Đà Nẵng cuối tuần
Giữ vững tinh thần đổi mới, sáng tạo
Để thành công trong lĩnh vực kinh doanh, nhiều bạn trẻ đã dành thời gian, tâm huyết và không ngừng cải tiến chất lượng sản phẩm nhằm phục vụ tốt nhất nhu cầu người tiêu dùng.
Anh Lê Như Thám (SN 1991), chủ cửa hàng RAM Leather (phường Thanh Bình, quận Hải Châu) bên sản phẩm giày da tâm đắc. Ảnh: TIỂU YẾN |
Tạo sự khác biệt ngay khi bắt đầu
Sau 10 năm phát triển, chuỗi nhà hàng ẩm thực Thai Market trở nên quen thuộc với nhiều thực khách Đà Nẵng. Anh Lê Thái Hoàng (SN 1985), người sáng lập thương hiệu này, khẳng định những món ăn đặc trưng của người Thái như Pad Thái (phở xào kiểu Thái), Tom Yum Kung (canh tôm chua cay), Som Tam (gỏi đu đủ), King Chae Nam Pla (gỏi tôm sống)… đều có mặt trong hệ thống nhà hàng. Theo anh Hoàng, trở lại trạng thái “bình thường mới” là cơ hội để chuỗi nhà hàng phát triển mạnh mẽ và bổ sung nhiều món ăn mới phục vụ thực khách.
Khởi nghiệp từ quán ăn nhỏ mang hương vị Thái Lan đến chuỗi nhà hàng Thai Market, anh Hoàng dành thời gian sang Thái Lan tìm hiểu công thức, gia vị chế biến món ăn đặc trưng của người Thái, kết hợp cách bài trí tỉ mỉ, tinh tế nhằm nâng tầm sản phẩm để thu hút thực khách.
Anh Hoàng nói, động lực để anh tiếp tục phát triển chuỗi ẩm thực Thái Lan trên đất Đà Nẵng là việc khách tìm đến quán ăn ngày một đông. “Thai Market sử dụng 100% gia vị nhập khẩu từ Chiang Mai (Thái Lan), bảo đảm các món ăn giữ đúng hương vị truyền thống của người Thái, đồng thời liên kết với một số ngư dân Đà Nẵng để có được nguồn nguyên liệu chất lượng, tươi sống”, anh Hoàng khẳng định.
Chọn slogan (phương châm) “Delicious food cooked with lots of love and care” (Tạm dịch: “Những món ăn ngon được nấu bằng yêu thương và tâm huyết”), anh Lê Thái Hoàng từng bước chuyên nghiệp hóa cách phục vụ và sáng tạo trong chế biến, bài trí món ăn. Chia sẻ về dự định trong tương lai, anh nói bản thân luôn xác định tinh thần phục vụ thực khách một cách tốt nhất. Thực tế, việc kinh doanh không phải lúc nào cũng suôn sẻ, nhưng Thai Market sẽ luôn đổi mới, sáng tạo, khẳng định phong cách riêng để phát triển.
Với tình yêu dành cho hoa, cây cảnh, Nguyễn Thị Phúc My (phường Thọ Quang, quận Sơn Trà) dấn thân vào con đường kinh doanh khi quyết định mở cửa hàng hoa cảnh Mymyviet Garden. Từng là cô chủ shop hoa với những hợp đồng cắm hoa phục vụ hội nghị, họp hành có giá hàng chục triệu đồng, nhưng việc kinh doanh không phải lúc nào cũng thuận lợi khiến cô bỏ cuộc giữa chừng.
Nghỉ shop hoa, Phúc My từng bước chuyển hướng sang cung cấp hoa chậu và nhận trang trí những chậu hoa, cây cảnh quà tặng theo nhu cầu của khách. “Từ cây cảnh khách hàng sẵn có, Mymyviet giúp họ tạo ra những cây đẹp, độc đáo và hợp phong thủy. Ngoài yếu tố đẹp, bền, phù hợp, chúng tôi chú ý đến bố cục và tính thẩm mỹ của mỗi sản phẩm”, Phúc My cho hay.
Phúc My đăng ký tham gia đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp” (còn gọi là Đề án 939) giai đoạn 2017-2021 của Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố với ý tưởng khởi nghiệp “Cây cảnh sáng tạo Mymyviet Garden”. Theo Phúc My, để có thêm kinh nghiệm, chị không ngại nhập về một số giống cây mới từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan và thuần hóa theo khí hậu miền Trung.
Tinh thần của Mymyviet Garden là không ngừng sáng tạo. Và nếu không liều lĩnh, thì không thể tạo nên những sản phẩm có một không hai phục vụ khách hàng. Hiện cửa hàng đã cấy ghép thành công các loại hoa giấy, hoa sứ nhiều màu với giá thành rẻ, tạo được nguồn khách ổn định.
Mymyviet Garden mang lại cho Phúc My niềm vui và sự trải nghiệm. Qua từng năm, cô gái nhỏ không ngừng học hỏi kỹ thuật trồng, cấy ghép để cho ra đời các sản phẩm mới chất lượng hơn. Từ gian hàng 110m2, Mymyviet Garden đã mở rộng mặt bằng kinh doanh lên 500m2 tại tuyến đường Trần Thánh Tông (quận Sơn Trà). “Trong kinh doanh có rất nhiều rủi ro và tôi từng gặp không ít thất bại nhưng được làm công việc mình thích thì còn gì bằng. Để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, tôi nói không với việc sử dụng hóa chất, phân bón hóa học trong quá trình trồng và chăm sóc cây xanh”, Phúc My chia sẻ.
Không ngại thay đổi bản thân
Khi nhu cầu thị trường ngày càng đa dạng, lĩnh vực chế tác đồ thủ công đã mở ra cơ hội làm giàu cho nhiều bạn trẻ. Anh Lê Như Thám (SN 1991), ông chủ cửa hàng RAM Leather (phường Thanh Bình, quận Hải Châu) từng có gần 10 năm gắn bó với lĩnh vực ngân hàng trước khi chuyển hướng sang sản xuất, kinh doanh sản phẩm thủ công từ chất liệu da bò.
Khởi đầu với số vốn ít ỏi, đến nay RAM Leather đã cho ra đời hàng ngàn sản phẩm dây đồng hồ, ví, túi xách… chất lượng, hợp thời trang. Không dừng lại ở đó, anh Thám tiếp tục thử sức với dòng sản phẩm giày da thủ công, với hai tiêu chí: sang trọng và giản dị. Điểm cộng của RAM Leather là sử dụng 100% da bò tự nhiên, thuốc nhuộm lành tính và không gây độc hại cho khách hàng khi sử dụng. Để gây sự chú ý ban đầu, các sản phẩm của RAM Leather được thực hiện tỉ mỉ, qua từng công đoạn thiết kế, cắt, may, nhuộm...
Anh Lê Như Thám dành thời gian thử nghiệm sản phẩm, tìm hiểu xu hướng của khách hàng tiềm năng, đồng thời cải tiến mẫu mã, độ bền, đáp ứng các tiêu chí: sang trọng, thanh lịch, với mức giá từ vài chục ngàn đồng đến vài triệu đồng/sản phẩm.
Với Lê Như Thám, việc sản xuất sản phẩm đồ da thủ công giống như một trò chơi sáng tạo không ngừng. Giai đoạn đầu khởi nghiệp, anh hầu như không có thời gian chăm sóc bản thân. “Lúc ấy, đồng vốn không nhiều nên tôi hạn chế thuê nhân công. Một ngày làm việc của tôi bắt đầu từ sáng sớm đến đêm muộn. Với những sản phẩm tâm huyết, tôi phải tự tay thiết kế, cắt và may thủ công, có hôm 2-3 giờ sáng mới đi ngủ. Công việc khá cực nhưng đổi lại là niềm vui sáng tạo và được nhìn ngắm sản phẩm mình yêu thích”, anh Thám nói.
Được biết, với nguồn khách ổn định, RAM Leather đã phát triển 8 đại lý tại Hà Nội, Hà Nam, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Thừa Thiên Huế… Ngoài ra, để tạo sự khác biệt trong khâu chăm sóc khách hàng, RAM Leather khuyến khích khách tự nhuộm màu da yêu thích. “Thời gian qua, có rất nhiều khách hàng tìm đến RAM Leather lựa chọn sản phẩm, tự nhuộm màu và tỏ ra thích thú với công đoạn này. Theo tôi, việc khách hàng tự nhuộm màu ví, dây đồng hồ sẽ giúp sản phẩm mang vẻ đẹp tinh thần và gần gũi, ý nghĩa hơn với người sử dụng nó”, anh Thám phân tích.
Từng công tác tại Hội Nhà văn thành phố Đà Nẵng trước khi chuyển hướng sang sản xuất, kinh doanh ba lô, túi xách từ quần jeans cũ, Phạm Thị Hải Dương chia sẻ, bản thân bị những họa tiết, chất liệu jeans dẫn dụ. Thời gian đầu, chị làm ba lô, túi xách để phục vụ nhu cầu sử dụng cá nhân nhưng khi đưa sản phẩm lên mạng xã hội facebook, sản phẩm của chị nhận được nhiều lời khen tặng lẫn mong muốn đặt hàng. Từ tín hiệu tích cực này, Hải Dương nghiêm túc hơn với công việc sáng tạo, thiết kế mẫu ba lô, túi xách độc, lạ, phục vụ những tín đồ yêu thích hàng tái chế. Ngoài sản phẩm dành cho phụ nữ, Hải Dương tận dụng vải quần jeans làm lót ly tách, lót ghế, thảm chùi chân, lót nồi…
Chia sẻ về công việc này, Hải Dương cho hay, chất liệu jeans khá bền, ít phai màu, ít co giãn nên phù hợp làm túi. Ngoài sử dụng nguồn nguyên liệu sẵn có, cô nàng sẵn sàng nhận quần jeans cũ từ khách và sáng tạo nên những sản phẩm chất lượng, thời trang. Hiện các sản phẩm của Hải Dương rất đa dạng, từ ba lô, túi bucket hai dây đeo, túi vuông, túi bầu đến ba lô bucket, túi đeo chéo… Cô cũng thường xuyên mở các workshop hướng dẫn mọi người tự may vá, dựa trên nguồn nguyên liệu jeans có sẵn.
TIỂU YẾN