Đà Nẵng cuối tuần
COVAX thừa vắc-xin Covid-19
Chương trình COVAX, cơ chế chia sẻ vắc-xin ngừa Covid-19 toàn cầu đang dư thừa hơn 300 triệu liều vắc-xin. Đây là lần đầu tiên kể từ khi được khởi xướng vào đầu năm 2000, COVAX nói đến chuyện thừa vắc-xin.
Các lô vắc-xin ngừa Covid-19 được đưa đến sân bay quốc tế Bole ở Ethiopia theo chương trình COVAX năm 2021. Ảnh: Reuters |
Tháng 1-2022, COVAX có 436 triệu liều vắc-xin, nhưng các nước có thu nhập thấp chỉ đề nghị phân phối cho họ 100 triệu liều vào cuối tháng 5. Theo đó, COVAX sẽ dư 336 triệu liều vắc-xin, chuyện rất hy hữu kể từ khi chương trình này được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Liên minh toàn cầu về vắc-xin và tiêm chủng (GAVI) cùng các đối tác khởi xướng vào năm 2020 nhằm bảo đảm quyền tiếp cận công bằng trên toàn cầu đối với vắc-xin ngừa Covid-19.
Châu Phi thiếu hạ tầng bảo quản vắc-xin
Một người phát ngôn của Gavi cho biết, COVAX có đủ nguồn cung vắc-xin để đáp ứng nhu cầu hiện tại, nhưng việc phân phối vắc-xin gặp nhiều khó khăn, nhất là tại một số quốc gia kém phát triển hơn. Những mũi tiêm không thể bàn giao trong đợt này có thể được COVAX phân phối vào đợt sau. Hãng tin Reuters cho rằng, việc cung vượt cầu 336 triệu liều là câu chuyện có cả mặt “chưa tích cực”.
Thực tế, nhiều nước miễn cưỡng tiếp nhận thêm vắc-xin, thậm chí từ chối tiếp nhận, vì họ không có khả năng triển khai các chiến dịch tiêm chủng để sử dụng hết số vắc-xin đó hoặc không có đủ cơ sở lưu trữ. Năm 2021, các quốc gia giàu có đã sử dụng hầu hết các liều sẵn có để tiêm cho công dân của mình, dẫn tới sự thiếu hụt vắc-xin ở các nước thu nhập thấp.
Năm 2022, khi nguồn cung và các khoản quyên góp tăng lên, các quốc gia nghèo hơn đối mặt với những rào cản khác, đó là tình trạng thiếu thiết bị bảo quản lạnh chuyên dụng, tâm lý hoài nghi hiệu quả cũng như các tác dụng phụ của vắc-xin và thiếu hụt tài chính để hỗ trợ các mạng lưới phân phối. Thời gian qua, nhiều nước (nhất là các nước châu Phi) đã từ chối tiếp nhận thêm vắc-xin vì hệ thống phân phối và bảo quản lạc hậu.
Khảo sát do Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) thực hiện hồi tháng 1 vừa qua cho thấy sự thiếu hụt về hạ tầng y tế tại 44/55 quốc gia thành viên Liên minh châu Phi. Cụ thể, 24 nước cần tủ lạnh, 18 nước cần tủ lạnh chuyên dụng và 16 nước thiếu các buồng lạnh.
Ông John Nkengasong, Giám đốc Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) châu Phi, từng nói rằng thách thức hàng đầu với việc tiêm chủng ở “lục địa đen” không còn là tình trạng thiếu vắc-xin, mà là thách thức về hậu cần và tâm lý do dự trong việc tiêm vắc-xin.
Tỷ lệ tiêm vắc-xin vẫn bất bình đẳng
Tính đến ngày 26-2, gần 10,7 tỷ liều vắc-xin ngừa Covid-19 đã được tiêm trên toàn thế giới, trong đó hơn 55% dân số thế giới đã được tiêm đủ 2 liều. Đối với COVAX, tính đến tháng 1, chương trình này đạt mốc phân phối 1 tỷ liều vắc-xin đến 144 quốc gia/vùng lãnh thổ, hoàn thành 50% mục tiêu đề ra.
Số lượng vắc-xin được phân phối theo COVAX gia tăng mạnh trong thời gian gần đây, nhưng tình trạng bất bình đẳng về vắc-xin vẫn đáng lo ngại. Tại phiên họp ở New York (Mỹ) ngày 25-2, Chủ tịch Đại hội đồng Liên Hợp Quốc khóa 76 Abdulla Shahid nhận định, bất bình đẳng vẫn tồn tại trong việc tạo điều kiện cho người dân tiếp cận với các loại thuốc men và cộng đồng quốc tế vẫn chưa thể bảo đảm cho tất cả mọi người tránh được dịch bệnh. Ông Shahid lý giải, 83% người dân tại các nước châu Phi vẫn chưa được tiêm mũi vắc-xin đầu tiên. Hiện vẫn còn 27 nước có tỷ lệ tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 chưa tới 10% dân số, trong khi nhiều nước khác đã hoàn tất mũi thứ 3 cho người dân và mở cửa trở lại hoàn toàn nền kinh tế.
WHO và các chuyên gia y tế cộng đồng cảnh báo, dù các nước giàu đang mở cửa nền kinh tế, nhưng việc triển khai tiêm vắc-xin chậm tại các nước nghèo hơn sẽ tạo cơ hội cho SARS-CoV-2 đột biến một lần nữa và xuất hiện các biến thể mới.
Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres cũng nhiều lần nhấn mạnh về tình trạng bất bình đẳng tiêm vắc-xin ngừa Covid-19. Theo ông, nếu các nước không cùng nhau xóa bỏ tình trạng này, cái giá phải trả sẽ là mạng sống của con người, các nền kinh tế bị tác động và các chủng virus mới vẫn có thể xuất hiện.
KHÁNH LINH (theo Reuters, WHO, The Guardian)