói cứ đứng từ Sơn Trà nhìn xuống là thấy bao la biển. Ngó lên lại thấy xanh mướt núi. Không nơi đâu có bốn mùa như Sơn Trà. Nè mùa xuân là hoa cỏ rực rỡ. Mùa hè nắng nóng khô người, mưa dầm dề. Mùa thu thì cây trên núi trút lá vàng đẹp như mấy bộ phim Hàn Quốc. Còn mùa đông đó nha, tụi mầy lên thử Sơn Trà thấy gió lạnh phà vào người run như sậy. Có đêm nói chuyện thở ra khói luôn.

Thằng nghĩa dứt lời là y như cả đám cười ì đùng. Ủa mỗi Sơn Trà đẹp à. Chỗ tụi tao có khác chỗ mầy chắc? Mặc cho mấy đứa bạn chọc lại mình, Nghĩa vẫn sừng cồ, nhưng mà chỗ tụi mầy không thể có thứ này. Thứ này là thứ chỉ có ở Sơn Trà tao thôi. Thế chỗ mầy có gì? Thằng Mãnh ưa cắt cớ đùa dai với Nghĩa mỗi khi thấy thằng bạn bắt đầu tía tai đỏ cổ. Thì chỗ tụi mầy không có Thàn Mát đâu nhá. Cái loài hoa tím biếc đẹp mê hồn. Người Sơn Trà hễ yêu nhau mà đến cây Thàn Mát gieo cặp chỉ đỏ chín tấc vắt lên được cành cây là sẽ ăn đời ở kiếp hạnh phúc vẹn tròn. Chẳng biết do câu chuyện của thằng Nghĩa kể hay do ai cũng đã cười mỏi mệt nên đành gật gù. Ừ thì Thàn Mát chỗ mầy là độc nhất Đà Nẵng đấy!

4. Chục năm trước Mẫn gặp thằng Linh, thằng nhỏ co ro trong bộ áo thùng thình nơi góc phố, ngơ ngác mếu máo vì vừa bị giựt cái ba lô. Em mới từ Đà Nẵng vào. Đang trả giá xe ôm để đi về Bình Chánh. Bạn em nói giới thiệu cho em đi làm công nhân. Anh ơi! Giờ em mất hết đồ rồi. Cái giọng Đà Nẵng quen quá chừng. Mẫn vỗ về rồi chở thằng nhỏ lên công an phường báo mất. Lại thủ thỉ dạy, xứ này đâu như quê, ngó qua ngó lại là tụi lưu manh nó thó liền tay. Đưa thằng nhỏ về cho ở tạm, ai dè thằng nhỏ mê cái nghề làm biển quảng cáo, lại thêm phần chăm chỉ. Vậy là ráp thành đội hình ngon lành.

Cái công ty nhỏ xíu được Mãnh và Mẫn dựng lên. Quyết dốc hết tiền túi để dành sau bao nhiêu năm tháng miệt mài kiếm được ra mở cái công ty mà làm riêng. Hai thằng bạn chí thú mà dần dà có thêm nhiều mối lái. Thậm chí người trước giới thiệu người sau. Công việc thuận lợi, lèo lái công ty ổn định để đám thầy thợ được chút ít gởi về quê phụ giúp gia đình.

Nhưng cơn dịch tràn qua, bao nhiêu tích cóp lần lượt phải bù lỗ. Nhiều lần Mẫn nhìn Mãnh, nhìn về góc phòng có hai thằng bạn đồng hương rồi tự vỗ vai nhau an ủi. May mà còn nguyên bốn đứa. Thì thôi coi như tình hình chung.

Hai mươi lăm Tết, Sài Gòn vắng vẻ hẳn. Mấy công trình đã bắt đầu thanh toán tiền. Sáng sớm, Mẫn bảo Nghĩa chở Mãnh ra bến xe miền Đông canh vé. Phần Mẫn thì liên tục hỏi các nhà xe chạy tuyến đường miền Trung. Tới trưa, Mãnh điện thoại báo vẫn chưa mua được vé. Các hãng xe bảo hết chuyến. Chờ xem có xe tăng cường không thì mới trả lời. Hai thằng lủi thủi quay về. Nghĩa buông mình xuống ghế bảo nãy gặp người quen ở Sơn Trà, họ đặt vé từ hồi đầu tháng Chạp lận. Họ dọn về luôn. Cơn dịch còn treo lủng lẳng. Bám trụ ở Sài Gòn đủ rồi, giờ thì cũng đến lúc phải về. Gánh gồng bao nhiêu thời gian họ cũng đắm đuối.

Mãnh thở dài nhìn ngoài phố, đám nắng chạp vàng hươm nhún nhảy trên tán lá cây si già xanh rì. Thành phố bắt đầu giăng mắc đèn lấp lánh. Đường hoa Nguyễn Huệ cũng được làm. Mấy cái băng-rôn mừng xuân treo dọc thân cây càng làm lòng Mãnh thêm bồn chồn. Có khi nào lại bị mắc kẹt cái Tết này ở Sài Gòn không tụi mầy? Câu hỏi của Mãnh buông lửng vào không trung mà khiến đám bạn trĩu nặng lòng. Gió Tết đâu có lạnh mà lòng mấy thằng con trai Đà thành bỗng se sắt.

5. Tầm này nè là nhà tao bắt đầu sơn sửa lại. Rồi mẹ với mấy dì bắt đầu làm bánh đậu xanh nướng, bánh khô khảo hay bánh bảy lửa nè. Mà xét về cái món bánh tổ là mẹ tao nổi tiếng nhất xóm đó. Phải là nếp hương, phải là đường bát, rồi thêm gừng giã nhuyễn nữa. Bố đan rọ bằng nan tre xong lót lá chuối cho mẹ hấp bánh. Có khi thì cắt ra ăn, có khi đem nướng phồng lên, nhưng ngon nhất là chiên. Mãnh kể mà đôi mắt xa xăm. Bàn cơm trưa của ngày hai sáu Tết, mấy thằng con trai bắt đầu thèm vị Tết quê. Cái thèm nó kéo theo mớ ký ức ùa về.

Ngoại em gói bánh tét ngon kinh hồn đó anh. Năm nào cả xóm cũng góp tiền vào để gói bánh, kể ra là vui như hội. Thằng Linh tiếp lời thể chừng như sợ cái vị quê bị thiếu sót. Thích nhất là cách tét bánh ra khoanh tròn của ngoại. Ngoại ngậm một đầu dây lạt, phần còn lại ngoại quấn quanh đòn bánh, cứ vậy mà xiết từ từ đòn bánh. Mấy khoanh bánh đều tăm tắp, chẳng rớt miếng nhưn nào ra ngoài. Nhưng cái khoản làm thịt dầm mắm của ngoại là đỉnh lắm. Thịt phải ít mỡ thôi nhen. Lấy dây lạt buộc thịt thành từng cục to tròn rồi đem luộc chín. Sau đó là nấu nước mắm. Cứ một chén mắm là một chén đường nấu cho sền sệt lại. Rồi sắp thịt vào hủ đổ nước mắm ngập lên. Bốn năm ngày thịt vàng là ăn được. Tết này mấy anh ghé về Hòa Vang đi, bảo đảm ăn thử một lần là mê liền.

Thằng Linh buông câu nói xong, cả đám lại ngó nhau. Chưa có tấm vé nào để mấy đứa con xa quê kịp về cho trọn vẹn mùa sum vầy này với gia đình. Đang im lặng lùa cơm thì điện thoại Mẫn reo. Chẳng biết đầu dây bên kia là ai, chỉ thấy thằng con trai hơn ba chục tuổi nhảy cẫng lên dạ liên tục. Chừng cúp máy rồi, nó hét toáng lên có vé 0 đồng của hội đồng hương rồi tụi mầy ơi.

Chiều nay họ hẹn mình lên lấy mã vé và hoàn tất thủ tục đăng ký. Mấy thằng còn lại nghe chừng như mùa xuân đâu đó trong lòng.

Chiều hai bảy Tết, bốn thằng con trai hồ hởi đèo nhau lên văn phòng hội. Đường phố thưa người trong cái tiết xuân ấm áp của Sài Gòn. Bàn đăng ký kê sẵn giấy tờ, mấy chú đồng hương bảo chỉ còn bốn cái vé cuối cho chuyến sáng mai. Rồi có tiền bạc chi về quê ăn Tết không? Hội cho mỗi đứa phần quà ít bánh trái đem về gia đình vui xuân đấy. Mấy thằng con trai nghe sống mũi cay xè.
Lấp ló ngoài cổng văn phòng hội nghe đâu ồn ào. Ngoảnh đầu lại thấy cô gái trẻ và thằng con nhỏ, tay dắt thêm bà mẹ già, nước mắt ngắn dài...

Câu chuyện ngày cuối năm khiến những người có mặt tại văn phòng hội đồng hương nhìn nhau lặng lẽ. Dường như chẳng thể tìm đâu thêm vài chiếc vé cho họ. Cả không gian như đứng yên. Những cụm mây từ thinh không chênh vênh, bàng bạc màu ghi xám.

Thôi con tính vầy nè chú. Tụi con nhường vé cho gia đình chị ấy nha. Đủ bốn vé cho họ luôn. Mẫn nói rồi dắm dúi vào tay cô gái trẻ một ít tiền. Bốn thằng con trai lại đèo nhau ra về. Thành phố hôm đó gió lộng phơi phới.

6. Bên mâm cơm tối, Mẫn bảo bốn anh em sẽ về bằng xe máy. Mình cứ lên trang của hội đồng hương nhắn tìm người đi chung thành nhóm. Đường về đâu có xa, đường về nằm trong chính mình mà thôi. Miễn là mình có tha thiết với cái niềm sum vầy bên gia đình hay không mà thôi. Chắc cũng còn sót lại nhiều người không đủ điều kiện đi máy bay, cũng chưa kịp mua vé xe như tụi mình mà.

Tin vừa đăng lên trang của hội đồng hương đã thấy rôm rả người hẹn giờ hẹn điểm tập kết. Đã thấy mấy bạn đi xe máy chụp hình chặng về đường sá thông thoáng. Vài người bảo chỉ vào tới địa phận tỉnh, đã có bà con tiếp tế xăng miễn phí, hoặc tặng bữa ăn nghĩa tình để mình tiếp tục về nhà. Cái tin nhắn mới ngót chừng một tiếng đã quy tụ gần ba chục thành viên. Bốn đứa con trai lại thấy lòng mình ấm áp lạ kỳ. Đứa hẹn sẽ lên Sơn Trà. Đứa bảo nhất định về Hòa Vang nha. Rồi sắp xếp cùng nhau lên Ngũ Hành Sơn một chuyến.

Mẫn chẳng báo mẹ, để bất ngờ vỡ òa. Mẫn tin ai rồi cũng sẽ kịp cho chuyến về đong đầy niềm sum vầy, trọn một mùa vui với đất trời quê hương.

TỐNG PHƯỚC BẢO

;
;
.
.
.
.
.