Đà Nẵng cuối tuần
Chọn môn tự chọn lớp 10
Từ năm học 2022-2023, ngoài các môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc, học sinh lớp 10 THPT sẽ được lựa chọn 5/8 môn từ nhóm 3 môn học bắt buộc gồm: nhóm môn khoa học xã hội, khoa học tự nhiên, nhóm môn công nghệ và nghệ thuật. Đây là thay đổi quan trọng liên quan đến định hướng nghề nghiệp trong tương lai của học sinh.
Học sinh Trường THCS Chu Văn An (quận Thanh Khê) tìm hiểu thông tin về hướng nghiệp. Ảnh: H.T |
Định hướng theo học khối ngành khoa học tự nhiên, em Trương Nguyễn Cát Tường (lớp 9/4, Trường THCS Lê Độ, quận Sơn Trà) cho biết: “Trong 3 môn học ở nhóm môn này, em muốn chọn môn Giáo dục kinh tế và Pháp luật. Em dự định khi tốt nghiệp THPT sẽ thi vào các trường có đào tạo khối ngành kinh tế. Nhưng em có chút phân vân vì chưa nắm rõ nội dung của môn học này”. Cát Tường cho biết, em cũng thích học thêm môn Địa lý nên có lẽ sẽ chọn 2 môn của nhóm môn này. Với nhóm môn khoa học tự nhiên, em dự định chọn 2 môn Vật lý và Hóa học vì có liên quan đến khối thi đại học sau này. Với nhóm môn công nghệ và nghệ thuật, cô học sinh lớp 9 phân vân giữa môn Công nghệ và Tin học.
Có xu hướng chọn môn tự chọn ngược lại với Cát Tường, em Tạ Ngọc Chiêu Anh (lớp 9, Trường THCS Lý Tự Trọng, quận Sơn Trà cho biết: “Em học tốt các môn xã hội hơn nên em sẽ chọn số môn học thuộc nhóm này nhiều hơn. Nhóm môn khoa học tự nhiên thì có lẽ em chỉ chọn môn Sinh học”.
Chị Ngọc Thủy, phụ huynh của Chiêu Anh cho rằng, việc học sinh lớp 10 được tự chọn môn học là thuận lợi rất lớn cho những học sinh có thiên hướng rõ ràng về các môn khoa học xã hội hay khoa học tự nhiên. Học sinh sẽ được giảm tải những môn học không phục vụ cho định hướng tương lai của các em.
Thế nhưng, không phải học sinh nào cũng biết được sở trường, hứng thú và định hướng nghề nghiệp ngay từ khi vừa kết thúc chương trình học lớp 9. Em Võ Hồng Hải Đăng (học sinh Trường THCS Đỗ Đăng Tuyển, quận Thanh Khê) cho biết: “Em không thật sự giỏi môn nào nên chưa biết sẽ chọn 5 môn tự chọn thiên về nhóm môn nào. Nếu không có năng khiếu thì theo học các môn khoa học xã hội cũng rất khó, không phải cứ học thuộc bài là đạt yêu cầu. Nhưng với các môn Lý - Hóa - Sinh, kiến thức cũng nặng, bài tập nhiều”.
Theo sát quá trình học của con, chị Phan Thị Thắng chia sẻ: “Chúng tôi động viên con chọn theo nhóm môn thuộc khoa học tự nhiên vì cơ hội tuyển sinh đại học theo tổ hợp môn sẽ nhiều hơn. Định hướng nghề nghiệp của con cũng chưa rõ ràng nên gia đình rất lúng túng khi lựa chọn”.
Em Trần Hoàng Nam (lớp 9, Trường THCS Tây Sơn, quận Hải Châu) băn khoăn: “Em học tốt các môn tự nhiên hơn nên sẽ ưu tiên chọn nhiều hơn các môn học tự nhiên và kỹ thuật. Nhưng không biết chúng em có được xếp lớp theo đúng nguyện vọng đăng ký của mình hay không. Các bạn em cũng chọn số môn học thuộc nhóm khoa học tự nhiên nhiều hơn”.
Chị Hoàng Thị Thu Hằng, phụ huynh của Nam chia sẻ, mỗi nhóm, học sinh phải lựa chọn ít nhất một môn học. Học sinh phải chọn 5/8 môn ở 3 nhóm môn, như vậy ở mỗi nhóm sẽ có ít nhất một môn các em không được học ngay từ đầu lớp 10.
“Đây là một lựa chọn không dễ dàng bởi sẽ xảy ra tình huống chuyển hướng nghề nghiệp sau khi học xong lớp 10. Cũng có thể lựa chọn từ đầu lớp 10 chỉ là cảm tính, không phù hợp với năng lực hoặc xu hướng nghề nghiệp, cơ hội việc làm của các em thay đổi khi lên đến lớp 12 thì rất khó có thể làm lại”, chị Hằng phân tích.
Thầy Lê Vinh, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn cho biết: “Môn tự chọn không xuyên suốt mà là chương trình của một lớp. Đã là môn tự chọn thì học sinh có quyền chọn và có quyền thay đổi. Chương trình kiến thức ở bậc THCS là căn bản, nền tảng nên lớp 10 chọn sai môn cũng không có gì nghiêm trọng. Tuy nhiên, thường chọn môn là chọn theo tổ hợp chứ không phải chọn cơ học cho đủ số môn nên trường hợp “nhảy” từ sang một tổ hợp mà không có môn nào liên quan đến tổ hợp cũ đã chọn cũng hiếm khi xảy ra”.
HÀ TRẦN