Đà Nẵng cuối tuần

Cần sự quan tâm của gia đình và toàn xã hội

13:28, 20/03/2022 (GMT+7)

Mâu thuẫn trong các mối quan hệ gia đình, bạn bè, áp lực về thành tích học tập hay sự áp đặt, cách đối xử thiếu công bằng của cha mẹ vô tình khiến trẻ rơi vào những suy nghĩ tiêu cực, dễ dẫn đến các hội chứng rối loạn lo âu, trầm cảm, thậm chí tự tử.

Rối loạn trầm cảm ngày càng gia tăng ở người trẻ. Trong ảnh: Thạc sĩ Tâm lý học Nguyễn Thị Hồng Nhung, giảng viên khoa Tâm lý - Giáo dục, Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng), Phó Giám đốc chuyên môn Công ty Nghiên cứu và Tham vấn tâm lý Family, điều trị tâm lý cho thân chủ. Ảnh: ĐAN TÂM
Rối loạn trầm cảm ngày càng gia tăng ở người trẻ. Trong ảnh: Thạc sĩ Tâm lý học Nguyễn Thị Hồng Nhung, giảng viên khoa Tâm lý - Giáo dục, Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng), Phó Giám đốc chuyên môn Công ty Nghiên cứu và Tham vấn tâm lý Family, điều trị tâm lý cho thân chủ. Ảnh: ĐAN TÂM

Theo các chuyên gia tâm lý, rối loạn trầm cảm thường gặp và phổ biến trong giai đoạn phát triển trẻ vị thành niên, đây cũng là nguyên nhân dẫn đến nhiều vụ tự tử ở lứa tuổi này, cần sự quan tâm của gia đình và toàn xã hội.

Trầm cảm vì sốc tâm lý

N.T.M.L (20 tuổi, sinh viên một trường đại học trên địa bàn Đà Nẵng) sau một lần cãi nhau với bạn bè đã mắc chứng rối loạn lo âu trầm cảm phải nghỉ học nửa chừng. Bố mẹ ly hôn khi L. còn nhỏ, sau đó cả bố và mẹ đi bước nữa nên gửi L. cho bà ngoại nuôi. Tuổi thơ L. lớn lên thiếu tình thương từ cha mẹ, thiếu sự tương tác, bảo vệ của gia đình, dần dà L. ít nói, ít chia sẻ.

Trong lúc L. tìm đến các chuyên gia tâm lý trị liệu thì mẹ đón em về chăm sóc. Nhờ kỹ thuật trị liệu của các chuyên gia và sự đồng hành của mẹ, L. giảm dần các triệu chứng trầm cảm, kiểm soát tốt các vấn đề của bản thân và chuẩn bị trở lại trường học.

L. bộc bạch: “Trước đây, em rất cô đơn, mẹ có gia đình mới nên em và mẹ dường như không đồng cảm, không có tiếng nói chung. Trong giai đoạn em bị bệnh, mẹ đã cố gắng chăm sóc em, nhờ vậy em mới vượt qua được rối loạn trầm cảm”.

Cũng như L., cách đây gần 3 năm, T.T.H (20 tuổi, quận Ngũ Hành Sơn) rơi vào tình trạng trầm cảm sau một cú sốc tâm lý tại trường. Thời điểm đó, H. lúc nào cũng buồn chán, sống khép kín. H. chia sẻ: “Em bắt đầu có những triệu chứng trầm cảm từ những năm học lớp 10 do nhiều đêm thức trắng để học. Lúc đó, em chỉ bị đau đầu kéo dài nhưng phải dùng thuốc hỗ trợ. Thời gian sau, tình trạng được cải thiện dần, nhưng cú sốc tâm lý năm học lớp 12 do xích mích với bạn bè khiến em như muốn vỡ tung, không kiềm chế được, em chỉ muốn bỏ học, không muốn gặp và nói chuyện với bất cứ ai”.

H. cũng cho biết, những tháng ngày đó, em chỉ nằm trên giường, không muốn làm gì, thậm chí em hay giận dỗi vô cớ và la hét, có những hành động gây hại bản thân. Nhưng giờ đây, sau hơn một năm đồng hành với các chuyên gia tâm lý và mẹ, bệnh trầm cảm của H. cải thiện hẳn. H. lanh lẹ, tỉnh táo, vui vẻ chuyện trò.

Cần chung tay, đồng hành

Theo các chuyên gia tâm lý, những người bị trầm cảm thường mất năng lượng, giảm ý chí, họ nhiều khi không có khả năng làm những công việc bình thường hằng ngày và luôn có những suy nghĩ tiêu cực. Vì vậy, trong quá trình tham vấn, trị liệu trầm cảm, các chuyên gia khuyên gia đình có người bị trầm cảm cần đồng hành, chia sẻ, chăm sóc để người bị trầm cảm vượt qua giai đoạn khó khăn.

Thạc sĩ Tâm lý học Nguyễn Thị Hồng Nhung, giảng viên khoa Tâm lý - Giáo dục, Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng), Phó Giám đốc chuyên môn Công ty Nghiên cứu và Tham vấn tâm lý Family cho biết, đa phần các rối loạn trầm cảm trẻ gặp phải rơi vào những gia đình giàu có ít quan tâm đến con, hoặc gia đình có cha mẹ ly hôn, hay gia đình có bạo lực (người bị trầm cảm có thể là nạn nhân hay người chứng kiến bạo lực)… Theo Thạc sĩ Hồng Nhung, độ tuổi người bệnh đến công ty nhờ tư vấn tâm lý thường khoảng 10-40 tuổi, trong đó 90% trong độ tuổi 15-25.

Để hạn chế việc trẻ bị trầm cảm, Thạc sĩ Hồng Nhung khuyên các gia đình cần trang bị kỹ năng cho trẻ, nhất là các kỹ năng giải quyết vấn đề, giải quyết mâu thuẫn, kiểm soát cảm xúc và sống an toàn, hòa nhập. Gia đình cần đồng hành, lắng nghe, chấp nhận và hỗ trợ trẻ chứ không nên phán xét, đánh giá hoặc áp đặt quá nhiều kỳ vọng gây áp lực cho con.

Thạc sĩ Hồng Nhung cũng cho rằng, xã hội cần quan tâm, có cơ chế hỗ trợ những người điều trị bệnh trầm cảm, việc chi trả chi phí điều trị không thấp bởi quá trình điều trị thường kéo dài ít nhất 6 tháng đến một năm. Đồng thời, khi thấy trẻ có những dấu hiệu bất ổn, gia đình có thể liên hệ Tổng đài Quốc gia Bảo vệ trẻ em 111 để được tư vấn, hỗ trợ. Đối với những người trưởng thành, khi có dấu hiệu trầm cảm nên tìm đến các bệnh viện hoặc trung tâm tư vấn tâm lý uy tín để được điều trị, tránh bỏ qua “giai đoạn vàng” trong điều trị trầm cảm, nghĩa là cần điều trị khi người bệnh mới chỉ có một vài triệu chứng ban đầu của bệnh, tránh để kéo dài đến lúc người bệnh có ý định tự sát hoặc lên kế hoạch cho ý định tự sát.

ĐAN TÂM

.