Khai thác du lịch từ bài thuốc quý của người Dao

.

Từ lâu, người Dao các tỉnh vùng Tây Bắc đã sử dụng các loại cây thuốc quý trong rừng chữa bệnh. Nhằm duy trì bài thuốc này, đồng thời phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng, nhiều cơ sở lưu trú ở cao nguyên Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu đưa vào phục vụ bài tắm thuốc lá người Dao, giúp du khách phục hồi sức khỏe.

Trước khi tắm, lá thuốc được chị Mẩy Thanh nấu trong một nồi to trước sân nhà. Ảnh: Đ.H.L
Trước khi tắm, lá thuốc được chị Mẩy Thanh nấu trong một nồi to trước sân nhà. Ảnh: Đ.H.L

Sinh ra và lớn lên tại cao nguyên Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu, chị Mẩy Thanh (khu 5, thị trấn Sìn Hồ) khá thông thạo địa bàn nơi đây. Ngoài làm hoa tiêu dẫn khách tham quan, khám phá các điểm du lịch, chị dành thời gian đi hái lá thuốc trong rừng về làm thuốc tắm. Sau này có điều kiện, chị mở homestay kết hợp dịch vụ tắm lá thuốc người Dao. Chị Mẩy Thanh cho biết, tắm lá thuốc người Dao có tác dụng phục hồi sức khỏe người mới ốm dậy, giảm đau nhức xương khớp, tê bì chân tay, sưng gối, ngón chân, ngón tay, đau lưng cấp và mãn tính, giúp lưu thông khí huyết và giải độc cơ thể.

Một nồi lá thuốc tắm của người Dao có từ 15 - 20 loại lá rừng, có thể kể đến như: cù anh đéng, cù tẩy hây, hoàng đìu nheo, lùng ngải… Riêng nồi thuốc tắm cho sản phụ của người Dao đỏ có đến hàng chục loại lá cây như: Quề đài mhjây, tằng hạp, bùng mun mhjây, cù tạy mhjây, kièn muông lau, dào mía, puồng lầu, càm chậu, tồng lầu, nàng chìa mhjây, sình pầu...

Đến Lai Châu, sau một ngày khám phá văn hóa cộng đồng của đồng bào dân tộc Mông, Dao, Thái, Lự và các điểm du lịch độc đáo ở đỉnh Cát Chùa Sì, sóng Khủng Long..., chúng tôi được thưởng thức một mâm cơm truyền thống của đồng bào người Dao, gồm món gà nấu lá thuốc, măng tươi luộc chấm mẻ, ngồng cải luộc và nhâm nhi ly rượu thuốc từ cây lá trong rừng. Khi cuộc vui đã tàn, chị Mẩy Thanh chuẩn bị một nồi lá thuốc, mời chúng tôi tắm và trải nghiệm.

Nồi lá thuốc tắm được chị Mẩy Thanh đun bằng củi, cho mùi thơm dễ chịu. Bếp lửa đặt ngay cổng vào nhà khiến du khách mới bước vào có thể cảm nhận ngay mùi lá thuốc bay lên ngào ngạt, nhất là mùi thơm đặc trưng của hoa thảo quả. Đặc biệt, ở Sìn Hồ khí hậu về đêm thường lạnh, có nhiều sương mù nên những bếp lửa hồng còn giúp du khách sưởi ấm trong lúc ngồi chờ nước sôi. Mỗi nồi nước lá đun sôi khoảng 20-30 phút, sau đó chắt lấy nước cốt, hòa cùng nước lạnh đủ cho một người tắm. Khách có thể ngâm mình từ 15-20 phút hoặc đến khi cảm thấy người khỏe hẳn. Mùi thơm của lá thuốc xông lên mũi, ngấm vào da thịt, giúp du khách thư thái, dễ chịu.

Theo chị Mẩy Thanh, để tránh say thuốc thì trước khi tắm, khách nên làm quen với thùng nước bằng cách cho chân vào ngâm khoảng 1-2 phút rồi từ từ ngồi xuống. Lúc ngồi, mắt hướng ra bên ngoài thùng. Khi tắm xong nên đứng dậy từ từ vì đứng lên nhanh có thể gây chóng mặt. Đối với bệnh nhân cao huyết áp, khi ngâm phải có người nhà theo dõi. Đối với sản phụ, trong tháng đầu ở cử nên dùng ít nhất 3 nồi lá thuốc. Những bệnh nhân khác đun một tháng 2 lần, mỗi lần tắm 3 đêm liên tục. Khi có biểu hiện say thuốc cần ra khỏi thùng thuốc, nằm nghỉ ngơi, đắp chăn ấm khoảng 10 phút sẽ ổn. Ngoài tắm dịch vụ, khách có thể mua lá thuốc tắm người Dao đã phơi khô đóng gói hoặc mua cao cô đặc về nhà tự tắm.

Trước công dụng tuyệt vời của bài thuốc quý, thời gian qua, chính quyền huyện Sìn Hồ khuyến khích các gia đình bảo tồn cây dược liệu, tạo điều kiện cho đồng bào tiếp cận nguồn vốn vay phát triển dịch vụ tắm lá thuốc. Việc phát triển dịch vụ tắm lá thuốc trên cao nguyên Sìn Hồ không chỉ là điểm nhấn quan trọng thu hút khách du lịch, mà còn góp phần gìn giữ nét đặc trưng văn hóa của đồng bào dân tộc Dao nơi đây.

ĐOÀN HẠO LƯƠNG

;
;
.
.
.
.
.
Liên kết hữu ích