Đà Nẵng cuối tuần

Gia đình

12:18, 21/05/2022 (GMT+7)

Lúc anh chạy đến thì sân nhà bác Cả đã lố nhố người, người ta ra vào vội vã, những gương mặt lo lắng, hốt hoảng hơi bạc màu cùng vài ánh mắt thẫn thờ. Có vài người lanh lợi hơn, giơ tay chỉ bảo gì đó, quyết đoán và dứt khoát. Anh dựa lưng vào bức tường bếp tránh đường, cảm thấy lưng mình rám rám. Căn bếp này xây lâu lắm rồi, từ ngày anh còn học cấp một. Những trưa đi học về, thay vì về nhà mình, anh lại đi thẳng đến nhà bác Cả, bếp nhà bác luôn ấm nóng và luôn có gì đó dành cho anh. Có khi chỉ là nửa bát cơm nguội ăn với cá kho, tóp mỡ, hay có khi là củ khoai, bắp ngô vùi trong than…

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Lúc nhìn xuống tránh vài ánh mắt, anh nhận ra mình xỏ hai chân hai chiếc dép khác nhau. Những ánh mắt thấy anh, lướt qua thờ ơ và vội vã. Lúc này rồi, ai còn quan tâm anh đi dép màu gì.

Bác Cả nằm trên giường như đang ngủ, bác vẫn mặc bộ bà ba màu gụ, bình thường bác thường vo tròn hai ống quần để nó lửng lơ ngang bắp chân. Vải mềm, bác đi vội là nó lại tuột xuống, nên hình ảnh anh thấy nhiều nhất là hai ống quần bác bên thấp bên cao, có những khi bác giơ chân xắn bên tuột kia, thì nó lại cao hơn bên còn lại…

Bác Cả nằm trên tấm phản nhẵn thín, mát rượi, mặt thanh thản, trong nhà người qua người lại nhưng không gây ra tiếng động nào, hẳn mọi người sợ ảnh hưởng giấc ngủ của bác, cũng có thể do anh không nghe thấy gì. Người ta không nhìn anh nhưng vẫn tránh để anh đến gần giường bác. Anh đi từng bước từng bước, lúc ngồi bệt xuống đất, gục trán vào thành phản, cái phản này bao năm anh và các anh chị lăn lê vui đùa trên này đã quen thuộc lắm nay sao bỗng xa xôi. Anh muốn với tay lên cầm tay bác, bàn tay thô kệch và nham nhám quen thuộc. Anh muốn hỏi, bác đi rồi con phải làm sao?

Bác Cả có năm người con. Tính ra bác có hơn hai chục người cả con cả cháu, nhưng không hiểu sao bác quý anh nhất, không phải vì anh là đứa cháu nhỏ nhất của bác, cũng không phải vì anh ngoan ngoãn hay giỏi giang.

Ngày bé, anh là đứa trẻ rắn mắt. Buổi trưa, anh thường trốn ngủ, cầm đầu đám trẻ con chui vào vườn nhà người ta bẻ mía, nhổ khoai sắn, trèo cây hái quả. Chủ nhà biết được ra đuổi, đám trẻ chổng mông chọc tức, còn cả gan đứng lại trêu ngươi, người ta nói câu nào, anh nhại lại câu đó.

Có người đành chịu thua đám trẻ con rắn mắt, có người đến tận nhà mách bố mẹ anh, tất nhiên là anh bị một trận đòn. Trước đó bao nhiêu cái roi tre đã gãy nên bố dùng roi mây.

Công nhận roi mây vừa dẻo vừa bền, lúc cái roi quất xuống còn nghe tiếng vút rất kiên quyết. Bố mất cả một buổi chiều đi chợ phiên, mua được cây mây dẻo, về luộc kỹ trong nước rồi mang phơi nắng, rồi còn dùng nhựa thông hay dầu gì chuốt kỹ cho đến khi cái roi mây bóng lên, có màu cánh gián. Lúc bố tỉ mẩn lau chuốt cái roi mây, không hiểu sao anh thấy bố thật tội nghiệp và bất lực. Làm cái roi đánh con, có cần phải chau chuốt kỹ càng vậy không. Giá như thái độ ấy, thời gian ấy, bố dành cho anh thì mọi chuyện đã khác.

Bố là em út của bác Cả nhưng anh chẳng thấy bố giống bác chút nào. Bác Cả không được học hành như các em nhưng cuối cùng lại là người có chữ nhất trong làng. Bác nói chuyện rất gãy gọn, đâu vào đấy và từ bác toát ra cái uy khiến người ta nể sợ. Khi bác lên tiếng thì các em thường im lặng và làm theo, chẳng thấy ai dám nói lại. Với các em, bác nghiêm khắc nhưng với đám cháu thì bác lại chiều chuộng. Bác có thể bỏ cả một buổi chiều để tập bơi cho đám cháu. Bơi chán, bác còn cõng một lần hai đứa, bơi ngang ao làng, tiếng cười bác cháu lan rộng mặt ao…

Anh sợ bác Cả nhưng rất thích đến nhà bác chơi. Bác trang nghiêm, đạo mạo những khi ăn mặc tươm tất trong mấy ngày tết hay khi nhà có đám. Ngày thường, bác quần ống thấp ống cao, có hôm còn cài áo lệch nhìn gần gũi. Khi bác ngồi xếp bằng bên những ô quan, hơi mỉm cười nhìn anh tính nước đi, anh nghĩ bác như ông tiên trong truyện cổ tích.

Anh tính hết ô này đến ô khác, bác điềm nhiên ngồi chờ với nụ cười nhẹ như khuyến khích. Anh đã dấy lên một ước ao, giá bác là bố anh thì anh có hư như hôm nay không?

Chưa bao giờ anh thấy bác đối xử với anh khác với những đứa cháu khác của bác. Đến giờ cơm, anh nhanh nhẹn đi trải chiếu, sắp bát đũa và ăn cho đến khi no căng mới thôi. Ở những nhà bác trai bác gái khác, anh nào dám, thấy nhà chuẩn bị ăn cơm là anh vội vàng chào ra về.

Sau này anh mới biết, cảm giác anh có với bác là cảm giác tin cậy và dựa dẫm, còn với những người khác là e dè. Tận sau này, anh mới hiểu.

Anh, là con của bố, là cháu của bác nhưng không phải ruột thịt.

Bố anh không có con do ngày bé bị bệnh, anh là do mẹ “xin” được bên ngoài. Ngày biết tin mẹ có thai, bố giận dữ lôi hết quần áo của mẹ ném ra ngõ, đuổi mẹ đi. Bác Cả xuất hiện, gọi người đưa mẹ vào lại nhà, nói mẹ là do bác cưới về cho bố, bố muốn làm gì cũng phải nể mặt bác.

Mẹ được ở trong nhà, anh được sinh ra, anh cứ nghĩ đó là gia đình của mình. Khi bị người làng mắng “thứ con hoang”, “đồ không cha”, anh nghe nhưng không hiểu, anh hiểu những cái roi của bố hơn. Khi lớn hơn một chút, anh nhận những cái roi của bố đánh xuống, vì tội của anh thì ít, vì trút thêm giận dữ thì nhiều và anh thôi không kêu đau, mặc bố đánh, để bố có thể vơi bớt những oán hờn.

Bác Cả nói, trẻ con có tội tình gì. Giờ chú muốn bỏ vợ, tôi cũng kệ, nhưng thằng Quang là cháu tôi, là cháu họ Phan nhà tôi, được ông bà tổ tiên che chở và nâng niu, tôi sẽ mang nó về nhà nuôi, để chú được tự do.

Nghe được đến nhà bác ở, anh đã rất vui, nhưng cuối cùng anh vẫn lại ở nhà mình, với những trận đòn.
Trước khi ngủ thiếp đi dưới những cái vỗ của bác Cả, anh còn nghe bác nói, giờ chú tính ở với ai muốn làm gì tùy chú, nay không sao, còn mai thế nào? Chú là em tôi, chú muốn sao tôi cũng chiều, thằng Quang là cháu tôi, chú không thương thì còn tôi.

Dưới những cái vỗ nhẹ của bác, anh đã chìm vào giấc ngủ, còn nghĩ mình đã gặp ông tiên ông bụt.
Những khi ngồi chơi ô quan với bác, anh nghe bác kể chuyện này chuyện nọ, những câu chuyện tưởng bâng quơ nhưng khi ngẫm lại mới thấy thấm thía. Anh thôi đi phá làng phá xóm, cũng thôi láo lếu, hỗn hào. Ngoài giờ đi học, anh thường có mặt ở nhà bác. Các anh chị nhà bác đã lớn, chị út cũng lớn hơn anh tám tuổi, anh thường chơi với bác, học cách trồng cây, pha trà, chẻ tre, vót nan, đan rổ rá giần sàng...

Anh nghĩ đời mình sẽ êm đềm mãi, không nghĩ một ngày bác sẽ buông tay rời khỏi. Cảm giác đầu tiên khi nghe tin bác đi, là hoảng hốt, hụt hẫng và mất mát. Bác đi, còn ai bênh vực và thương yêu anh, còn ai cho anh chỗ dựa. Trên đường đến nhà bác, anh như thấy hàng trăm đôi mắt đang nhìn anh cười cợt, dè bỉu, khinh khi. Hẳn khi ấy, mẹ anh cũng phải đón nhận những ánh nhìn tương tự, anh không biết mai kia con cháu anh liệu có thoát.

Đưa tiễn bác xong xuôi, anh lặng lẽ đi khỏi làng. Mẹ anh không còn, nay bác cũng đi, nơi này không còn gì để anh luyến tiếc. Anh đã nhìn thấy những ánh mắt giễu cợt, dò xét từ những người anh, người chị của mình. Họ biết, biết rất nhanh, cũng có thể họ biết lâu rồi nhưng chỉ dám chôn sâu trong lòng vì sợ bác Cả, nay thì làm gì có ai bắt họ giữ bí mật ấy, nhất là khi một đứa ất ơ lạc loài lại được bác Cả thương yêu hơn những đứa cháu máu mủ.

Trong ba lô, ngoài mấy bộ quần áo, anh còn mang theo mấy cuốn sách, là những cuốn sách bác cho anh, hộp thiếc đựng những viên sỏi lớn nhỏ không đều nhau đủ để bày ô quan. Những viên sỏi này bác và anh phải góp nhặt rất lâu mới có, hễ đi đâu nhìn thấy viên sỏi tròn tròn nhẵn mịn là hai bác cháu sẽ nhặt cho vào túi áo. Mỗi lần chơi xong, anh sẽ vơ tất cả bỏ vào trong cái hộp thiếc nhỏ, để lên giá sách.

Tài sản cuối cùng của anh là tờ lịch, là tờ lịch ngày bác mất, anh đã ép nhựa để lưu giữ. Những thứ đó, anh nghĩ đủ để giúp mình bớt lạnh lẽo.

Anh tìm được việc làm rất nhanh, xưởng cơ khí không lớn nhưng lắm việc, công việc cũng không nhẹ nhàng gì. Mỗi khi về đến phòng trọ là anh nằm xoài ra cái chiếu trải vội, cả người đau như bị ai đánh. Nhưng giấc ngủ lại đến rất nhanh, không kịp cho anh nghĩ ngợi gì.

Anh không nghĩ nhanh thế lại gặp chị Cả và anh Bốn. Chị là con đầu của bác Cả, anh là con đầu của bác Ba. Bác Cả gọi đám cháu theo thứ tự sinh trước sau, không cần biết con nhà ai. Như thế mọi người sẽ như anh em một nhà.

Chị có đôi mắt và cái cằm giống bác. Ngày bé, chị hay bắt nạt anh nhất, chân rửa chưa sạch đã leo lên giường, quần áo bị rách, nhong nhong ra ngoài trời nắng mà không nón mũ là bị chị quát, có lúc còn dùng roi. Mỗi khi chị giận, chị quắc mắt lên nhìn rất đáng sợ khiến anh nem nép nghe theo, không dám nói gì.

Lúc này, chị cũng quắc mắt nhìn anh.

Cậu có chịu về không thì bảo thẳng một tiếng để tôi biết còn về báo cáo với mọi người. Bố tôi mất rồi, trong họ còn có các chú và những người khác. Bố tôi cũng có dặn lại là phải để mắt đến cậu, tôi không hiểu bố tôi có mấy chục con cháu, chắt cũng có rồi mà sao bố tôi lại quan tâm đến cậu như thế.

Nói thật, bố không dặn thì chúng tôi cũng vẫn coi cậu là em út trong nhà, máu mủ là gì tôi không nhìn thấy, chúng tôi chỉ biết cậu cùng chúng tôi lớn lên cạnh nhau, ăn cùng mâm, ngủ cùng lăn ra phản, cùng bơi ao tắm mương… Ngày trước, tôi nhớ cậu có nuôi một con mèo, lúc nó bỏ đi, cậu đã khóc lóc thế nào hẳn vẫn còn nhớ. Nếu cậu không muốn là người nhà của chúng tôi, thì chí ít cũng như con mèo ấy, ở cạnh nhau lâu cũng mến tay mến chân. Nay cậu tìm đường riêng cho mình cũng là chuyện bình thường, con người ai cũng vậy, cậu tự giác tự lực cánh sinh chúng tôi còn mừng không hết.

Tôi chỉ yêu cầu cậu một chuyện, ngày kia là một trăm ngày của bố tôi, cậu về qua một lát kẻo người làng người nước họ bảo chúng tôi đuổi cậu, chúng tôi thì sao cũng được, nhưng như thế thì tủi vong linh bố tôi lắm. Giờ tôi đếm đến ba, cậu làm sao thì làm.

Anh Bốn đứng cạnh không nhìn anh lấy một cái mà dòm dỏ xung quanh căn phòng trọ, hai hàng lông mày anh nhíu lại như sắp dính vào nhau. Anh lấy làm mừng là sáng nay dậy mình đã gấp chăn màn gọn gàng, quần áo mới giặt tối qua, đôi giày bảo hộ cũng để ngay ngắn cạnh cửa. Chị Cả nói ráo hoảnh, lạnh lẽo nhưng anh cảm thấy có một làn khói ấm đang từ từ lan vào người mình, làn khói ấy êm ái, ấm áp và còn có mùi thơm.

Không đợi anh trả lời, chị Cả cũng không đếm đến ba đã bỏ đi. Cả đêm anh trằn trọc, nửa vui mừng, nửa sợ hãi và thấy mình thật hèn nhát. Bác Cả đấy, mặc làng xóm nói gì, mặc em trai, em gái ban đầu lời ra tiếng vào, bác vẫn dang tay ôm anh vào lòng, chú tâm dạy dỗ. Bác đã cần bao nhiêu dũng khí và can đảm khi đối mặt với người đời?

Những con cháu bác, nói năng chua ngoa nhưng anh cảm nhận được vị ngọt của tình thân, của quan tâm và thương yêu, rằng anh vẫn có một nơi để về, nhiều người để nhớ thương.

Cả buổi sáng, anh ngồi với ông chủ, không biết khi ấy anh nghĩ gì mà anh lại mở lòng, kể chuyện mình cho ông nghe. Ông gật gật, là cô hôm qua ấy hả, gầm gào vậy thôi nhưng hổ giấy đấy, bụng dạ không có gì đâu. Có anh con trai thì hung hăng như muốn đánh người, nhưng cậu kể chuyện thì tôi đã hiểu, là họ bực tức vì cậu đi mà không báo. Cậu làm vậy là bậy rồi, ít ra cũng phải thưa gửi đàng hoàng chứ. Mấy chục năm đâu phải là ngắn.

Lúc thu dọn quần áo, hộp đựng sỏi chơi ô quan bị bật nắp đổ nghiêng, một củ khoai tây lăn ra, hẳn nó là quan, một lần nào đó bác lấy làm quan, khi dọn anh đã vốc hết bỏ vào hộp.

Anh nhìn củ khoai tây nhỏ, thấy ở chỗ mắt khoai đã nhu nhú lên mấy cái mầm màu vàng nhạt. Anh cẩn thận gói củ khoai vào trong cái áo cũ. Chốc nữa về, anh sẽ tự tay trồng nó trong khu vườn nhỏ của bác, chỗ của nó là ở đó, và anh cũng thế.

Anh nhìn căn phòng nhỏ còn chưa bện hơi, những con nhện còn chưa kịp đan lưới, ông chủ nói mai kia hay bất cứ khi nào anh quay lại, ông cũng sẽ dành một chỗ trong xưởng cho anh. Anh nhớ lại lời ông chủ nói khi sáng. Không một gia đình nào hoàn hảo cả, có cãi vã, có giận hờn, có lạnh lùng nhưng là nơi người ta thương yêu nhau vô điều kiện và là nơi không có ai bị bỏ rơi.

NGUYỄN THỊ THANH BÌNH

.