Đà Nẵng cuối tuần
Người "giữ lửa" lễ hội bà Thu Bồn
Cụ Thái Văn Lịch được chọn làm chánh bái trong lễ hội bà Thu Bồn từ năm 1975-2014. Năm nay, dù ở tuổi 92 nhưng cụ vẫn là cố vấn cho Ban tế lễ của làng Thu Bồn (xã Duy Tân, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam).
Cụ Thái Văn Lịch (92 tuổi) bên tấm sắc phong. Ảnh: T.H |
Ngôi nhà 3 gian 2 chái của cụ Thái Văn Lịch nằm bên dòng Thu Bồn, thôn Thu Bồn Đông, xã Duy Tân. Tiếp chuyện chúng tôi trong trang phục áo dài truyền thống, cụ Lịch cho biết, lễ hội bà Thu Bồn được tổ chức vào ngày 12-2 và 5-5 âm lịch tại làng mang tên bà, thể hiện khát vọng phồn vinh, cầu mùa màng bội thu, mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an cho cộng đồng làng xã. Những vật phẩm được cúng là heo, bò, trâu, cùng với việc tổ chức hát bội, đua thuyền…
“Những năm kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, lễ hội này chỉ được tổ chức một lần mỗi năm vào ngày 11 và 12-2 âm lịch”, cụ Lịch nói. Sau ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975), lễ hội bà Thu Bồn bị phai nhạt dần do đời sống của người dân còn vất vả. Lúc này, cụ Lịch và hai người bạn cùng làng xắn tay áo, bỏ tiền túi để tổ chức, phục hồi lễ truyền thống tươm tất và lớn nhất có thể.
Ngày đó, ba người bắt đầu mọi việc từ tìm kiếm trang phục, đến đọc sổ sách để thực hiện nghi thức cúng bái theo đúng những gì tổ tiên đã làm. Và đó cũng là năm đầu tiên cụ Lịch thực hiện vai trò chánh bái. “May mắn, lễ hội được tổ chức rất thành công, mọi thứ tốt đến mức mọi người nhớ mãi. Từ đó, năm nào cũng có lễ hội bà Thu Bồn được tổ chức lớn đến ngày nay”, cụ Lịch tâm sự.
Theo lời cụ, thuở ấy, người dân khắp nơi tụ tập về lễ hội bà Thu Bồn rất đông; trên bờ hát bội, đá gà từ đầu thôn đến cuối xóm; dưới sông mọi người tụ tập đua thuyền. Người từ nội, ngoại tỉnh về đông kín cả khu vực sông. Con trâu làm lễ cúng cũng được mổ đãi khách thập phương về tụ hội.
Cụ Lịch trầm ngâm: “Thời đó vui lắm, đua thuyền là phần được đón chờ nhất, hai bên sông người cổ vũ đứng sát nhau; trên bờ mọi người rủ nhau đá gà, hát bội. Đó đích thị là ngày hội lớn của vùng”.
Bên cạnh vai trò cố vấn, cụ còn được bầu giữ sắc phong được vua ban cho bà Thu Bồn. “Người giữ sắc phong được dân làng bầu chọn, phải là người có kinh nghiệm, có tiếng nói, con cái ngoan hiền, trong nhà không điều ra tiếng vào”, cụ giải thích.
Thắp nén hương trên bàn thờ của bà Thu Bồn, cụ Lịch nâng niu tấm sắc phong được vua Minh Mạng ban cho bà. Tấm sắc phong dài hơn 1 mét, rộng khoảng 60cm, màu chủ đạo là vàng, cụ được truyền lại vào năm 2001. Trên tấm sắc phong ghi dòng chữ Hán với nội dung chính được dịch: “Hồng nhân phổ tế linh ứng thượng đẳng thần”.
Được biết, hiện làng Thu Bồn còn lưu giữ 8 sắc phong, trong đó có 1 sắc phong thời vua Minh Mạng, 2 sắc phong thời vua Tự Đức, 1 sắc phong thời vua Thành Thái, 1 sắc phong thời vua Duy Tân, 1 sắc phong thời vua Khải Định...
Bà Nguyễn Thị Ngọc Hải, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Duy Xuyên cho biết, cụ Lịch có uy tín ở làng, xã và huyện; nhiều năm liền cụ giữ chức chánh bái, nay tuổi cao nên được mời làm cố vấn cho Ban tế lễ. Bà Hải còn cho hay, 2 năm qua, do ảnh hưởng Covid-19 nên lễ hội bà Thu Bồn được tổ chức quy mô nhỏ. Dự kiến năm nay, lễ sẽ được tổ chức lớn cùng với việc rước bằng di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Có nhiều truyền thuyết về bà Thu Bồn. Trong đó, một câu chuyện được dân gian kể rằng, bà Thu Bồn là công chúa vua Mây. Khi bị giặc ngoại xâm bao vây kinh thành, nhà vua và công chúa chạy lánh nạn, bà bị ngã ngựa chết, xác trôi trên sông, dân trong làng thương xót đưa bà lên bờ chôn cất. Khi dân làng Thu Bồn bị dịch đậu mùa, bà Thu Bồn đã linh ứng cứu giúp dân lành thoát khỏi dịch. |
TÂN HƯỚNG