Đà Nẵng cuối tuần
Tận dụng rác thải nhà bếp
Thay vì sử dụng thuốc trừ sâu, phân bón hóa học, nhiều gia đình tận dụng các loại rác thải từ rau, củ, quả, vỏ trứng, thức ăn thừa… làm phân bón hữu cơ cho cây trồng.
Sinh viên Trần Trương Hoàng Vy giới thiệu sản phẩm phân bón từ hệ thống xử lý rác thải hữu cơ do nhóm nghiên cứu, ứng dụng. (Ảnh do nhân vật cung cấp) |
Sử dụng rác thải nhà bếp đúng cách, hiệu quả sẽ góp phần không nhỏ vào việc trồng, chăm sóc cây xanh, cũng như giảm thiểu lượng lớn chất thải ra môi trường.
Giải pháp tốt cho cây trồng
Để khu vườn rộng 15m2 trên sân thượng luôn xanh tốt, đầy hoa, chị Nguyễn Thị Mai (nhà ở đường Nguyễn Hoàng, quận Hải Châu) cho biết, bí quyết của chị khá đơn giản: Dành thời gian chăm sóc, cắt tỉa cành lá và tưới bón bằng phân hữu cơ tự chế từ rác nhà bếp.
“Tôi trồng rau phục vụ bữa ăn gia đình nên chủ yếu dùng phân trùn quế hoặc các dòng phân bón tự ủ từ rác nhà bếp. Cách làm khá đơn giản, tôi trộn đất với cám gạo, đậu nành, bón phân bằng nước lên men từ rau củ, vỏ trái cây, nước vo gạo, nước rửa cá và phòng bệnh cho cây bằng thuốc lào ngâm rượu, nước tỏi ớt…”, chị Mai chia sẻ.
Với nguồn thực phẩm dồi dào, chị cho vào thùng chứa, bổ sung nước, chế phẩm sinh học EM hoặc Imo vừa đủ để nước nhanh lên men, tránh mùi hôi. Sau 3 ngày lên men, chị lọc phần nước ra tưới cây, phần xác chôn lấp trong đất để tự phân hủy.
“Trong giai đoạn cây sinh trưởng và phát triển, tôi sử dụng dịch chuối hoặc nước lên men từ rác nhà bếp để tưới xen kẽ trong tuần, nhờ vậy khu vườn luôn xanh tốt và có nguồn rau phục vụ bữa cơm gia đình”, chị Mai khoe.
"Theo nghiên cứu của chúng tôi, rác thải từ nhà bếp nếu xử lý đúng cách sẽ bảo đảm đầy đủ nguồn dưỡng chất cho cây trồng, không gây mùi hôi, tận dụng được nguồn rác thải hữu cơ sẵn có, tránh lãng phí và bảo vệ môi trường" TS. Phạm Phú Song Toàn, giảng viên khoa Công nghệ Kỹ thuật Môi trường, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật (Đại học Đà Nẵng) |
Với sở thích làm vườn, anh Phan Minh Tuấn (phường Thạc Gián, quận Thanh Khê) thường xuyên chia sẻ cách làm phân bón từ nguồn rác thải nhà bếp trên kênh YouTube.
Theo anh Tuấn, trong quá trình nấu ăn, anh thấy có khá nhiều rau, củ, quả hư hỏng, dư thừa không dùng hết nên tìm hiểu cách làm phân bón. Cụ thể, với phần đầu, bụng, vảy, xương cá thải ra từ nhà bếp, anh kết hợp với mật mía, vỏ quả thơm, men vi sinh EMZEO trộn lẫn với nước để làm đạm cá. Trung bình 1 ký cá anh ngâm với 5 lít nước, 1kg mật mía, 1kg thơm và 1 gói men vi sinh EMZEO 100gr.
Anh Tuấn cho biết, đạm cá tăng cường sức đề kháng cho cây, cải tạo đất, kích thích quá trình ra hoa, đậu quả, không gây ô nhiễm môi trường. Một lợi ích khác của việc sử dụng đạm cá là cải thiện nguồn thức ăn lành mạnh, kích thích các vi sinh vật có lợi tồn tại trong đất, giúp cây nhanh hấp thu chất dinh dưỡng, phát triển ổn định.
“Khi bắt đầu làm đất, tôi tưới loãng dịch đạm cá lên đất trước khi ươm giống, sau đó định kỳ tưới 5-7 ngày/lần để kích thích rễ cây phát triển, đặc biệt là các dòng cây ăn lá như cải xanh, xà lách, bắp cải, mồng tơi, rau muống; đối với dòng cây lấy trái như bắp, bầu, bí, su su, ớt, cà chua, tôi tưới dịch đạm cá 7-10 ngày/lần và 15 ngày/lần với dòng cây lấy củ như khoai tây, gừng, cà rốt, củ cải…”, anh Tuấn chia sẻ.
Ngoài tận dụng nguồn phân bón từ đạm cá, anh Tuấn cho biết, bản thân cũng sử dụng thêm nguồn canxi tự nhiên từ vỏ trứng, bia, thức ăn thừa hoặc kali, phốt-pho từ tro nhà bếp.
“Thay vì sử dụng các loại phân bón hóa học như phân kali, phân phốt-pho, phân kali sunfat, cứ mỗi một mét vuông đất trồng, tôi dùng khoảng 100gr tro bếp làm phân bón. Tuy tro bếp cung cấp hàm lượng khoáng chất tương đối giàu có cho cây trồng, nhưng không nên quá lạm dụng do độ kiềm trong tro bếp khá cao, có thể làm giảm khả năng sinh sản và phát triển của giun đất, loài vật có lợi cho cây trồng”, anh Tuấn khuyến cáo.
Tự làm chế phẩm sinh học từ nước vo gạo để tưới cây là cách của chị Nguyễn Thị Mỹ (phường An Hải Đông, quận Sơn Trà). Chị Mỹ nói, mỗi ngày, chị lấy nước vo gạo bỏ vào lọ thủy tinh và đậy kín bằng lớp vải mỏng hoặc giấy ăn. Sau 5-7 ngày, nước gạo kết tủa, chị lọc lấy phần nước trong, hòa thêm sữa tươi không đường và thu chế phẩm sau 1 tuần chờ lên men. Với khoảng 1 lít chế phẩm này, chị pha thêm 1kg đường, 10 lít nước sạch và ủ thêm 15-30 ngày rồi sử dụng tưới cây. Theo chị Mỹ, tác dụng của chế phẩm sinh học làm từ nước vo gạo là cải tạo đất, tăng khả năng kháng bệnh cho cây.
Cần sử dụng đúng cách
Nhóm nghiên cứu của Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật (Đại học Đà Nẵng) đã chế tạo thành công hệ thống xử lý rác thải hữu cơ theo công nghệ Vessel với model T-COM V2.0. Sinh viên Trần Trương Hoàng Vy, khoa Công nghệ Kỹ thuật Môi trường, Trưởng nhóm nghiên cứu cho biết, rác thải sinh hoạt có hàm lượng chất hữu cơ lớn nên dễ dàng bị phân hủy yếm khí, phát sinh ra một số chất độc hại, gây mùi khó chịu như mercaptan, metan… Để hạn chế tình trạng xả thải ra môi trường, đồng thời tận dụng nguồn phân hữu cơ sinh học từ rác nhà bếp, nhóm nghiên cứu đã sử dụng thùng kín để ủ phân theo hướng tận dụng tối đa sự phát triển của các vi sinh vật có lợi, tạo nên sản phẩm phân sinh học có ích cho cây trồng.
Theo Trần Trương Hoàng Vy, hệ thống được thiết kế nhỏ, gọn, có thể xử lý hơn 10kg rác thải nhà bếp/ngày, phù hợp lắp đặt trong các hộ gia đình.
“Chúng tôi đã nghiên cứu rất kỹ, nguồn phân hữu cơ sau thời gian phân hủy đã được Trung tâm Kỹ thuật Đo lường chất lượng 2 kiểm tra, đạt tiêu chuẩn. Tôi hy vọng việc nghiên cứu, sử dụng mô hình này sẽ giảm thiểu chất thải nhà bếp, tạo ra sản phẩm phân bón hữu ích, tiết kiệm chi phí thu gom và xử lý rác thải sinh hoạt”, Hoàng Vy cho hay.
Nhiều hộ gia đình tại Đà Nẵng đang tận dụng nguồn rác thải từ nhà bếp để làm phân bón cho cây trồng. Ảnh: HUỲNH LÊ |
Phân bón hữu cơ ngâm, ủ qua hệ thống Vessel đạt hiệu quả tốt nhất sau 3 tuần phân hủy. Ưu điểm nổi bật của hệ thống là không gây mùi hôi, chi phí đầu tư thấp và thời gian xử lý ngắn. Được biết, năm 2021, trong quá trình nghiên cứu, vận hành, nhóm sinh viên đã lắp đặt hệ thống tại Trường Tiểu học Trần Đại Nghĩa (quận Cẩm Lệ).
Bà Trương Thị Bích Thủy, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Đại Nghĩa đánh giá hệ thống đã giúp nhà trường xử lý tốt lượng rác thải nhà bếp, giảm thiểu đáng kể lượng rác ra môi trường. Đối với nguồn phân bón hữu cơ thu được, nhà trường sử dụng vào việc chăm sóc cây trồng trong khuôn viên trường học, giúp thầy trò có môi trường học tập trong lành, xanh, đẹp.
Theo đánh giá của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật thành phố, rác thải nhà bếp như hoa quả, thức ăn thừa hoàn toàn có thể chế biến thành các loại dưỡng chất bón cho cây trồng. Trong đó, một số thực phẩm có thể bón trực tiếp mà không cần qua quá trình ngâm, ủ, như cắt nhỏ vỏ chuối vùi vào đất cạnh gốc cây trồng hoặc xay nhuyễn, hòa với nước tưới cây để bổ sung nguồn dinh dưỡng. Đối với vỏ trứng, xương gà, xương heo, xương vịt cung cấp nguồn lân hữu cơ, canxi tự nhiên, người làm vườn có thể phơi khô, đốt và nghiền thành bột bón cho cây. Với những gia đình có nguồn rác thải nhà bếp dồi dào, có thể gom lại và bỏ vào thung ủ chung với bột xương, bã cà phê, bã chè, vỏ hoa quả, bổ sung men vi sinh và sử dụng sau 1 tuần ngâm, ủ.
Sử dụng rác thải nhà bếp đúng cách, hiệu quả sẽ góp phần không nhỏ trong việc trồng, chăm sóc cây xanh, đồng thời giảm thiểu lượng lớn chất thải ra môi trường. Tuy nhiên, việc sử dụng chế phẩm sinh học từ rác nhà bếp phải đúng liều lượng để giúp cây khỏe và phát triển nhanh.
TS. Phạm Phú Song Toàn, giảng viên khoa Công nghệ Kỹ thuật Môi trường, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật (Đại học Đà Nẵng) cho biết, xu hướng sử dụng rác thải nhà bếp làm phân bón cần được khuyến khích và nhân rộng bởi cách làm này khá dễ và tiết kiệm. “Theo nghiên cứu của chúng tôi, rác thải từ nhà bếp nếu xử lý đúng cách sẽ bảo đảm đầy đủ nguồn dưỡng chất cho cây trồng, không gây mùi hôi, tận dụng được nguồn rác thải hữu cơ sẵn có, tránh lãng phí và bảo vệ môi trường”, TS. Phạm Phú Song Toàn bày tỏ.
HUỲNH LÊ